1. Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết mấy lần?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. |
2. Sốt xuất huyết lây như thế nào?
Theo bác sĩ Cấp, sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. |
3. Bị sốt xuất huyết, khi nào nên nhập viện?
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, nếu sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống tại nhà, chỉ nhập viện khi bệnh tiến triển nặng. |
4. Loại thuốc tuyệt đối không được dùng khi bị sốt xuất huyết
Bác sĩ Cấp khuyến cáo ngoài Paracetamol, không cho bệnh nhân uống các loại thuốc khác, đặc biệt 2 loại là aspirin và Ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. |
5. Có nên cạo gió cho người sốt xuất huyết?
PGS Dũng, BV Bạch Mai khuyến cáo cạo gió sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân vì có thể gây xuất huyết trầm trọng. |
6. Gia đình có thể tự truyền dịch tại nhà giúp bệnh nhân nhanh khỏi?
Theo PGS Dũng, đây là sai lầm thường gặp vì đa phần mọi người đều nghĩ sốt thì cần truyền dịch. Tuy nhiên, truyền dịch khi không thích hợp chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biến chứng nặng do thừa dịch như phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn. Đặc biệt, những bệnh nhân đang có các triệu chứng sốc, phù nề nhiều hoặc có bệnh lý về thận tuyệt đối không bù dịch bằng đường truyền. |
7. Cách bù nước tốt nhất khi bị sốt xuất huyết?
Theo PGS Dũng, những trường hợp điều trị tại nhà chỉ nên bù nước và điện giải cho người bệnh bằng đường uống. Có thể sử dụng dung dịch oresol, pha với đúng liều lượng và cho người bệnh uống. Dùng thêm nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh), hoặc nước cháo loãng với muối. |