Nhiều đại học trên cả nước sử dụng IELTS để tuyển sinh. Ảnh: BC. |
Từ một chứng chỉ thường chỉ dùng trong quá trình làm hồ sơ du học, đi làm, IELTS dần trở thành chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được nhiều học sinh tại Việt Nam săn đón.
Theo Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố, năm 2018, hơn 51% người thi IELTS có độ tuổi trên 23. Chỉ 1,47% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16-18, 13,54% trong nhóm 19-22 tuổi.
Tuy nhiên, sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16-22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Trong đó, nhóm 16-18 tuổi chiếm 30,21%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19-22 tuổi tăng hơn 2 lần (31,81%); nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ hơn 51% xuống còn xấp xỉ 20%.
Cuộc đua IELTS dần méo mó
Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương.
Trên cả nước, số lượng học sinh đủ điều kiện được miễn thi bài thi Ngoại ngữ tăng hàng năm, từ 28.620 thí sinh năm 2021 lên 35.391 thí sinh năm 2022 và 46.667 thí sinh năm 2023.
Trong khi đó, hàng trăm trường đại học cũng dùng kết quả IELTS để xét tuyển. Không chỉ được cộng điểm, ưu tiên thí sinh có IELTS, một số trường thậm chí tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ này.
Không thể phủ nhận việc xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS thúc đẩy phong trào ngoại ngữ ở nhiều vùng miền, song cuộc đua lấy chứng chỉ IELTS từ đây cũng đang dần méo mó, biến tướng, khi người người chạy đua luyện thi chứng chỉ này.
Trao đổi với Tri thức - Znews, H.M., học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh, cho biết IELTS 5.5 là ngưỡng điểm nhiều trường nhận hồ sơ để xét tuyển, nhưng với M. và nhiều thí sinh khác, mức điểm này vẫn khiến các em chưa yên tâm bởi hiện tại, không ít thí sinh đạt trên 7.0 IELTS.
M. cũng cho biết hơn nửa học sinh trong lớp của em đang luyện thi IELTS để có thêm cơ hội vào đại học. Các bạn đều phấn đấu đạt IELTS cao để cạnh tranh được trong cuộc đua này.
Không dừng lại ở xét tuyển đại học, cơn sốt IELTS cũng lan đến tuyển sinh đầu cấp, khi nhiều địa phương miễn thi, cộng điểm cho những thí sinh có chứng chỉ IELTS. Thậm chí, một số địa phương đặc cách công nhận học sinh giỏi cho học sinh có điểm IELTS cao.
Nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho con học IELTS từ bậc tiểu học mà không màng đến hệ lụy. Chỉ đến gần đây, khi Bộ GD&ĐT ra văn bản chấn chỉnh, tình trạng này mới dừng lại.
IELTS trở thành chứng chỉ được nhiều người săn đón tại Việt Nam. Ảnh minh họa: BC. |
"Ngành công nghiệp" IELTS
Ông Stuart Turner, Quản lý cấp cao chương trình Tiếng Anh học thuật, Khoa Tiếng Anh và chuyển tiếp đại học, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định IELTS là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh, khác hẳn một khóa học hoặc phương pháp học tiếng Anh.
Theo ông Stuart Turner, điểm số IELTS là cánh cửa tiềm năng để làm việc và học tập ở nước ngoài, dẫn lối đến các chương trình học thuật và là một trong những cách đo lường trình độ tiếng Anh được công nhận rộng rãi nhất trên toàn thế giới.
"IELTS đã phát triển qua nhiều năm, với cả một 'ngành công nghiệp' chuyên cung cấp cho thí sinh những cách tốt nhất, nhanh nhất và rẻ nhất để đạt được điểm số mong muốn", ông Stuart Turner nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nếu chỉ tập trung vào việc đạt được điểm số cao nhất trong thời gian ngắn nhất, phương pháp sư phạm cơ bản sẽ không được bảo đảm và thí sinh không thể học tiếng Anh theo cách ý nghĩa, thú vị.
Đáng lo ngại hơn là việc học viên nhỏ tuổi được khuyến khích học và làm bài thi vốn thiết kế dành cho những học viên trưởng thành. Điều này có thể khiến các em chán nản với tài liệu học, không hiểu chủ đề, cảm giác bị ngợp bởi các tài liệu IELTS.
Học ngôn ngữ phải là một quá trình từ tốn, cân nhắc đến nhu cầu của người học và được điều chỉnh phù hợp. Tài liệu học nên hấp dẫn và không quá khó hiểu.
Ông Turner cho rằng điều này không thể xảy ra khi người học phải gấp rút đạt được điểm số trong khoảng thời gian định trước. Thay vì dùng IELTS như một công cụ để kiểm tra thực lực, có thể, họ chỉ học tiếng Anh vừa đủ để vượt qua được bài thi.
Học IELTS sao cho đúng
Theo TS Lê Xuân Quỳnh, Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ, khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, việc sử dụng IELTS phù hợp còn tùy thuộc vào ý định của người học.
Nếu mục tiêu chính là công nhận năng lực tiếng Anh của thí sinh dự thi đại học, IELTS là một trong những thước đo góp phần đánh giá tư duy và năng lực tổng thể của thí sinh.
Bên cạnh đó, "dùi mài” IELTS cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho việc học tập ở các trường đại học quốc tế.
Trong quá trình này, thí sinh sẽ rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh cần thiết, nhằm đảm bảo rằng họ có thể thích ứng và thành công trong môi trường học tập quốc tế.
Đặc biệt, việc luyện tập các kỹ năng tiếng Anh thông qua quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cũng sẽ giúp các em phát triển năng lực ngôn ngữ và logic của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng sinh viên có khả năng học tập và làm việc hiệu quả trong môi trường tiếng Anh và tăng cơ hội thành công sau này.
Tuy nhiên, việc sử dụng IELTS cần được điều chỉnh phù hợp để tránh bị lạm dụng do hiểu biết hạn chế về mục đích thực sự của kỳ thi này.
TS Lê Xuân Quỳnh khuyên mỗi cá nhân khi tham gia học thi IELTS cần cân nhắc đến mức độ phù hợp theo lứa tuổi dựa trên trình độ tiếng Anh và sự quen thuộc của từng nhóm tuổi.
Cụ thể, học sinh cấp THPT nên đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia kỳ thi và cần được hỗ trợ cũng như khuyến khích cải thiện năng lực tiếng Anh một cách bài bản và hiệu quả.
Ở cấp THCS, học sinh lớp 8-9 có thể bắt đầu làm quen với bài thi. Nếu đạt kết quả tốt, các em nên được tuyển vào các lớp chuyên Anh hay dùng làm điểm xét tuyển chuyển lên cấp THPT.
TS Quỳnh không khuyến khích các em ở độ tuổi tiểu học tham gia học IELTS bởi năng lực tư duy của các em chưa đủ để hiểu và thích ứng với nội dung học thuật cần thiết cho kỳ thi này.
Thay vào đó, học sinh cần tập trung bồi dưỡng khả năng lập luận, tổ chức thông tin, trình bày logic và hợp lý bằng tiếng Việt và nếu có điều kiện thì giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh.
"Phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua đọc và viết bằng tiếng Việt sẽ cho các em nền tảng vững chắc để tiếp tục học tập và từ đó phát triển kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh khi học lên các cấp cao hơn", TS Quỳnh nhận định.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.