Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Còn ai nói VAR giết chết cảm xúc của bóng đá?

Khi VAR mới xuất hiện, giới quan sát sớm nhận định sự can thiệp của công nghệ này rồi sẽ giết chết cảm xúc trong bóng đá, nhưng thực tế lại chỉ ra điều ngược lại.

Highlights Champions League: Man City 4-3 Tottenham Hotspurs Thắng kịch tính Tottenham với tỷ số 4-3 trong trận tứ kết lượt về diễn ra sáng 18/4 (giờ Hà Nội) nhưng Man City vẫn bị loại khỏi Champions League vì luật bàn thắng trên sân khách.

Trong cả hai trận tứ kết lượt về cuối cùng của Champions League, VAR đều đã xuất hiện, biến những quyết định bình thường của các trọng tài thành một trận chiến căng thẳng tột độ cho các cầu thủ và huấn luyện viên. Thứ cảm xúc trong những giây phút trông chờ ấy hoàn toàn tự nhiên và vẫn giữ trọn vẹn những giá trị nguyên bản của môn thể thao vua.

Ở Etihad, VAR đã đưa các cổ động viên Man City và Tottenham lên chuyến tàu lượn thực sự về mặt cảm xúc. Chiến thắng - thất bại, đau đớn - hạnh phúc, tất cả chỉ cách nhau một vài cái chớp mắt.

Man City vs Tottenham,  VAR anh 1
Sterling tưởng chừng như là người hùng của Man City. Ảnh: Reuters.

Từ bàn thắng tưởng chừng như chạm tay của Fernando Llorente đến pha làm bàn không được công nhận của Raheem Sterling ở phút bù giờ thứ 4, tất cả đều là những nút thắt quyết định số phận của trận đấu.

Man City hay Tottenham là đội xứng đáng để đi tiếp? Không ai có thể dám chắc, nhưng VAR đã xuất hiện, biến ranh giới đầy mong manh giữa chiến thắng và thất bại càng trở nên… mong manh hơn nữa.

Không cầu thủ Tottenham nào nhận ra Sergio Aguero đã việt vị trước khi Sterling ghi bàn thứ 5, tất thảy đều đổ gục xuống trước khi lại hò reo trong điên cuồng khi VAR phủ nhận bàn thắng. Tất cả cầu thủ Man City đều cho rằng Llorente đã dùng tay ghi bàn, để rồi cũng tất cả những con người ấy, thẫn thờ khi VAR nói “Có” cho bàn thắng của Tottenham.

Ở Dragao, VAR xuất hiện và trao cho Liverpool bàn mở tỷ số sau dù đã bị báo việt vị. Trước đó, khung thành của Allison liên tục bị uy hiếp, và bàn thắng đó cũng là pha lên bóng đầu tiên của đội khách. Với bàn khai thông thế bế tắc ấy, Liverpool thắng giòn giã Porto 4-1.

Man City vs Tottenham,  VAR anh 2
Nhưng VAR nói rằng Tottenham mới là những người đi tiếp. Ảnh: Getty.

Bóng đá vốn là môn thể thao nghiệt ngã. Có VAR, sự nghiệt ngã còn gia tăng gấp bội. Phải - trái, đúng - sai, mọi hỉ, nộ, ái, ố của môn thể thao vua giờ có những thời điểm dồn cả vào vài chục giây từ màn hình VAR.

Có một sự thật mà phần đông giới mộ điệu vẫn đang hiểu nhầm về VAR. Đó là việc đây không phải công nghệ. VAR là tổ trọng tài hỗ trợ trọng tài chính. Và tổ trọng tài này sử dụng công nghệ để nhìn lại các tình huống đã xảy ra qua băng hình (video), từ đó cho ra những sự trợ giúp với trọng tài chính.

Vì VAR là tổ trọng tài, nên về lý thuyết, tổ trọng tài này cũng có khả năng bị mắc những sai lầm. Chỉ có điều, việc được xem lại những băng ghi hình ở đủ các góc quay đã giúp các trọng tài video này hạn chế tối thiểu những sai sót có thể mắc phải.

Man City vs Tottenham,  VAR anh 3
VAR không phải công nghệ, đây là tổ trọng tài hỗ trợ trọng tài chính bằng việc xem lại băng ghi hình. Ảnh: AP.

VAR không phải không có sơ hở. Cách đây hai tuần, sân cỏ Italy dậy sóng vì quyết định không cho AC MIlan được hưởng quả phạt đền khi Alex Sandro của Juve để bóng chạm tay trong vùng cấm.

Báo chí Italy sau đó đã tiết lộ trọng tài chính Michael Fabbri đã có những lời qua tiếng lại với tổ trọng tài VAR vì xảy ra mâu thuẫn. Sau cùng quyết định nằm ở chính ông Fabbri. Không ít trọng tài từng lên tiếng thẳng thắn rằng mình không muốn phụ thuộc vào VAR, và cho rằng bóng đá cần tôn vinh những giá trị con người.

Luật bóng đá về cơ bản là một bộ luật có đầy rẫy những kẽ hở. Không ai xác định được cụm "cố tình dùng tay chơi bóng" trong khoản luật xác định phạt đền bao gồm những hành động nào. Việc xác định này được luật giao cả cho trọng tài, những người ngay cả khi có sự trợ giúp của VAR, vẫn sẽ phải tự đưa ra kết luận theo quan điểm của riêng mình.

Man City vs Tottenham,  VAR anh 4
VAR tạo ra những cảm xúc rất thật, thậm chí còn có phần nghiệt ngã hơn rất nhiều so với khi không có. Ảnh: Hodgson.

VAR đã xuất hiện để tối thiểu hóa những quyết định sai lầm từ giới cầm còi, nhưng không có gì là hoàn hảo cả.

Và phần không hoàn hảo ít ỏi còn lại đã tạo ra những cuộc du ngoạn andrenalin kinh điển như trận chiến giữa Man City và Tottenham, nơi VAR biến thành công và thất bại, thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau ở một vài cái chớp mắt.

Bàn thắng tiễn Man City khỏi Champions League của Llorente Tiền đạo Fernando Llorente có bàn thắng quan trọng rút ngắn tỷ số xuống 3-4 cho Tottenham trước Man City ở trận tứ kết lượt về Champions League rạng sáng 18/4 (giờ Hà Nội).

Cản bước Man City, Son Heung-min biết ơn VAR

Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã từ chối bàn thắng của Man City ở phút thứ 90+3, qua đó giúp Tottenham lọt vào bán kết Champions League nhờ luật bàn thắng trên sân khách.


Nhật Anh

Bạn có thể quan tâm