Ngày 17/2, chị Mai Thy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tự lấy mẫu test nhanh khi rát họng và đồng nghiệp ở cơ quan dương tính với SARS-CoV-2. Dù đã chuẩn bị tâm lý, chị vẫn bối rối khi kết quả hiện ra 2 vạch.
“Nhà chật, 4 người trong nhà sẽ cách ly ra sao? Lỡ vợ chồng tôi bị nặng, ai sẽ chăm lo cho 2 con? Điều tôi lo nhất là cả 2 con cũng bị. Cuối cùng, mấy ngày sau, chuyện tệ nhất cũng xảy ra, cả gia đình đều dương tính”, chị nhớ lại nỗi hoang mang những ngày đầu.
Thấy 2 vạch trên que test nhanh, chị Mai Thy bắt đầu lo lắng nhiều điều, nhất là sợ 2 con cũng mắc Covid-19. Ảnh: Mai Thy. |
Những đứa trẻ chỉ được quanh quẩn trong nhà
Gia đình chị Mai Thy sống trong căn nhà cấp 4. Cả 4 người cùng sinh hoạt trong không gian khoảng 40 m2, chỉ tách riêng khu bếp và vệ sinh. Phòng ngủ, phòng khách là một, cũng là nơi 2 con học online.
Sau khi gọi y tế phường nhiều lần không được, chị chấp nhận cả nhà vẫn sống cùng nhau, ai dương tính thì đeo khẩu trang. Với hoàn cảnh như vậy, chị biết cả nhà F0 là điều không thể tránh khỏi.
Từng người lần lượt dương tính nCoV, cũng may, triệu chứng đều nhẹ, chỉ ho, ngạt mũi, rát họng. Chị Mai Thy mất 8 ngày để kết quả test âm tính còn chồng và 2 con mất 5-6 ngày.
“Lúc đó, chúng tôi không biết nhiều về dịch bệnh, sốt ruột nên test liên tục, mất 25 kit test. Chi phí mua que test lên đến 2 triệu đồng, tương đương khoản tiền mua thuốc điều trị”, chị Mai Thy kể.
Chị hỏi kinh nghiệm người từng mắc Covid-19, tìm hiểu trên mạng và nhờ nhân viên quầy thuốc tư vấn thêm rồi mua thuốc về uống. Dù mệt mỏi, 4 người tự chăm sóc nhau, kể cả việc đi chợ, nấu nướng đến mua thuốc.
Gia đình anh Bùi Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng trải qua những ngày tự chăm sóc, điều trị cho nhau khi cả nhà cùng mắc Covid-19. Ban đầu, mẹ anh cùng 2 con rồi đến anh có kết quả dương tính trước. Một mình vợ anh chăm 4 F0, lo việc cơm nước, thuốc thang, dọn dẹp nhà cửa, còn tranh thủ làm việc online. Sau đó, vợ anh cũng nhiễm nCoV.
Anh chia sẻ mọi người trải qua những ngày sốt, ho, đau họng, đau đầu, nôn, nhức mỏi cơ. Cũng may, thời gian bị các triệu chứng như vậy không kéo dài. Chỉ 2 con vẫn ho đến ngày thứ 5.
Gia đình anh hạn chế test nên chi phí mua thuốc, que test rơi vào khoảng 2 triệu đồng. Ngoài ra, vợ anh đầu tư hơn vào ăn uống, bổ sung vitamin C, D, kẽm.
Mười bốn ngày qua, cuộc sống của gia đình anh chỉ quanh quẩn trong căn hộ 90 m2. Hai con còn thường xuyên phải ở trong phòng, hạn chế ra phòng khách. Trải qua 10 ngày mắc Covid-19, con lại phải cách ly tiếp vì bố mẹ vẫn dương tính.
“Trước đây, dù sợ dịch, mỗi tuần, vợ chồng tôi vẫn cho con ra ngoài một chút cho đỡ căng thẳng. Nhưng nửa tháng nay, con không những phải ở yên trong phòng còn thường xuyên đeo khẩu trang. Cả ngày, con chỉ biết học online và làm bài tập nên buồn chán”, anh Thắng kể.
Covid-19 cũng khiến cuộc sống gia đình chị Thúy An (Thanh Xuân, Hà Nội) xáo trộn. Bốn người trong nhà mắc Covid-19 từ trước đến gần hết Tết Nguyên đán.
Ban đầu, mẹ chồng chị mắc, đến con gái (5,5 tuổi), chồng và chị. Chị An cho hay lúc đó, chị rất hoang mang vì 3 trong số 4 người thuộc nhóm đáng lo khi mẹ chồng tuổi cao, có bệnh nền, con gái còn nhỏ tuổi còn chị mới mang bầu tháng thứ tư.
Lúc chưa dương tính, chị chuyển lên sống ở tầng ba, chạy qua chạy lại giữa các tầng để lo cơm nước, chăm F0. Ngoài ra, chị còn tìm hiểu cách chăm sóc, điều trị người bệnh nên rất căng thẳng, mệt mỏi.
Con gái phải ở trong phòng, không được chạy nhảy trong nhà chứ đừng nói cuối tuần ra ngoài như trước đây. Con thường xuyên hỏi bố tại sao không được gần mẹ, sống cùng nhà mà mẹ con phải gọi video khi nhớ nhau.
Con cũng thắc mắc tại sao bố phải đeo khẩu trang khi chăm con, hoảng sợ trong những lần đầu lấy mẫu xét nghiệm. Vợ chồng chị kiên nhẫn giải thích để con hiểu và dần thích nghi. Sau này, khi cũng mắc Covid-19, chị An xuống tầng, sống cùng với con. Cô bé 5,5 tuổi còn biết tự kẹp máy đo SpO2 vào tay, dặn mẹ cứ yên tâm ngủ.
“Giờ nhìn lại, tôi thấy mệt mấy rồi chuyện cũng qua. Khi cả nhà đều âm tính, chúng tôi cho con đi chơi, về ngoại chúc Tết bù một tuần rồi trở về nhịp sống bình thường”, chị Thúy An kể.
Con gái chị Thúy An tự kẹp máy đo SpO2 vào tay, dặn mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi. Ảnh: Thúy An. |
Cố gắng duy trì việc học
Do trường mầm non vẫn đóng cửa mà công việc của mình lại linh hoạt về mặt thời gian, chị Thúy An vẫn đồng hành cùng con học các kỹ năng, kiến thức, tiếng Anh trước khi con vào lớp 1.
Lúc dịch Covid-19 ập đến gia đình, cuộc sống xáo trộn, việc học của con tạm dừng lại. Đến nay, mọi thứ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số thứ chị không thể bù đắp được cho con là môi trường tương tác với bạn bè, thầy cô, những trải nghiệm bên ngoài, gặp gỡ mọi người.
Sau khi con khỏi bệnh, tình hình dịch không quá căng thẳng, bà mẹ một con nghĩ đã sẵn sàng để con đến lớp dù biết con vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
“Điều đáng sợ nhất, gia đình đã trải qua, cũng hiểu hơn về dịch, biết cách ứng phó. Con lại bỏ lỡ quá nhiều quãng thời gian mầm non ở ngôi trường tuyệt vời. Vì thế, tôi từng rất mong con được trở lại trường”, chị Thúy An tâm sự.
Thế nhưng, khi số ca mắc Covid-19 vượt mức 10.000 ca/ngày, chị cân nhắc hơn dù vẫn hy vọng con có thể trải nghiệm thêm thời gian ở trường mầm non trước khi vào lớp 1.
Bà mẹ một con cho rằng không thể mong đợi Covid-19 biến mất hoàn toàn, chỉ cần y tế có thể kiểm soát, mật độ lây nhiễm không quá cao, chị sẵn sàng để con đến lớp, coi đây như những bệnh khác mà con đối mặt khi đi học (cúm mùa, chân tay miệng, thủy đậu…).
Anh Bùi Thắng, chị Mai Thy cũng từng rất mong mỏi con đến trường vì việc học online không hiệu quả, con lại thiếu hụt sự tương tác trực tiếp và môi trường để phát triển các kỹ năng khác. Tuy nhiên, khi cả gia đình cùng mắc Covid-19, họ lại thấy may mắn vì con đang học online.
Hai con gái của anh Thắng chỉ nghỉ học 2 buổi vì mệt. Sau đó, dù còn ho, 2 con trở lại trước màn hình để học trực tuyến. Vì thế, việc học không bị ảnh hưởng nhiều.
Anh cho biết giáo viên và nhà trường cũng tạo điều kiện, cho phép con nghỉ học nếu còn mệt. Điều này giảm bớt phần nào căng thẳng của gia đình. Trong khi đó, trường cháu anh lại yêu cầu có giấy chứng nhận F0 mới có thể tạm nghỉ học trực tuyến, khiến phụ huynh thêm mệt mỏi giữa lúc chống chọi với bệnh tật.
Hai con của chị Mai Thy lại chỉ nghỉ học một buổi. Con đều học online nên việc xin nghỉ đơn giản.
Chị Thy cho biết sau Tết Nguyên đán một tuần, hơn 50% học sinh trong lớp con gái lớn (lớp 10) là F0, F1. Do đó, trường cho lớp học online 3 tuần nay. Rơi vào tình trạng tương tự, 2 tuần qua, con trai chị cùng bạn bè trong lớp tạm dừng đến trường.
“Cũng may đợt này, con học trực tuyến. Nếu không, gia đình còn mệt mỏi ở khoản đi xin giấy chứng nhận âm tính để con trở lại lớp sau khi khỏi bệnh”, chị Mai Thy tâm sự.
Ngoài ra, chứng kiến cảnh một số người quen thường xuyên mua que test rồi việc học của con cứ chuyển đổi giữa trực tiếp và trực tuyến, xáo trộn mọi thứ, họ cũng may mắn vì con chưa đến lớp trong giai đoạn này.
Anh Thắng tính giá một kit test mà gia đình anh mua là 80.000 đồng. Hà Nội đang khan hiếm kit test nên giá tăng hơn. Nếu con đi học mà lớp cứ F0, con lại phải test, đây sẽ là khoản chi phí đáng kể.
“Tôi hy vọng đến lúc mở cửa trường học, chi phí kit test được kiểm soát tốt hơn để gia đình giảm bớt số tiền cho việc xét nghiệm nhanh”, anh nói thêm.