Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh nhiều trường tạm dừng đến lớp vì dịch Covid-19

Với khoảng 1.000 học sinh là F0, F1, 50% giáo viên mắc Covid-19, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) quyết định cho học sinh tiếp tục học online.

Trước đó, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 chuyển sang học trực tuyến trong 3 ngày 21, 22 và 23/2 vì thời tiết xấu.

Sau đó, trường hủy kế hoạch cho học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 24/2 do số lượng học sinh và giáo viên mắc Covid-19 tăng nhanh. Dự kiến, ngày 28/2, trường mở cửa trở lại. Song một lần nữa, trường "quay xe" vì dịch bệnh.

Hoc sinh nhieu truong tam dung den lop anh 1

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trường Marie Curie tại Mỹ Đình chuyển sang học trực tuyến từ ngày 28/2. Ảnh: Marie Curie Hanoi School.

Cho học sinh học trực tuyến để đảm bảo an toàn

Trao đổi với Zing, cô Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cho hay trường thường xuyên cập nhật số ca mắc Covid-19 trong học sinh, giáo viên.

Đến nay, toàn trường (2 cơ sở Cầu Giấy và Thanh Trì) có khoảng 500 học sinh mắc Covid-19. Nếu tính cả số em là F1, con số này lên đến hơn 1.000 em. Ngoài ra, 50% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiễm SARS-CoV-2.

"Nhiều lớp có 27 học sinh thuộc diện F1, F0. Lớp có số học sinh nhiễm bệnh ít, thầy cô lại bị nhiều nên nhiều tiết, học sinh đến lớp nhưng phải học online. Nếu đi học, một lớp sẽ phải dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Thầy cô đã gồng mình, nay tiếp tục căng thẳng", cô Văn Thùy Dương chia sẻ.

Trước tình hình như vậy, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh quyết định cho học sinh tiếp tục học online. Theo cô Dương, trường sẽ thông báo cho học sinh đến trường khi thấy đủ an toàn cho các con.

Trong ngày 26/2, trường Marie Curie cũng ra thông báo cho toàn bộ học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 tại cơ sở Mỹ Đình chuyển sang học trực tuyến tại nhà từ ngày 28/2 đến hết ngày 5/3.

Quyết định này được đưa ra do phường Mỹ Đình 1 ở cấp độ 3 (vùng cam), nguy cơ cao theo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 của UBND thành phố Hà Nội hôm 25/2.

Căn cứ đánh giá cấp độ dịch của thành phố vào cuối tuần sau (ngày 4/3), nhà trường sẽ quyết định hình thức học của học sinh các khối lớp nói trên cho thời gian sau đó.

Tại trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh cũng tiếp tục học trực tuyến.

Thông tin từ nhà trường cho hay trường vừa thực hiện khảo sát. Kết quả, trên 80% cha mẹ học sinh chưa muốn con trở lại trường trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Phụ huynh có con học tại trường TH School chia sẻ theo nguyện vọng của hầu hết cha mẹ học sinh, trường đã quyết định chuyển sang phương thức dạy học trực tuyến. Riêng các lớp 11, 12 dự kiến trở lại trường từ ngày 7/3.

Hoc sinh nhieu truong tam dung den lop anh 2

Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh tiếp tục cho học sinh học trực tuyến khi số ca F0, F1 trong trường lên đến hơn 1.000 người. Ảnh: THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy.

Cân nhắc việc dạy học trực tiếp khi dịch căng thẳng

Cô Văn Thùy Dương thừa nhận các con vẫn có nhu cầu gặp gỡ, giáo dục toàn diện là cần thiết. Trường cũng ủng hộ chủ trương mở cửa trở lại trường học một cách an toàn, thận trọng, sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, từ thực tế số ca mắc Covid-19 trong học sinh Lương Thế Vinh tăng cao sau 10 ngày dạy học tập trung cùng với khó khăn khi dạy học song song trực tiếp, trực tuyến, cô cho rằng "không nhất thiết phải ngay và luôn đưa các con đến trường".

Bên cạnh đó, phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cho rằng nên giao quyền quyết định cho các trường, đặc biệt trường ngoài công lập.

"Các trường muốn cho học sinh đi học. Song việc mở cửa trở lại học trực tiếp phải cân nhắc vì khi xuất hiện lây nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng giáo viên đứng lớp chứ không riêng học sinh, cùng với đó là khả năng xử lý tình huống y tế của từng trường để khống chế, kiểm soát mức độ lây lan", cô nêu quan điểm.

Vì vậy, cô mong thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ nên ra các khuyến cáo để trường làm căn cứ, quyết định cho học sinh đến lớp khi xác định đủ an toàn cho các con.

Cô cho biết thêm khi học sinh học online, trường sẽ dành thời gian hè để củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng dạy học.

Trong khi đó, cô T.N., giáo viên một trường THCS ở Hà Nội, cũng mong muốn các trường công lập được tạm thời chuyển sang dạy học online.

Cô cho biết hiện tại, nơi cô công tác có rất nhiều học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Do không đủ người dạy thay, thầy cô nhiễm nCoV vẫn phải dạy trực tuyến tại nhà dẫn đến cảnh dở khóc dở cười khi học sinh mang điện thoại đến lớp để học online.

Cô đánh giá nhìn chung, phương pháp dạy song song online và offline có rất nhiều bất tiện, không đạt hiệu quả cao, thậm chí không bằng dạy trực tuyến 100%. Bên cạnh đó, khi học sinh đến trường, phát sinh ca mắc Covid-19, chi phí xét nghiệm nhanh tăng lên đối với cả trường lẫn gia đình các em.

Số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3, TP.HCM đã có kịch bản đối phó

Từ ngày 14/2 đến 21/2, số trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM đã tăng gấp 3 so với trước đó.

Học sinh là F0 ở TP.HCM tăng, trường khó dạy cả online và offline

Dù cách xác định học sinh F1 và thời gian cách ly đã linh hoạt hơn nhưng các trường tiểu học ở TP.HCM vẫn gặp khó khi song song dạy online lẫn trực tiếp cho một lớp có học sinh F0.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm