Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cơm chó' là gì

"Cơm chó", hay "cẩu lương", là từ lóng phổ biến giới trẻ, dùng để chỉ hành động thể hiện tình cảm lãng mạn của các cặp.

“Cẩu lương” là một từ tiếng Trung, mang nghĩa “cơm dành cho chó”. “Cẩu” có nghĩa là “chó”, còn “lương” tức lương thực, thức ăn.

Tuy nhiên, từ này chủ yếu được biết đến với nghĩa bóng. Nó thường dùng để chỉ hành động lãng mạn, ngọt ngào của các cặp tình nhân.

Thuật ngữ xuất phát từ mạng xã hội Trung Quốc, nơi những người chưa có bạn trai/gái thường được gọi vui là “cẩu độc thân” (chó độc thân). Và “cẩu lương” nghiễm nhiên trở thành một dạng “thức ăn tinh thần” dành cho họ.

Khi được phát “cẩu lương”, những người độc thân cảm thấy ghen tị, bực tức song bất lực, không thể làm gì hơn. Một số khác bày tỏ mong muốn được ở trong mối quan hệ tình cảm một lần để hiểu sự ngọt ngào của "cơm dành cho chó".

Khi du nhập về Việt Nam, cụm từ được dịch sang nghĩa tiếng Việt thành “cơm chó” với lớp nghĩa bóng giữ nguyên. Cùng với “cẩu lương”, “cơm chó” nhanh chóng được giới trẻ Việt đón nhận và ứng dụng vào các cuộc hội thoại trên mạng xã hội.

Xuất phát từ thuật ngữ này, các cụm từ như “phát cẩu lương/cơm chó”, “ăn cẩu lương/cơm chó” hay “ngược cẩu” ra đời.

Trong đó, “ăn cẩu lương/cơm chó” chỉ tình huống những người độc thân chứng kiến các cặp yêu đương, có thể do ép buộc hoặc vô tình gặp phải.

“Phát cẩu lương/cơm chó” dùng để chỉ hành động tình cảm của các cặp thể hiện trước mặt người độc thân, theo Baidu. Người chưa có bạn trai/gái gọi đây là hành vi “ngược cẩu”, tức ngược đãi, tra tấn tinh thần họ bằng sự ngọt ngào đôi lứa.

'Wibu' là gì

"Wibu" thực chất là cách viết Việt hóa của từ lóng "weeaboo" do các bạn trẻ sáng tạo nên.

Hồng Chang

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm