Phun hóa chất chống dịch sốt xuất huyết đang lan khắp Hà Nội
Thứ ba, 25/7/2017 14:08 (GMT+7)
14:08 25/7/2017
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn quận đã ghi nhận 1.322 ca bệnh sốt xuất huyết, 233 ổ dịch, trong đó một trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM
Dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, nhiều biểu hiện bất thường so với mọi năm. Tại Hà Nội, số ca mắc mới lên tới hơn 1.000 mỗi tuần.
Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội), một trong những khu vực có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhất đã có buổi phun hóa chất phòng chống dịch cho các hộ gia đình, khu vực xây dựng trên địa bàn phường.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Thủy, giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn quận đã ghi nhận 1.322 ca bệnh sốt xuất huyết, 233 ổ dịch, trong đó một trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng trạm y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), thông tin phường này cũng đã ghi nhận 60 ca mắc, 12 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 5 ổ dịch đang hoạt động. Số ca mắc tăng 26 lần so với cùng kỳ 2016.
Buổi phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết được chia thành nhiều nhóm nhỏ (3-10 người) đến từng hộ dân. Các cán bộ phòng dịch sẽ phun hóa chất từ tầng cao nhất trở xuống, phủ kín mọi ngóc ngách.
Thuốc phun diệt muỗi để trong bình phun lớn, được Bộ Y tế cấp để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư và không gây độc đối với sức khỏe con người.
Bác sĩ Thanh Hà cho hay sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút có thể vào nhà an toàn. Một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ dễ bị kích ứng (có thể bị ho) nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2-3 tiếng.
Ngoài hộ dân cư, các khu xây dựng, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng cũng được phun hóa chất diệt muỗi.
"Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, môi trường xung quanh vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh thì chúng có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người. Như vậy, nguy cơ mắc sốt xuất huyết có thể xảy ra. Vì vậy, người dân cần có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy và loại bỏ hết các nơi có nước đọng", bác sĩ Hà chia sẻ.
Nhiều người dân cho rằng gia đình từng phun hóa chất thì không cần thiết phun nhắc lại. Đây là quan niệm sai lầm. Nếu khu vực xung quanh có muỗi thì đàn muỗi mang mầm bệnh sẽ bay từ nhà này qua nhà khác và truyền bệnh.
Nhân lực ít, người dân vắng nhà, không hợp tác với cán bộ y tế là những khó khăn các đoàn phun hóa chất gặp phải trong suốt quá trình làm việc.