Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

'Con chán lắm rồi, mẹ có thể tha cho con được không?'

Trong mắt mẹ, con dù lớn thế nào vẫn mãi là đứa bé cần mẹ che chở, yêu thương. Nhưng với nhiều đứa con, chưa chắc sự quan tâm này đã thực sự cần thiết.

Trong mat me thi con mai mai la dua be anh 1Trong mat me thi con mai mai la dua be anh 2

Trong mắt mẹ, con dù lớn thế nào vẫn mãi là đứa bé cần mẹ che chở, yêu thương. Nhưng với nhiều đứa con, chưa chắc sự quan tâm này đã thực sự cần thiết.

“11h rồi con ơi, về đi” - câu nói mỗi tối của mẹ khiến Thảo Anh (23 tuổi, Hà Nội) ám ảnh mãi không quên. Và một tối nọ, khi cô cùng bạn thân đi cà phê, như thường lệ, đúng 11h mẹ lại gọi, giục về sớm.

Nghe thì ngại với bạn vì lớn từng này vẫn bị mẹ kiểm soát mà không nghe thì kết cục còn tệ hơn.

Tạm biệt bạn rồi trở về nhà, cô trằn trọc cả đêm không ngủ được với những câu hỏi: “Không hiểu mình đã làm gì để mẹ không tin tưởng như thế, 23 tuổi rồi, sống tử tế đàng hoàng mà sao lại bị kiểm soát ghê gớm đến vậy?”

Đúng 7h sáng, Thảo Anh gọi cho mẹ: “Con chán lắm rồi mẹ. Mẹ có thể tha cho con được không? Mẹ làm vậy bạn bè nghĩ con thế nào, quan tâm kiểu của mẹ con không cần”. Và tắt máy.

Nếu bình thường, mẹ cô sẽ gọi lại và quát mắng ngay lập tức nhưng lần này thì không. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi qua, mẹ cũng không gọi lại.

Tới ngày thứ tư, em trai gọi: “Chị có biết mẹ bị sao không? Em thấy mẹ cứ thỉnh thoảng lại khóc”.

Thảo Anh chính thức “sập” kể từ lúc nói chuyện với cậu em trai. 4 ngày qua cô vẫn đi làm, đi chơi với bạn bè, thậm chí còn thấy thoải mái hơn vì vẫn đi tới đêm mà chẳng bị mẹ gọi. Thế nhưng, hoá ra câu nói hôm trước đã khiến mẹ buồn đến thế.

Thảo Anh không thể chịu nổi và bắt xe về nhà ngay lập tức. Trên xe, cô nhớ lại những ngày mẹ tay xách, nách mang nào là thịt, cá, đủ các loại rau quả ra Hà Nội cho con gái. Nhớ những lúc mẹ giấu bố dúi thêm 500.000 đồng vào tay con và nói: “Cầm lấy mà mua đồ ăn, không được mua quần áo đâu nhé”.

Đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng Thảo Anh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Với cha mẹ, con cái dù có lớn đến cỡ nào thì vẫn luôn là một đứa trẻ. Ngay cả khi bạn là một người trưởng thành, bố mẹ bạn vẫn có thể lo lắng rằng bạn ăn không ngon, mặc không đủ ấm, không đi chơi với đúng người hoặc không thực hiện được ước mơ của mình.

Trong mat me thi con mai mai la dua be anh 3

Thời kỹ thuật số, cha mẹ bất an nhiều hơn

Hà Linh (25 tuổi) - nhân viên sale ở Hà Nội được bạn bè đặt cho biệt danh “cô gái trong tủ kính” vì được bố mẹ bao bọc hết mức. Mỗi tuần một lần, mẹ cô đều gửi cả thùng đầy đủ các loại thức ăn từ quê ra Hà Nội và kèm theo tin nhắn: “Cấm được ăn ngoài nhé”.

Gia đình Linh kinh doanh ở Hạ Long, nhà không làm nông hay trồng trọt được gì nhưng vì lo con gái ăn ngoài không đảm bảo, trong suốt 4 năm đại học, đều đặn, tuần nào cũng có một thùng thức ăn ship đến tận cửa cho cô.

Trong mắt bạn bè, Linh là cô gái cực kỳ chín chắn nhưng trong mắt mẹ, cô vẫn chỉ là đứa bé mãi mãi không bao giờ lớn. Mẹ Linh một ngày gọi điện 2 lần vào bữa trưa và bữa tối để kiểm tra xem con gái có nấu cơm tử tế không. Mọi lỗi lầm của Linh đều được bỏ qua, duy chỉ có việc ăn ngoài là không bao giờ.

Và cha mẹ ở đâu thì cũng vậy.

Trong một kết quả nghiên cứu về mức độ mất ngủ của cha mẹ vì lo lắng cho con mình, Tiến sĩ Amber J. Seidel, chỉ ra: Ngày càng có nhiều cha mẹ Mỹ có khuynh hướng nuôi con theo kiểu “úm", lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho đến việc học trường gì, tốt nghiệp đi làm ở đâu.

Xu hướng này, cùng với sự xuất hiện của công nghệ như điện thoại di động và mạng xã hội, đã khiến cha mẹ có thể hiểu sâu hơn về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con cái. “Cũng chính vì thế mà càng dẫn đến nhiều mối lo ngại hơn”, TS Seidel kết luận.

Hối hận vì kết bạn với mẹ trên mạng xã hội

Có một lần, Nhật Anh đăng tấm ảnh lên trang cá nhân với caption: “Mùa đông năm nay không lạnh lắm", bạn cô vào thả ngay comment: “Có gấu rồi thì lạnh sao được”.

Sau đó chỉ 5 phút, cô nhận được cuộc điện thoại với giọng nói thất thanh của mẹ: “Từ bao giờ, sao không kể, nó người ở đâu, đang học gì, tính tình thế nào…

Đó không phải lần đầu mẹ Nhật Anh dùng mạng xã hội để soi chuyện hẹn hò của con gái.

“Chỉ cần thấy mình để ý ai là mẹ cũng lập tức kết bạn rồi vào tường nhà người ta kéo từ trên xuống dưới, kéo đến cả năm trời vẫn chưa dừng lại”, Nhật Anh, sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng, nói với Zing.vn.

Biết tính mẹ hay lo, 9X chẳng mấy khi tâm sự nhưng mẹ vẫn nắm được tình hình thông qua mấy dòng bình luận vui đùa của bạn bè trên trang cá nhân cô nàng.

“Không biết mình yêu hay mình làm gì phạm luật mà mẹ tra khảo dữ thế nữa", Nhật Anh kể lại. Cô sinh viên còn so sánh mẹ mình với mẹ người ta: “Bạn mình nó yêu ai thì tuỳ, bố mẹ chẳng can thiệp, còn mình thì..”

Trong mat me thi con mai mai la dua be anh 4

Chuyên gia về giáo dục kiến thức và hành vi sức khỏe Văn Thị Thuý Hường kết luận cha mẹ yêu thương con theo cách của mình, và thường bắt đầu bằng “mẹ muốn con phải thế này, ba muốn con phải thế kia” với mục đích “muốn tốt cho con”.

Chuyên gia này đặt vấn đề: “Nhưng trong đó bao nhiêu % là vì chính cha mẹ? Thoả mãn cái quyền lực của người làm cha mẹ, thoả mãn cái tự tôn của cha mẹ và lòng tự hào với xã hội rằng con mình là ngoan ngoãn, vâng lời và thành công. Nhiều khi cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con cái thế nào”.

Còn về phần con cái, họ lại chưa đủ khả năng để có thể đặt mình vào vị trí của cha mẹ để thấu hiểu, cho dù cha mẹ có giải thích thế nào đi nữa.

Cô Văn Thị Thuý Hường nhận định :“Vì vậy, đôi khi, những đứa con cảm nhận tình thương yêu của cha mẹ dành cho mình là phiền toái hoặc không cần thiết. Còn con cái khi càng lớn thì nhu cầu muốn tự lập và khẳng định bản thân càng tăng lên, không muốn cha mẹ can thiệp quá sâu vào câu chuyện của mình, từ bạn bè đến các sở thích".

'Mẹ hỏi gì mà lắm thế?'

"Tối qua ngồi nghĩ lại, không hiểu sao mình lại cáu gắt chỉ vì mẹ cứ đòi mình chỉ cách livestream trong khi mình đang chơi game. Nhớ lại có lần mẹ đang xem chương trình yêu thích trên tivi, mình nhờ khâu giúp chiếc quần tập bị rách, mẹ lập tức đeo chiếc kính lão và làm cho mình ngay", Hoài Nam (26 tuổi, Hà Nội), nhân viên kinh doanh của một công ty lớn, kể.

Câu chuyện giống của Hoài Nam không hề hiếm gặp. Mỹ Linh (22 tuổi, Nghệ An) cũng có lần tương tự như thế. Tháng lương đầu tiên, cô tặng mẹ chiếc điện thoại 6 triệu đồng và mọi thứ cũng bắt đầu kể từ đây.

Ngày trước, mẹ của Linh chỉ xài máy đen trắng nên chẳng có gì để tìm hiểu. Bây giờ, bà bắt đầu nghiên cứu dùng mạng xã hội ra làm sao, chụp ảnh, ghi âm thế nào…

“Linh, cái này là thế nào", “Linh ơi, chỉ mẹ dùng cái này", “Linh ơi, sao mãi không lưu được số điện thoại chú Tuấn”...

“Mẹ hỏi gì mà lắm thế”, Linh gắt lại sau 5 ngày mẹ có điện thoại mới. Lúc ấy, cô đang bận make up để đi chơi với bạn trai mà mẹ cứ ngồi kế bên hỏi hết cái này tới cái khác.

“Sau khi cáu với mẹ, mình thấy sai sai ngay lập tức. Đúng thật là chỉ có bố mẹ mới đủ kiên nhẫn để chỉ bảo con cái. Còn tụi mình càng lớn, càng tự cho mình cái quyền cáu gắt cha mẹ”, Linh nói.

Cô Thu Lan (48 tuổi) - mẹ của Mỹ Linh chia sẻ với Zing.vn: “Lúc nó nói vậy, tôi cũng hơi tủi. Nhưng việc này chẳng còn xa lạ gì nữa nên tôi cũng tặc lưỡi cho qua. Tụi trẻ mà, không nghĩ được sâu sắc gì đâu. Phận làm cha mẹ cứ thương con hết lòng, hiểu được đến đâu là do chúng".

Trong mat me thi con mai mai la dua be anh 5

Bận rộn tới mức không có nổi bữa cơm với mẹ?

Trung Kiên (29 tuổi, TP.HCM) hiện làm nhiếp ảnh tự do. Bố mất sớm, gia đình Kiên chỉ có 2 mẹ con. Công việc của Kiên thu nhập cũng khá nên đã mua được căn chung cư ở quận 4, đủ rộng rãi, thoải mái để ở 2 người.

“Mình không quá bận nhưng thích cảm giác ngồi cafe, đi lang thang một mình chứ ở nhà chẳng sáng tạo được gì" - Kiên giải thích.

Ra ngoài từ 8h sáng và thường trở về nhà vào 12h đêm, chẳng mấy khi Kiên với mẹ có thời gian ăn chung, trò chuyện hay xem tivi.

Nhiều lúc nghĩ lại, chàng trai 29 tuổi cũng thấy thương mẹ nhưng rồi lại quên. “Tròn một tháng, mình không ăn cơm nhà, cũng chẳng biết mẹ ăn gì và cũng chẳng hỏi luôn. Mấy lần mẹ hay lựa nhắc mình kiểu như ra ngoài làm gì thì làm, nhớ đừng bỏ bữa".

Câu hỏi đặt ra ở đây: “Tại sao chỉ có mẹ dặn con đừng bỏ bữa nhưng con lại chẳng bao giờ hỏi mẹ được một câu rằng hôm qua mẹ ăn gì?”.

Trung Kiên chính thức nhận ra mình đã vô tâm tới cỡ nào là khi anh bị người bạn thân huỷ lịch hẹn. Chiều chủ nhật hôm ấy, Kiên không có việc gì nên nhắn tin cho Mạnh: “Chiều đi cafe rồi đi ăn hủ tiếu nha, tôi mời”. Mạnh đồng ý và trước cuộc hẹn chừng 30 phút thì nhắn lại: “Sorry tôi không đi được, quên mất hôm nay là chủ nhật có hứa ăn cơm nhà với ba mẹ”.

Thì ra, những người bận rộn như Mạnh vẫn có ngày cố định dành cho gia đình. Chỉ có tôi là không.

Ngày của mẹ: Chỉ mong mỗi đứa con đừng vô tâm để mẹ phải buồn

Có những điều rất giản đơn nhưng không phải đứa con nào cũng để ý. Đôi khi, một chút vô tâm, bạn đã vô tình khiến mẹ phải buồn.





Dương Ong

Đồ hoạ: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm