Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con cái giới nhà giàu Trung Quốc bị chỉ trích vì quá nhiều đặc quyền

Việc con cái có cha mẹ giàu có, quyền lực không phải trải qua căng thẳng, áp lực khốc liệt như số đông càng khoét sâu thêm vào mâu thuẫn giữa 2 tầng lớp phụ huynh ở Trung Quốc.

Chủ đề bất công giữa lớp học sinh nghèo và học sinh có gia cảnh giàu có lần nữa lại dấy lên ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Nguồn cơn bắt đầu từ một video xuất hiện trên mạng xã hội hồi tuần trước nói về những đặc quyền mà học sinh các trường ưu tú ở nước này được hưởng: Học hành không căng thẳng và dễ dàng bước vào đại học.

Thiên vị con nhà giàu?

Một vlogger tự xưng là cựu học sinh của trường Trung học Liên kết thuộc Đại học Bắc Kinh, một trường cấp 3 nổi tiếng ở thủ đô Trung Quốc vốn dành cho con nhà khá giả, quay cảnh về thăm trường cũ và mô tả lại một ngày điển hình của học sinh nơi này.

Tranh cai con nha giau Trung Quoc duoc thien vi vao dai hoc anh 1

Những học sinh các trường cấp 3 ưu tú ở Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn khi vào đại học so với những học sinh có xuất thân bình thường. Ảnh: AP.

Trong clip, người này đề cập đến chuyện mình và các bạn học không biết đến các áp lực bài vở, thi cử khốc liệt như đa số bạn đồng trang lứa khác.

"Chúng tôi chỉ có 3 tiết học trong ngày, không có bài tập về nhà. Pizza cho bữa trưa và trà sữa, xem phim sau giờ học", người này nói.

Nội dung của video khiến nhiều người xem khó chịu, khi chúng chỉ ra những chênh lệch quá lớn giữa hai nhóm học sinh có gia cảnh khác nhau. Để đạt được giấc mơ đại học, nhiều học sinh cuối cấp ở Trung Quốc phải học tới 18 giờ mỗi ngày. Học sinh ở nông thôn càng đòi hỏi nỗ lực hơn.

Một bài đăng từ người dùng khác nói về trải nghiệm của bạn mình tại Trường Quốc tế Thanh Hoa, một trường cấp 3 được đặt theo tên một trường đại học top đầu ở Bắc Kinh, càng đổ thêm dầu vào lửa.

Trong bài đăng, cô cho biết bạn mình được nhận vào Đại học Thanh Hoa mà không cần tham gia gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học bị ví là đấu trường sinh tử ở Trung Quốc.

Đáp lại các nội dung gây tranh cãi gần đây, đại diện Trường Quốc tế Thanh Hoa và Đại học Thanh Hoa đều bác bỏ cáo buộc rằng học sinh con nhà giàu được đặc cách.

Tranh cai con nha giau Trung Quoc duoc thien vi vao dai hoc anh 2

Nghi vấn học sinh có bố mẹ giàu có, quyền lực dễ dàng được đặt cách vào các đại học danh tiếng ở Trung Quốc khiến dư luận bàn tán, phẫn nộ. Ảnh: Sixth Tone.

Nhưng một cựu học sinh giấu tên tại trường cấp 3 Thực nghiệm trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ngôi trường quy tụ nhiều con cái của giới chính trị gia và doanh nhân theo học, nói với South China Morning Post rằng không thể phủ nhận đặc quyền mà hội con nhà giàu được hưởng tại các trường ưu tú.

“Trải nghiệm ở những ngôi trường này khác xa với môi trường bình thường. Chúng tôi được lựa chọn những gì mình học. Trường còn tổ chức nhiều buổi chiếu phim nghệ thuật hay hòa nhạc, các phiên chợ định kỳ để khuyến khích học sinh kinh doanh", người này cho hay, thừa nhận các hoạt động này còn phong phú hơn nhiều trường đại học khác.

Tư tưởng trường học là trường đấu

Daching Ruan, giáo sư Xã hội học tại Đại học Baptist Hon Kong, cho biết sự phẫn nộ của công chúng xuất phát từ cảm giác bất công đã kéo dài hàng thập kỷ.

"Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc cảm thấy họ đã làm việc chăm chỉ suốt nhiều năm mà vẫn không thể cho con mình những gì mà người giàu có, quyền lực làm được cho con cái của họ", vị giáo sư phân tích.

Tranh cai con nha giau Trung Quoc duoc thien vi vao dai hoc anh 3

Nỗi lo tương lại bị yếu thế khiến những đứa trẻ Trung Quốc ra sức học hành, còn nhiều bậc cha mẹ làm mọi cách để nhồi nhét con cái, áp lực chúng vượt lên bạn bè. Ảnh: SCMP.

Năm ngoái, thuật ngữ "neijuan" được đưa vào từ điển tiếng Trung, mô tả các nỗ lực ép buộc để giỏi giang hơn người khác dù thực chất điều này không đem lại kết quả tích cực.

Ví dụ, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cho con cái đi học cờ vua, khiêu vũ vì không muốn chúng thua kém bạn bè. Họ thúc ép con mình học thêm một giờ mỗi đêm để đứa trẻ có thể đi trước đối thủ một bước.

Điều này dẫn đến toàn bộ xã hội lao vào cuộc chiến cạnh tranh và nâng cao kỳ vọng đối với trẻ em một cách không cần thiết.

Từ góc độ văn hóa, công chúng được khuyến khích phấn đấu hơn nữa để tiến lên các nấc thang xã hội. Áp lực đó cộng với thực tế là an sinh xã hội hạn chế cho tầng lớp nghèo khó khiến số đông lo sợ thất bại học hành sẽ dẫn đến những hậu quả tương lai nghiêm trọng.

Nỗi lo ấy hiện hữu rõ với những đứa trẻ sắp chạm mốc 18 tuổi, khi chúng vốn ăn sâu tư tưởng trường học là một trường đua và sẽ bị bạn học "tiêu diệt" nếu chậm hơn một bước.

“Các cá nhân không thể thay đổi hiện tượng này, cần phải có những thay đổi cấu trúc từ gốc rễ", giáo sư Ruan kết luận.

Túng thiếu, người trẻ Hàn Quốc làm 'chuột thí nghiệm' để kiếm tiền

Tham gia thử nghiệm lâm sàng đổi lấy tiền đang là cách nhiều thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp chọn để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, việc làm này dấy lên các tranh cãi về đạo đức.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm