Tên gọi này xuất phát từ khi những sinh viên tình nguyện của ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM đến đây làm nên con đường dài 2,4km này trong chiến dịch Mùa hè xanh hai năm về trước.
Chiều muộn, bước trên con đường “đan” (cách người dân gọi đường bê-tông) với nắng chiều rải nhẹ trên những cánh đồng lúa thật là thích. Hai bên đường, những bụi hoa mười giờ, ngũ sắc, cúc vàng... do người dân trồng trông rất vui mắt. Thỉnh thoảng, những chiếc xe máy của phụ huynh đón con đi học về vụt qua trên đường. Rồi những chiếc xe ba bánh tất bật đưa con cá, mớ rau vào bán cho những nhà nằm sâu trong ấp. Cuộc sống của ấp 4 thay đổi nhiều từ khi có con đường.
Người dân trồng hoa hai bên “con đường Bách Khoa”. |
“Hồi đó tao đưa con đi học cực muốn chết mày ơi - dì Hai Xanh, một người dân trong ấp đã ngoài 60 tuổi, móm mém kể lại - Mưa sình lầy lắm. Con gái mặc áo dài thì quấn lên, con trai cởi quần dài quấn lên cổ. Xe chỉ chạy được tháng khô, mưa không đi được. May có mấy đứa sinh viên xuống mần cho con đường”.
Ông Nguyễn Nhật Khen - bí thư chi bộ ấp 4 - diễn tả cuộc sống người dân địa phương thay đổi sau khi có đường mới bằng việc... bán heo. “Trước tui nuôi heo, đường lầy lội, bán một con được 2,5 triệu đồng thì giờ bán được 3,6 triệu đồng. Xe ba gác, bốn bánh chạy vào tận nhà dân mua bán nên cũng được giá hơn”. Ông bí thư vui mừng khoe thêm sau khi có đường, tỷ lệ bỏ học của học sinh trong ấp giảm do đường đi thuận lợi. Trong ấp có 200 công nhân may ở một công ty ngoài thị trấn. Khi chưa có đường, công nhân tăng ca không cách gì về được vì tối, đường lầy lội, muốn về phải gửi xe cuốc bộ về. Giờ chỉ chạy xe vài chục phút là về đến nhà.
2,4km đường với những tấm “đan” 3x3m trải dài được những sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng thanh niên trong ấp làm cật lực trong vòng ba tuần. “Cứ một sinh viên làm đường sẽ có một thanh niên trong ấp làm cùng. Người dân thì nuôi sinh viên trong nhà, có gì ngon cũng mang ra cho các chiến sĩ” - anh Đoàn Thanh Luân, bí thư Xã đoàn Mỹ Hòa, nhớ lại.
Ở xã Mỹ Hòa và nhiều nơi khác trong huyện Tháp Mười, bên cạnh những “con đường Bách Khoa” vẫn còn những con đường bụi mù mịt, hai xe máy chạy ngược chiều có đoạn phải dừng lại tránh nhau. Những con đường ấy vẫn đang chờ để được khoác lên mình tên gọi “đường Mùa hè xanh”.