Ngày thứ năm sau khi đưa con đến lớp, chị Nguyễn Xuân (37 tuổi, quận 3, TP.HCM) nhận được cuộc gọi của cô giáo nói chị đến trường để chở con gái 5 tuổi về. Nguyên nhân là con cùng 4 trẻ khác cùng ăn một cây kẹo với bạn F0 nên hiện đã thành F1.
Chị Xuân nghe vậy sốt ruột, bỏ hết công việc dang dở, tức tốc đến trường mẫu giáo đón con. Khi hay tin phải nghỉ học và cách ly một tuần, con gái chị Xuân đã “khóc hết nước mắt”. Tuy nhiên, hai ngày sau cô bé bị sốt và dương tính với SARS-CoV-2. Cả nhà cũng lần lượt nhiễm bệnh, trong đó vợ chồng chị Xuân cùng đứa cháu ở cùng nhà đã lần thứ 2 trở thành F0.
“Từ ngày cho con đi học tôi đã chuẩn bị cho tình huống này rồi, lần trước cả nhà bị bệnh thì Vân Nhi (con gái chị Xuân) tránh được. Giờ đi học, tiếp xúc với bạn bè như thế thì nguy cơ cao là chắc”, chị Xuân nói.
Thời điểm trẻ tiểu học và mẫu giáo quay lại trường, nhiều bậc phụ huynh lo lắng con mình trở thành F0 và là nguồn lây cho cả gia đình.
Cả nhà nhiễm cùng lượt
Chị Nguyễn Xuân cho biết sau khi nhiễm bệnh, ngoài sốt nhẹ, gia đình chị hầu như không có triệu chứng. Cô con gái 5 tuổi của vợ chồng anh chị chỉ buồn vì không thể đi học gặp gỡ bạn bè. Chị Xuân an ủi con bằng cách liên hệ với một số phụ huynh cũng có con cách ly, cho lũ trẻ điện thoại với nhau vào mỗi tối.
Cả nhà tái nhiễm nhưng vì đã có kinh nghiệm nên chị Xuân khá bình tĩnh và lạc quan. Ảnh: NVCC. |
Thời điểm lớp mẫu giáo mở trở lại, chị và chồng đã rất đắn đo để con đến trường, tuy nhiên không muốn con chỉ loanh quanh trong nhà, không được giao tiếp vui chơi với bạn bè cùng lứa tuổi, cả hai đã chấp nhận cho con đi học.
“Lúc đó chúng tôi nghĩ con ở nhà vẫn có nguy cơ mắc bệnh nên thôi cho con đi học, cháu nó vui, tinh thần tốt, ăn uống khỏe mạnh thì mình cũng không lo về đề kháng”, chị Xuân bày tỏ.
Người phụ nữ này cho biết thêm vì gia đình chị từng mắc Covid-19 trong đợt dịch đầu tiên nên khi tái nhiễm mọi người không quá lo lắng. Chị Xuân cho biết thật lòng cũng khá nhẹ nhõm khi con gái nhiễm nCoV nhưng triệu chứng rất nhẹ và hiện đã khỏi hẳn.
“Ít nhất là giờ cũng biết con bé có kháng thể rồi, ba mẹ cho đi học cũng yên tâm hơn một chút”, chị Xuân nói.
Trường hợp trẻ đi học và nhiễm bệnh sau đó trở thành nguồn lây cho cả nhà là không ít.
Gia đình Trần Hữu Tài (41 tuổi, quận Bình Thạnh) có 3 thế hệ cùng chung sống, vượt qua cả những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch, cả nhà anh vẫn không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau khi hai con anh trở lại trường hai tuần, thì trở thành F0, cả bố mẹ lẫn ông bà sau đó cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Trao đổi với Zing, anh Tài cho hay: “Lúc tụi nhỏ đi học tôi cũng lường trước rồi. Chỉ có bố mẹ lo lắng vì mẹ tôi bị tiểu đường, nhưng mà cũng không thể để con ở nhà mãi. Tôi an tâm ở chỗ là cả nhà đều đã tiêm 3 mũi vaccine nên cũng đỡ phần nào”.
Ông bố hai con cho biết điều khiến lũ trẻ ám ảnh nhất là việc phải test nhanh thường xuyên và sự mệt mỏi khi học trực tuyến trong thời gian cách ly. Dù việc tài liệu, bài vở được thầy cô, bạn bè hỗ trợ nhưng với chúng cảm giác không được đến trường, trực tiếp ngồi nghe giảng cũng khiến hai con anh Tài buồn bã.
Chưa kể, anh cũng phải động viên hai con để chúng không tự trách khi là nguồn lây bệnh cho gia đình. Theo anh Tài, việc cả nhà anh đều vượt qua được đợt nhiễm với rất ít triệu chứng đã giúp hai con anh phần nào bớt đi sự căng thẳng.
Chuẩn bị mọi thứ cho con
Khi lịch học cho con được cô giáo chủ nhiệm thông báo qua tin nhắn vào nhóm lớp, con trai anh Huân Phạm đã nhảy lên đầy vui sướng. Chính thời điểm này khiến mọi băn khoăn của anh về việc có nên cho con đi học lại đều biến mất.
Trước đó, anh Huân và vợ vẫn chưa an tâm hẳn khi con sẽ trở lại trường sau Tết, phần lớn là vì cậu bé chưa được tiêm vaccine. Song, khi thấy con hào hứng với việc đến trường, anh Huân quyết định thay vì lo lắng thì nên đề phòng trước các tình huống có thể xảy ra.
Anh Huân chuẩn bị thuốc men và các vật dụng y tế sẵn trong trường hợp con nhiễm bệnh. Ảnh: NVCC. |
Cũng vì có sự chuẩn bị trước và kỹ càng nên khi con trai trở thành F0, cậu bé không hề hoảng sợ mà còn trấn an lại bố mẹ.
“Con tôi mắc Covid-19 hai ngày là vợ tôi cũng test ra dương tính. Hai mẹ con cách ly trong phòng cùng nhau. Tôi ở ngoài lo tiếp tế các thứ”, người đàn ông này nói.
Mua thuốc men cùng một số vật tư y tế để sẵn trong nhà phòng trường hợp nhiễm bệnh, anh Huân cho biết gia đình mình không rối ren hay quá hoảng sợ dù những ngày đầu con anh bị sốt. Hiện cậu bé đã âm tính trở lại và đợi cách ly đủ ngày sẽ tiếp tục đến trường.
Trong các hội nhóm chung cư hay các nhóm chat dành cho các bậc cha mẹ, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm trang bị đồ đạc, vật dụng phòng dịch cho con khi trẻ đến trường.
Bên dưới bài đăng chia sẻ về kinh nghiệm phòng bệnh cho con trong nhóm chat chung cư, tài khoản Hữu Bình cho hay: “Tụi nhỏ thích đi học lắm vì được chơi với bạn cùng lứa nên mình lo cũng không thể để con ở nhà mãi. Quan trọng là bố mẹ nên dạy kỹ cho con cách phòng dịch và trấn an tâm lý tụi nhỏ khi chúng lỡ có mắc bệnh”.
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ cũng bày tỏ, trẻ con thường có sức đề kháng tốt nhưng ý thức về phòng dịch vẫn chưa chú ý như người lớn. Thế nên ngoài việc chuẩn bị tốt các dụng cụ phòng dịch, phụ huynh cũng cần thường xuyên nhắc nhở bé khi chúng sinh hoạt trong trường.
Khối tiểu học chiếm 40% ca nhiễm
Theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tính đến ngày 2/3, có gần 10.000 học sinh tại TP.HCM nhiễm nCoV. Trong đó, tuần thứ hai nhiễm nhiều nhất với gần 6.800 ca và giảm còn 2.660 ca ở tuần thứ ba. Khối tiểu học khoảng 4.000 ca, chiếm gần 40%. Hầu hết các trẻ nhiễm nCoV đều được chăm sóc, cách ly tại nhà để điều trị.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ mắc Covid-19 có thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà.
Trong trường hợp sau 7 ngày, kết quả xét nghiệm còn dương tính, trẻ tiếp tục cách ly đủ 10 ngày nếu đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định.
Về việc chăm sóc, khi theo dõi tại nhà, phụ huynh đặc biệt lưu ý quan sát cách thở của trẻ: thở nhanh hơn, thở khó hơn, phập phồng cánh mũi, co lõm hõm ức, co kéo các khoảng liên sườn. Ngoài ra, khi thấy bé sốt cao liên tục trên 2 ngày, có thể bỏ ăn uống, li bì, lừ đừ, nôn ói nhiều, tiêu chảy mất nước thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật dụng y tế cần thiết trong quá trình điều trị, các bậc cha mẹ cũng cần giữ tinh thần bình tĩnh cho bản thân và con cái.
Ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết theo thống kê từ phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, từ khi học tập trực tiếp sau Tết (7/2 đến 2/3), số lượng học sinh thuộc diện nhiễm và nghi nhiễm là 40.385 ca. Số trường hợp phát hiện tại trường là 2.160 ca.
Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện mắc và nghi mắc là 3.689 ca, trong đó 381 ca ghi nhận tại trường.