Việc Sơn Tùng M-TP học hỏi phong cách sao Hàn, đặc biệt là từ trưởng nhóm Big Bang – G-Dragon không còn là điều xa lạ với khán giả nói chung. Nhưng có lẽ, trong quá trình học hỏi ấy, Sơn Tùng quên mất một yếu tố: sự tôn trọng khán giả.
Sự nghiêm khắc và tính chất đào thải của Kbiz
Gần đây, khán giả Việt được dịp cuồng nhiệt với sự kiện âm nhạc Music Bank diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của loạt nhóm nhạc đình đám: EXO, GOT7, SHINee, Sistar… Chẳng mấy khi sao Hàn sang Việt Nam, thế nên đây chính là cơ hội trời cho cho những ai thuộc nhóm “fan cuồng Kpop”.
Mấy năm trước, không cần nhắc chúng ta cũng nhớ, nhóm fan này bị nhìn như những kẻ “dị biệt” bởi hình ảnh gào khóc ở sân bay dù chẳng được chạm tới một sợi tóc của sao.
Nhưng trong vài show Kpop ở Việt Nam gần đây, hình như vấn đề đã được tích cực hóa hơn trong mắt nhìn người ngoài cuộc. Điển hình như show Music Bank mới đây thôi, các fan vẫn ra sân bay đón thần tượng, vẫn canh ở khách sạn mong được tận mắt nhìn thấy họ một lần và vẫn khóc khi phải chia tay sao về nước.
Nhưng nay, mọi chuyện nhẹ nhàng và văn minh hơn. Người lớn thay vì chỉ trích “bọn này sao cuồng thế” thì đổi thành “ngày xưa chúng ta cũng có thời như thế”.
Các sao Hàn trong sự kiện Music Bank in Hanoi. |
Phản ứng tích cực từ phía những người vốn không phải fan Kpop không phải tự nhiên lại thay đổi như thế. Và có lẽ, một trong những điều đó đến từ chính các sao Kpop.
Được đào tạo bài bản và phải nỗ lực hết mình để tỏa sáng trong một môi trường khắc nghiệt, điều tiên quyết để tạo nên một ngôi sao Hallyu có lẽ không phải đến từ tài năng mà là thái độ làm việc.
Không có sao nào có thể thành danh ở Kbiz mà dám tỏ ra chảnh chọe khi mới chân ướt chân ráo bước chân vào showbiz. Và ngay cả khi đã nổi tiếng, họ cũng hết sức coi trọng giờ giấc, quy củ, lịch làm việc.
Từng có chuyện một sao Hàn nọ đến muộn buổi quảng cáo 30 phút, cô bị cả làng báo trong nước đưa tin, bị các fan chỉ trích là “chảnh chọe, thiếu hợp tác”. Việc tạo ra quy luật ngầm “muốn nổi tiếng phải ngoan và nỗ lực” của Kbiz đương nhiên vì thế mà có tác dụng.
Những ai muốn nổi tiếng, họ đương nhiên phải hy sinh cái tôi của mình và tôn trọng quy tắc chung, còn nếu không, lẽ dĩ nhiên họ sẽ bị đào thải không thương tiếc giữa một biển nghệ sĩ ai cũng muốn nổi tiếng. Đặc biệt, nếu muốn còn được yêu mến, xin đừng dối trá và chảnh chọe hay sai giờ.
Ở các show Kpop, sao Hàn luôn luôn hết mình với fan, họ vui vẻ và thân thiện, họ cố gắng để fan cảm thấy việc fan tham dự concert của họ là xứng đáng. Dù biết, sự thân thiện và hết mình ấy đến từ quá trình đào tạo bài bản suốt nhiều năm, nhưng khán giả vẫn cảm thấy được tôn trọng.
Chỉ cần bị chỉ trích là “chảnh” một lần, ngôi sao Hàn Quốc có khả năng sẽ bị khán giả lẫn truyền thông quay lưng lại, sự nghiệp của họ cũng vì thế mà có nguy cơ đi vào ngõ cụt.
Ở các chương trình truyền hình, một khi đã nhận lời tham gia, họ sẽ hết mình với chương trình ấy dù nhiều khi phải làm xấu bản thân hay lộ nhiều bí mật không muốn bật mí. Và việc thua cuộc, bị loại sớm cũng là chuyện bình thường bởi rất nhiều chương trình toàn là sao tham gia.
Còn đối với khán giả, sau những chương trình đó, sự yêu mến dành cho thần tượng chỉ tăng lên chứ không giảm đi bất chấp kết quả ra sao.
Dù không thích Kpop nhưng khi hiểu hơn về cách rèn luyện và nỗ lực của các nghệ sĩ Hàn Quốc, những người thuộc nhóm “không phải fan, lại càng không cuồng” cũng thấy, nếu con em mình hâm mộ nghệ sĩ Hàn, điều đó thật cũng không có gì xấu.
Nghệ sĩ Hàn, nhìn theo sự chuyên nghiệp và có nguyên tắc của họ, xứng đáng là tấm gương để giới trẻ học hỏi.
Sơn Tùng M-TP và câu chuyện rời The Remix
Trở lại với nam ca sĩ hot nhất nhì làng Vpop hiện nay, Sơn Tùng M-TP. Việc anh thường xuyên xuất hiện với phong cách na ná Kpop hay mang đến thứ âm nhạc hơi hướm Hàn không phải là việc mới.
Chính giọng ca gốc Thái Bình cũng thừa nhận việc anh học hỏi từ các sao Hàn. Nhưng thông qua câu chuyện kỷ luật của Kbiz, công chúng mới thấy ở Sơn Tùng vẫn còn thiếu thứ gì đó.
Việc Sơn Tùng M-TP bất ngờ xin rút khỏi chương trình The Remix khi gameshow này mới đi được 2/3 chặng đường đang là đề tài được dư luận quan tâm. Lý do Sơn Tùng xin rút được công bố chính thức là bởi nam ca sĩ gốc Thái Bình bị bệnh viêm họng, thường xuyên sốt cao, sức khỏe không đảm bảo. Khán giả thông cảm, và Sky (người hâm mộ Sơn Tùng) xót xa cho thần tượng.
Thế nhưng, ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, nhiều người bất ngờ khi biết trước đó một ngày, Sơn Tùng vẫn đi diễn show ca nhạc và diễn rất sung. Ít ngày sau đó, hình ảnh và clip Sơn Tùng biểu diễn ở một quán bar tại Hà Nội lại được chia sẻ.
Dựa theo những clip do khán giả có mặt trong buổi diễn đó ghi lại, Sơn Tùng hát rất khỏe, rất năng nổ chứ không giống như một người đang bị viêm họng cấp, không thể hát.
Sơn Tùng M-TP. |
Vậy lý do Sơn Tùng rút khỏi The Remix là bị ốm được đưa ra trước đó thực hư ra sao? Câu hỏi này chắc chỉ để ngỏ, rồi thời gian sẽ khiến mọi người quên đi, vì chắc chắn sẽ không ai trả lời.
Điều dư luận và nhiều người cảm thấy chắc chắn hơn, đó là cách hành xử của giọng ca Chắc ai đó sẽ về thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng, khó chịu. Ai cũng biết, Sơn Tùng có lượng fan đông đảo, vì thế mỗi chương trình anh xuất hiện, như The Remix, luôn có rất đông người đến tận trường quay để cổ vũ anh và nhiều người khác ngồi trước màn hình chờ đến phần trình diễn của nam ca sĩ.
Thế nhưng, Sơn Tùng nói rút là rút, ai chờ mong, muốn được gặp anh, nghe anh hát, xin mời đến phòng trà, quán bar vì ở The Remix, anh “bị đau họng”.
Cách Sơn Tùng diễn “cho xong chuyện” ở liveshow 7 và sau đó là đột ngột rút khỏi The Remix từ liveshow 8, cho thấy, với anh, dường như “cái tôi” quan trọng hơn khán giả. Nếu thực sự Sơn Tùng không muốn diễn nữa, có lẽ anh nên rút lui ngay từ liveshow 7, nơi nam ca sĩ diễn với kiểu bất cần đời, cho có và hời hợt chứ đừng để khán giả cảm thấy hụt hẫng, ngỡ ngàng và xen lẫn tức giận như thế.
Sơn Tùng đang cho thấy anh hành động theo kiểu rất phớt đời, thích gì làm nấy, bất chấp và không cần biết phản ứng của khán giả ra sao. Điều này quả thật không hay với một nghệ sĩ tuổi đời còn ít ỏi như giọng ca Không phải dạng vừa đâu, đặc biệt là khi anh mới chỉ giành được hào quang từ sự nổi tiếng cách đây không bao lâu.
Sau câu chuyện “nói một đằng làm một nẻo” của Sơn Tùng ở The Remix, nhiều người cho rằng, nếu muốn học hỏi Kpop, Sơn Tùng có lẽ nên “triệt để” hơn, đó là không chỉ học hỏi ở hình thức bề ngoài hay gu âm nhạc, mà là sự tôn trọng khán giả và tính kỷ luật. Với một người có tài và được đầu tư đúng mực, cộng thêm ý thức làm nghề của một nghệ sĩ chân chính, chắc hẳn tương lai của Sơn Tùng sẽ còn sáng láng hơn nhiều.