Sốt xuất huyết lên đỉnh dịch, virus Zika quay lại?
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, bất thường so với mọi năm. Tình hình này khiến nhiều người lo ngại dịch bệnh do virus Zika có thể tái bùng phát. Bởi cả hai căn bệnh này đều do muỗi vằn (Aedes) lây truyền.
Chiều 24/7, tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, sốt xuất huyết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Tôi đang rất sốt ruột trước tình hình dịch sốt xuất huyết. Đó là lý do phải họp khẩn cấp".
Theo bà, mùa mưa lũ đến sẽ kéo theo các bệnh về đường ruột, đau mắt, da liễu, viêm màng não, viêm não, đặc biệt là sốt xuất huyết. Năm nay, do miền Bắc nóng sớm nên sốt xuất huyết đến sớm và gia tăng.
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, hàng năm ghi nhận trung bình 50-100.000 trường hợp mắc, 50-100 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%. Số ca mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực miền Bắc tăng cao, tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Hiện 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Trong 7 tháng đầu năm, 27 trường hợp nhiễm virus Zika đã được phát hiện tại 7 tỉnh, thành phố, trong tổng số 638 mẫu xét nghiệm, cao nhất là TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 6/7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca bệnh do virus Zika tại 12 quận, huyện và 19 phường xã. Trong đó, 13 phụ nữ mang thai lúc bệnh và đến nay còn 8 thai phụ đang tiếp tục thai kỳ, 5 thai phụ đã kết thúc thai kỳ (1 bỏ thai và 1 sảy thai và 3 thai phụ đã sinh).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, sốt xuất huyết chiều 24/7. Ảnh: HQ. |
Bên lề buổi họp trực tuyến của Bộ Y tế về việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, trả lời Zing.vn, ông Mai Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh, cho hay trước tình hình diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ tái bùng phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh do virus Zika được phát hiện từ năm 1947, mới đây đã bùng phát lại. Tại nước ta, ngày 5/4/2016, Bộ Y tế chính thức công bố hai ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam, được ghi nhận ở Nha Trang và TP.HCM. Sau đó, bệnh có những diễn biến phức tạp. TP.HCM được xem là tâm điểm của dịch.
Diệt muỗi: Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong.
Đặc biệt, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời.
Bệnh do virus Zika có nhiều điểm tương đồng với sốt xuất huyết, biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Điều này khiến nhiều người nhầm lẫn giữa hai bệnh. Ông Phu cho hay chỉ có xét nghiệm mới biết chính xác đó là bệnh do virus Zika hay sốt xuất huyết.
Tiến Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin muỗi vằn được sinh ra sẽ mang virus đó trên mình. Chúng chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời.
Thời điểm trời mưa hay nắng lên là thời điểm muỗi vằn phát triển mạnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn tới hơn một năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước. Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền cho từng người dân. Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bác sĩ nhất định phải cứu chữa kịp thời, hạn chế tử vong, không để dịch lan rộng. Đặc biệt, các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, nằm ghép, bệnh nhân vào viện phải được tiếp đón kịp thời.