Hóa đơn điện thoại đến hạn, thuốc đặc trị cho căn bệnh về da sắp hết, trong tài khoản của Lee Ho Jung (23 tuổi, Seoul) chỉ còn 50.000 won, tương đương 45 USD, theo LA Times.
Vài tháng sau khi Hàn Quốc bùng dịch, các công việc bán thời gian như thu ngân siêu thị, phục vụ bàn tại nhà hàng, quán bar đồng loạt bị cắt giảm. Túng thiếu tiền chi tiêu, Ho Jung tìm đến một cách kiếm tiền nhanh chóng: đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Năm ngoái, Ho Jung được trả 400 USD sau khi tiêm thử nghiệm một loại thuốc trị viêm da. Cô hy vọng kiếm thêm được 1.500 USD nữa cho một lần tiêm thử khác, song buổi thử nghiệm bị hủy bỏ vì dịch tái bùng phát.
Trở thành "chuột bạch" cho các thử nghiệm y tế là cách nhiều người eo hẹp tài chính ở Hàn Quốc có tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Korea Times. |
Việc trả tiền để trở thành “chuột bạch” cho các buổi thử nghiệm y tế là điều được chấp nhận rộng rãi.
Ở Hàn Quốc, điều này còn thu hút lớp sinh viên, những lao động tự do và cả người thất nghiệp. Số tiền nhận được cao hơn khi đi rửa bát, cũng không yêu cầu kỹ năng và đỡ vất vả hơn nhiều so với công việc bưng bê, dọn dẹp.
Cách kiếm tiền này càng đông người lựa chọn hơn trong lúc tuyệt vọng khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên Hàn Quốc tăng lên do đại dịch làm suy yếu nền kinh tế.
Việc nhẹ lương cao trong vài ngày
“Bạn nằm đó 3 ngày 2 đêm, để cho các bác sĩ lấy máu và được trả một khoản. Hầu hết sẽ quay lại tham gia vài lần nữa”, Jeong Hyung Jun, chủ tịch của Liên đoàn các nhóm hoạt động y tế vì quyền sức khỏe Hàn Quốc, cho biết.
Quảng cáo làm “chuột bạch thí nghiệm” này được dán khắp các ga tàu điện ngầm Hàn Quốc và xuất hiện nhan nhản trên các trang web giới thiệu việc làm, hứa hẹn việc nhẹ lương cao trong thời gian ngắn.
Những buổi thử nghiệm lâm sàng giúp người tham gia kiếm được từ vài trăm đến vài nghìn USD. Ảnh: LA Times. |
Jeong Hyung Jun cho biết mặc dù nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng là rất ít, nhưng công việc này khiến ông nghĩ đến việc người nghèo từng phải bán máu để có thu nhập.
Park Hyo Seop (23 tuổi) xuất ngũ vào mùa hè năm ngoái và không tìm được công việc bán thời gian nào. Vị trí thu ngân cửa hàng tiện lợi anh nhắm tới cũng có đến 30 người khác cạnh tranh.
Khi nhìn thấy một bài đăng quảng cáo về việc làm “chuột bạch” đổi lại là 2.650 USD, Hyo Seop liền đăng ký ngay. Trước đó, chàng trai chỉ kiếm chưa đến 1.700 USD khi làm việc tại một kho hàng.
Dù lo lắng sức khỏe bị ảnh hưởng, Hyo Seop dần yên tâm khi bác sĩ nói rằng các nhân viên bệnh viện thỉnh thoảng vẫn tham gia thử nghiệm kiểu này. Anh nằm viện trong 9 ngày, tiêm thuốc trị viêm khớp và lấy máu hàng ngày.
Chàng trai nói dối bố mẹ, nói rằng anh đến một thành phố khác để phụ giúp việc kinh doanh của gia đình bạn.
Bên trong buồng tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Seoul vào tháng 4. Ảnh: LA Times. |
Có vi phạm đạo đức?
Ngoài thanh niên, những người trung niên ở Hàn Quốc thất nghiệp cũng kiếm tiền theo cách này, điều mà Hyo Seop gọi là “chấp nhận hy sinh cơ thể mình khi đã quá tuyệt vọng”.
Sau khi tham gia 10 nghiên cứu trong 10 năm qua, Terry Choi (30 tuổi) gọi đó là cảm giác “như người bị thương nằm trong bệnh viện dã chiến” nhưng nhờ đó anh mua được laptop hay có tiền đi chơi cùng bạn bè.
Ngoài cảm giác choáng váng và chóng mặt sau một lần lấy máu, Choi không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.
Kim Tae Kang (36 tuổi) tham gia thử nghiệm lâm sàng liên quan đến điều trị nghiện ma túy khi còn học đại học. Trong suốt 4 năm, người đàn ông góp mặt vào 5 nghiên cứu, từ thuốc điều trị huyết áp cho đến nhiễm trùng da.
“Học phí quá đắt đỏ, tôi không gánh xuể”, Kim kể lại. Với mỗi buổi đến bệnh viện trong 2-3 ngày, anh nhận về 500-700 USD.
Việc đánh vào tâm lý cần tiền của những người nghèo làm dấy lên vấn đề về đạo đức. Ảnh: LA Times. |
Nhiều năm sau, vào năm 2018, Kim dựng một vở kịch dựa trên trải nghiệm năm xưa của mình.
“Một số có vẻ coi đó là cách dễ dàng để kiếm tiền, còn tôi muốn kể câu chuyện về xã hội nơi người trẻ chật vật mưu sinh, không kiếm được công việc xứng đáng”, anh nói.
Kim Nam Hee, giáo sư ngành lâm sàng tại Trường Luật Đại học Quốc gia Seoul, cho biết câu chuyện này làm dấy lên các vấn đề về đạo đức như lợi dụng người gặp khó khăn tài chính hay người tham gia có được tự do rút khỏi nghiên cứu nếu cảm thấy không an toàn hay không.
“Chính các công ty dược phẩm được hưởng lợi nhiều nhất ở đây”, bà nói.
Ho Jung với tình trạng viêm da mạn tính, cho biết cô đã ra trường được 3 năm và kết quả xin việc không mấy khả quan dù đi phỏng vấn nhiều nơi.
Cô gần đây đã tìm được công việc bán hàng tại siêu thị, làm việc 3 ngày/tuần. Cô gái vẫn thỉnh thoảng lướt qua các danh sách tìm người đăng ký thử nghiệm lâm sàng.
“Thông tin kêu gọi người đăng ký ở khắp nơi và số tiền kiếm được có thể giúp tôi bám trụ qua những ngày khó khăn”, cô nói.