Theo Business Insider, Palmer Luckey là người sáng lập Oculus VR - công ty được đánh giá như “tương lai của công nghệ thực tế ảo”. Năm ngoái, ông chủ Facebook đã mua Oculus với giá 2 tỷ USD. Hiện tại, Oculus đóng vai trò là phần mềm điện toán quan trọng của Facebook trong vòng 10 năm tới.
Trang này cũng tiết lộ, đường đến thành công của Palmer Luckey không giống bất kỳ ai tại thung lũng Silicon.
Palmer Luckey có niềm ham thích đặc biệt với môn Điện tử học. Anh từng say mê nghiên cứu các thiệt bị phát tia laser. Sau tai nạn, võng mạc mắt của anh xuất hiện một điểm mù nhỏ. |
Palmer Luckey sinh ngày 19/9/1992, tại thành phố Long Beach, California, Mỹ. Ông Donald - cha Palmer - là nhân viên bán ôtô. Còn bà Julie - mẹ anh - làm công việc nội trợ và dạy dỗ Palmer cùng 3 em gái tại nhà.
Từ khi còn nhỏ, Palmer đã yêu thích môn Điện tử học. Anh đam mê lắp ráp máy tính, các thiết bị trò chơi, phát ra tia laser. Sau tai nạn trong quá trình nghiên cứu, võng mạc mắt của anh xuất hiện một điểm mù nhỏ.
Để biến đam mê thành phương tiện kiếm tiền, Palmer đã mở dịch vụ sửa chữa, bẻ khóa và bán điện thoại iPhone trên mạng. Nhờ công việc này, chàng trai thu về ít nhất 36.000 USD khi mới 16 tuổi.
Do thích chơi điện tử, Palmer dần bén duyên với công nghệ thực tế ảo. Anh từng chi hàng chục nghìn USD để thiết kế, lắp ráp một hệ thống máy vi tính có 6 màn hình. Tuy nhiên, dàn máy cồng kềnh đó không khiến anh thỏa mãn. Anh nghĩ: "Tại sao mình không đặt trực tiếp một màn hình nhỏ lên mặt?".
Năm 17 tuổi, Palmer bắt đầu thiết kế phiên bản mẫu đầu tiên của Oculus Rift trong gara gia đình. Sau khi ưng ý với thành quả có được, anh đưa "đứa con tinh thần" lên trang web huy động vốn cộng đồng Kickstarter. Kết quả, Oculus Rift giúp chàng trai thu về 2,4 triệu USD - con số vượt quá sức tưởng tượng của anh.
Sau nhiều lần cải tiến, Oculus Rift đã thu hút hàng triệu USD từ các nhà đầu tư. |
Vào thời điểm đó, Palmer liên hệ với Brendan Iribe - doanh nhân chuyên về game. Lo sợ sự theo dõi của chính phủ, Palmer ngừng sử dụng điện thoại di động và đồng ý gặp Iribe tại một nhà hàng. Cảm thấy tâm đắc với ý tưởng của Palmer, Iribe và một vài bạn kinh doanh đã đầu tư khoản tiền đáng kể cho dự án của chàng trai 17 tuổi trên Kickstarter. Sau đó, Oculus VR được thành lập và Iribe trở thành giám đốc điều hành công ty.
Khi bắt đầu khởi động dự án, Palmer vẫn có cái nhìn khiêm tốn về tương lai của Oculus. Anh viết:“Tôi sẽ không lấy một đồng lợi nhuận từ dự án này. Bởi mục đích của nó là chi trả cho các khoản phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối và thanh toán. Nếu còn lãi khoảng 10 USD, tôi sẽ mua pizza và bia để ăn mừng”.
Thế nhưng, các khoản đầu tư khổng lồ cùng những phiên bản cải tiến của Oculus thực sự đưa Palmer Luckey và tai nghe thực tế ảo lên bản đồ công nghệ thế giới. Sản phẩm thu hút nguồn vốn đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty VC firm Andreessen Horowitz của Chris Dixon - doanh nhân nổi tiếng người Mỹ. Tháng 6/2013, Dixon đã ký một bản hợp đồng trị giá 16 triệu USD cho Oculus VR dù khi đó, sản phẩm vẫn cần có băng keo chống thấm để hoàn thiện.
Chưa đầy 6 tháng, sau khi nâng cấp bản dùng thử đầu tiên của chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift, Chủ tịch Chris Dixon đã bị thuyết phục hoàn toàn và quyết định đầu tư tổng cộng 75 triệu USD vào sản xuất chiếc kính này. Dixon cũng là người đầu tiên liên lạc với CEO Facebook - Mark Zuckerberg - trình bày về ý tưởng xuất sắc của Luckey. Zuckerberg cảm thấy rất tâm đắc, đáp chuyến bay đến thẳng trụ sở Oculus để dùng thử phiên bản mới nhất.
Chiếc Testa Model S trị giá 120.000 USD của Palmer Luckey. |
Tháng 3/2014, ông chủ Facebook ký hợp đồng mua lại Oculus với số tiền lên đến 2 triệu USD.Thương vụ này mang lại tài sản ròng khoảng 500 triệu USD cho chàng thanh niên 21 tuổi - Palmer Luckey.
Palmer sử dụng một phần trong khoản tiền khổng lồ để mua nhà tại thành phố Atherton, thung lũng Silicon. Anh sống cùng 7 người bạn thân thiết. Họ gọi căn nhà là “The Commune” (căn nhà cộng đồng), nơi họ thường dành hàng giờ chơi điện tử.
Mặc dù Palmer dành phần lớn thời gian để điều hành Oculus VR tại trụ sở Facebook ở Menlo Park, anh vẫn cảm thấy rất thoải mái. “Nhiều người dân ở đây biết tất cả về Oculus nhưng không ai biết tôi là ai” - anh chia sẻ với Forbes.
Sở hữu hàng triệu USD, song Palmer vẫn khá giản dị. Anh thích mặc áo sơ mi rộng và đi dép xỏ ngón. Chàng trai chia sẻ, anh còn thích đi chân trần hơn.
“Chúng ta phát minh ra giày dép để bảo vệ đôi chân trong những môi trường khắc nghiệt. Nhưng tôi đang sống ở thế giới hiện đại của California. Mọi thứ rất an toàn. Tôi nghĩ, thỉnh thoảng đi chân đất cũng chẳng sao cả” - Palmer nói trên Telegraph.
Tuy đã chuyển trụ sở chính tới thung lũng Silicon, Oculus VR vẫn còn một số bộ phận ở Irvine. Palmer thường ghé thăm văn phòng cũ trên ôtô Tesla Model S trị giá 120.000 USD. Ngoài chiếc Tesla, anh giữ một chiếc xe van cũ của hãng GMC - sản xuất từ năm 1986.
Chàng triệu phú trẻ 22 tuổi còn được khen ngợi là người có khiếu hài hước và duyên dáng. Tháng 3 năm ngoái, tại diễn đàn Những nhà phát triển game, Palmer đã tung chiếc áo phông có in hình Oculus VR lên đám đông khán giả để hâm nóng chương trình.
Với thành công rực rỡ ở lứa tuổi còn quá trẻ, Luckey trở thành gương mặt đại diện cho trang bìa của hàng loạt tạp chí danh tiếng trên thế giới như Popular Mechanics, Forbes hay Times.
Gặt hái nhiều thành công, nhưng Palmer Luckey có xu hướng né tránh sự chú ý của dư luận. Anh chia sẻ trên Telegraph: “Lời ca ngợi đó không phải cho tôi mà nên dành cho những điều vĩ đại hơn trong cuộc sống”.
“Chúng ta phát minh ra giày dép để bảo vệ đôi chân trong những môi trường khắc nghiệt. Nhưng tôi đang sống ở thế giới hiện đại của California. Mọi thứ rất an toàn. Tôi nghĩ, thỉnh thoảng đi chân đất cũng chẳng sao cả” - Palmer nói trên Telegraph.