Chị T.N. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng rất mong ngóng ngày trường học mở cửa trở lại để con bước ra ngoài, giao lưu với bạn bè, chấm dứt chuỗi ngày ngâm mình trong phòng học online, làm bài tập từ sáng sớm đến đêm khuya.
Ngày 8/2, mong ước đó thành sự thật nhưng chỉ một tuần sau, con gái chị lại quay về học trực tuyến vì lớp có 3 bạn thành F0. Hết thời gian cách ly, con trở lại trường. Nhưng cũng có ngày, con lên lớp để học online vì giáo viên là F1.
“Giờ cứ nghe Zalo báo có tin nhắn mới từ nhóm chat của lớp, tôi lại giật thót, sợ bạn con mắc Covid-19, sợ con là F1, lo việc học online - offline chập chờn làm con chán nản”, chị T.N. tâm sự.
Học sinh từ lớp 1 và lớp 6 ở 18 huyện, thị xã đã dừng việc học trực tiếp do dịch. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Mệt mỏi vì học online kết hợp offline
Chị T.N. cho biết gia đình chị từng nghĩ chỉ cần chờ trường học mở cửa, cuộc sống sẽ đỡ xáo trộn. Con đến lớp, học hành đảm bảo, được vận động, giao tiếp, có giáo viên quan tâm sát sao. Bố mẹ yên tâm làm việc.
Nhưng thực tế gần một tháng qua, mọi thứ còn xáo trộn hơn trước khi hết chị lớn đến em nhỏ chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến rồi lại được đến trường.
Xung quanh chị, nhiều gia đình cũng chịu cảnh tương tự. Việc học của những đứa trẻ chuyển đổi nhanh chóng khi lớp xuất hiện ca mắc Covid-19.
Chị T.N. cho hay trước đây, chị không lường trước được, không nghĩ có ngày dù bận đến đâu, thấy tin nhắn lại phải mở điện thoại ra kiểm tra vì không muốn bỏ sót thông báo liên quan đến việc học ngày mai, thậm chí sức khỏe hiện tại của con.
Chị đánh giá sự chuyển đổi linh hoạt trong dạy học là cần thiết khi dịch căng thẳng song việc này cũng gây xáo trộn cho cả tâm lý, việc học của con lẫn kế hoạch làm việc của bố mẹ.
Chưa kể đến, con cũng than phiền vì khi dạy song song trực tiếp - trực tuyến, thỉnh thoảng, con không nghe rõ lời giáo viên, thiếu tương tác hơn hẳn vì còn những bạn học ở lớp. Con phàn nàn học như vậy còn không bằng trực tuyến 100%.
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cũng thừa nhận hình thức dạy học song song online và offline “không đâu vào đâu” dù giáo viên, học sinh rất vất vả.
Cô cho biết giáo viên rơi vào cảnh “một thân chia 2 nửa”, vừa tương tác với học sinh trên lớp vừa chú ý giảng bài, giải đáp thắc mắc cho những em học trực tuyến, rất mất thời gian và tâm sức.
“Nếu chỉ truyền thụ kiến thức một chiều, áp dụng hình thức song song không khó. Nhưng dạy học là tương tác 2 chiều. Vai trò chủ động, tích cực của học sinh rất quan trọng. Với hình thức song song, giáo viên khó thực hiện dạy học tích cực”, cô phó hiệu trưởng nói.
Thời gian đầu, cô cho biết các trường rất lúng túng khi số ca mắc Covid-19 hoặc F1 trong học sinh, giáo viên tăng cao. Hiện tại, trường được linh động chuyển giữa trực tiếp và trực tuyến nếu có ý kiến của phụ huynh, tình hình đỡ rối hơn.
Tuy nhiên, một học sinh từng phàn nàn với cô vì không biết ngày mai, ngày kia, em sẽ học ở trường hay ở nhà để chuẩn bị tinh thần.
Đây cũng là điều mà cô cùng nhiều giáo viên trăn trở vì cả người học lẫn thầy cô đều rất mệt mỏi khi thay đổi hình thức học liên tục.
“Dẫu biết cần thích ứng linh hoạt để phù hợp tình hình dịch bệnh nhưng thay đổi liên tục như vậy sẽ gây tâm lý mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh”, cô phó hiệu trưởng chia sẻ.
Việc thay đổi hình thức dạy học liên tục khiến học sinh mệt mỏi. Ảnh minh họa: T.M. |
Chọn phương án có lợi nhất cho học sinh
Phó hiệu trưởng trên cho biết hiện tại, do số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều trường ở Hà Nội đã chuyển sang dạy học trực tuyến.
Thực tế, từ tuần trước, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh đã quyết định cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tạm dừng đến trường khi số ca F0, F1 trong học sinh lên đến 1.000 em và 50% giáo viên của trường mắc Covid-19.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng với tình hình hiện tại, trường học cần xử lý linh hoạt, không thể thực hiện máy móc trong hình thức dạy học.
Theo thầy, nếu lớp chỉ có vài ba em đến trường, việc dạy song song không hiệu quả bằng cho cả lớp học online. Thầy nhấn mạnh cần chọn hình thức dạy học phù hợp điều kiện thực tế và tốt nhất cho hầu hết học sinh.
Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh cũng tiếp tục học trực tuyến khi theo khảo sát của trường, hơn 80% phụ huynh chưa muốn con trở lại trường trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Tương tự, trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) chuyển sang dạy học trực tuyến chỉ một tuần sau khi học sinh trở lại trường do F0, F1 tăng cao và phụ huynh chưa yên tâm.
Trong khi đó, một số trường lại đưa ra quy định sẽ chuyển đổi hình thức dạy học trong tình huống nào. Như tại trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cả lớp chuyển sang học online khi số lượng học sinh là F0, F1 của lớp đó chiếm 50%.
Trường Phổ thông Liên cấp H.A.S (Hanoi Adelaide School) hiện tiếp tục triển khai kết hợp giữa học tập trực tuyến và trực tiếp. Những lớp có 60% học sinh là F0, F1 sẽ chuyển sang hình thức học tập trực tuyến, để theo dõi trong 1 tuần hoặc theo hướng dẫn của y tế địa phương, sau đó các con sẽ đến trường học bình thường. Cách làm này nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, giúp phụ huynh yên tâm gửi con đến lớp, trường đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 với bộ phận thường trực, thường xuyên túc trực và phản ứng nhanh khi có ca F0, F1 tại trường.
Ngoài ra, hàng tuần, trường test mẫu ngẫu nhiên của học sinh trong lớp để rà soát, khoanh vùng những lớp có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV.
Với tình hình dịch bệnh cùng tâm lý của giáo viên, học sinh, phụ huynh như hiện nay, việc quyết định hình thức dạy học như thế nào cũng là nỗi băn khoăn của người làm công tác giáo dục.
Cô Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cho rằng nên giao quyền quyết định cho các trường, đặc biệt trường ngoài công lập. Thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra khuyến cáo để trường làm căn cứ, quyết định cho học sinh đến lớp khi xác định đủ an toàn cho các con.
Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường THCS công lập lại cho hay hiện tại, căn cứ công văn 468 của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường đã được linh động giữa việc dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp khi có ý kiến từ phụ huynh.
Song hiệu trưởng chỉ có thể quyết định hình thức dạy học trong thời gian ngắn (tức chỉ cho học sinh học trực tuyến trong vài ba ngày rồi lại cần ra thông báo mới).
Vì vậy, cô mong Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến hoàn toàn một thời gian, ít nhất qua giai đoạn dịch căng thẳng, số ca mắc Covid-19 tăng cao như hiện nay. Theo cô, khi có quyết định dạy học online 100%, trường chủ động hơn trong công việc.