Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp. Trong 10 năm trở lại đây, dịch cao đỉnh điểm nhất là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000-6.000 ca.
Từ đầu năm, riêng Hà Nội đã ghi nhận 6.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong tuần từ 17-23/7, toàn thành phố ghi nhận 1.389 trường hợp mắc bệnh. Các quận có tỷ lệ mắc cao là Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Ba Đình.
Nhà nào cũng có người mắc sốt xuất huyết
Tìm đến làng Trinh Lương (phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) sau cơn mưa tầm tã chiều 25/7, chỉ vài lời hỏi thăm về tình hình dịch sốt xuất huyết, người dân ở đây đều trả lời: "Làng này nhà nào cũng có người mắc, có gia đình 4-5 bệnh nhân". Nhìn tôi mặc áo cộc tay, có người còn gọi theo nhắc nhở bôi thuốc, mặc kín để tránh muỗi vằn đốt.
Cả nhà bà Hậu đều mắc sốt xuất huyết. Ảnh: NH. |
Ngồi bên bậc thềm nhà, bà Nguyễn Thị Hậu (65 tuổi) gương mặt mệt mỏi, ủ rũ nói: "Cả nhà tôi có 5 người ai cũng bị sốt xuất huyết, cứ người này khỏi, người kia lại bị". Dù đã khỏi bệnh nhưng sự mệt mỏi, đau đầu vẫn đeo bám lấy người phụ nữ này.
Chị Thu, hàng xóm của bà Hậu, cũng chung cảnh ngộ. Gần đây, vật bất ly thân của bà mẹ này mỗi khi cho con ra khỏi nhà là kem chống muỗi. Chị nhanh tay thoa kem khắp tay và chân cậu con trai chưa đầy một tuổi trước khi đưa bé đi dạo.
"Tôi vừa khỏi sốt xuất huyết, bị nhẹ nhất nhà cũng phải xin nghỉ việc mất 5 ngày. Ngày đầu tiên, tôi sốt rét, người đau ê ẩm, mời cán bộ y tế về nhà truyền nước nhưng không đỡ, đến ngày thứ 3 xét nghiệm máu thì được biết dương tính với sốt xuất huyết", chị Thu chia sẻ.
Chồng và bố mẹ chị mắc sốt xuất huyết thể nặng hơn, tụt tiểu cầu, nổi phát ban, phải điều trị liên tục trong 14 ngày. Mọi người trong gia đình lần lượt mắc bệnh, ai cũng mệt mỏi vì phải thay phiên chăm sóc nhau. Trong nhà chỉ còn cháu bé chưa mắc bệnh. Chị chỉ biết dùng thuốc chống muỗi, mắc màn mỗi khi con ngủ với hy vọng mong manh.
Chị Thu thoa thuốc chống muỗi cho con trước khi ra khỏi nhà. Ảnh: NH. |
Mắc sốt xuất huyết chỉ là chuyện sớm muộn
Đi một vòng trong ngõ nhỏ, nhiều nhà vẫn còn cây cối rậm rạp, bể chứa nước, khá ẩm thấp. Đặc biệt, giếng làng bỏ không ở giữa khu dân cư, chứa nước mưa, cỏ mọc xung quanh, lại là nơi tập trung nhiều trẻ em đến đây vui chơi.
Tại một cửa hàng nhỏ trong xóm, ba người phụ nữ đang nói chuyện với nhau cũng chỉ xoay quanh việc chăm sóc cho người thân bị sốt xuất huyết. Chị Trần Thị Mai (34 tuổi) cho hay 3 người con đều mắc sốt xuất huyết.
"Mỗi đứa có một triệu chứng khác nhau, đứa cả sốt kèm đau đầu, đứa thứ hai sốt rồi buồn nôn, đứa út chỉ nằm bẹp một chỗ, không đứng dậy nổi. Mỗi lần sốt cao bọn trẻ con lại lịm đi", chị Mai nói.
Tuy nhiên, chị chỉ cho con điều trị tại nhà, mời thầy thuốc đến truyền nước. Người phụ nữ này quan niệm sốt xuất huyết không khó chữa, nếu có triệu chứng nặng hơn mới đưa con đến bệnh viện.
Giếng nước mưa, nhiều cây cối rậm rạp ở giữa khu dân cư. Ảnh: NH. |
Một người phụ nữ khác tiếp lời: "Nhà nào cũng có người mắc, không trước thì sau thôi. Nếu là dịch SARS thì cả làng này chết hết. Tôi cũng vừa bị sốt xuất huyết, tự chữa ở nhà một tháng nay chưa khỏi nhưng tiếc việc lại đi làm. Cũng có nhiều người bị rồi mắc lại, nhất là người lao động nặng, sức đề kháng yếu".
Người dân nơi đây cho biết chưa năm nào làng này có nhiều người bị sốt xuất huyết đến thế. Hơn một tháng nay, câu chuyện của họ chỉ xoay quanh việc nhà đang có bao nhiêu người sốt xuất huyết hay ai mới ở viện về.
Một cán bộ tại trạm Y tế phường Phú Lương cho biết các cán bộ y tế đã nắm được danh sách thống kê những ca mắc sốt xuất huyết ở từng tổ, theo chỉ đạo đã và đang tiến hành phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy. Dù vậy, không khí căng thẳng bao trùm khắp ngôi làng, bởi nhà nào cũng đã được phun hóa chất diệt muỗi nhưng số người mắc sốt xuất huyết vẫn tăng lên.
*Tên nhân vật đã được thay đổi