Báo cáo nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Ung thư, Bệnh viện K Trung ương, cho hay uống rượu được xác định là nguy cơ có tính chất cộng dồn gây ung thư cho người sử dụng.
Từ năm 2007, Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã tổng hợp các bằng chứng rõ ràng và khẳng định mối tương quan giữa sử dụng rượu và nguy cơ mắc 7 loại ung thư gồm khoang miệng, hạ họng - thanh quản, vòm họng, thực quản, gan, vú, đại trực tràng.
Theo bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam hiện xếp ở mức rất cao: thứ hai trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. 1/4 nam giới Việt Nam tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hiểm.
Rượu được xem là một chất gây ung thư ở người. Ảnh: Thespiritualindian. |
Rượu gây ung thư như thế nào?
Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu Ung thư, Bệnh viện K Trung ương, cơ chế gây ung thư của rượu có thể thấy qua 6 cách sau:
- Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư: Khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzym alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde là một chất gây ung thư bằng cách gây tổn thương DNA. Việc uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miêng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.
- Tăng mức độ hormon estrogen: Alcohol làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú dẫn tới ung thư vú.
- Gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan: Rượu gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư.
- Tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư: Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt chất gây ung thư thấm vào cơ thể như hút thuốc lá.
- Giảm lượng folate trong máu: Alcohol làm thay đổi chuyển hóa của folate, sự kém hấp thu folate gây trở ngại cho quá trình methyl hóa DNA, từ đó dẫn tới ung thư.
- Kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao: Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao; các phân tử này thường gây tổn hại DNA của tế bào dẫn tới ung thư.
Uống rượu thế nào để giảm tác hại đối với sức khỏe?
Bác sĩ Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho hay không có mức độ uống rượu nào là an toàn. Hậu quả do sử dụng rượu khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hoàn cảnh và cách thức uống.
Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ, bác sĩ khuyến nghị người dân không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Theo các bác sĩ, bạn nên kiểm soát lượng rượu nạp vào cơ thể, uống từ từ, kết hợp với thức ăn và dùng xen kẽ cùng nước lọc.