Ngày 27/7, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỷ của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi xoay quanh các giao dịch vay - gửi của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát với nhà băng này.
Bà Bích cho biết, mọi giao dịch của bà với VNCB đều thông qua Hoàng Đình Quyết (Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) và không quen biết với Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB).
Bà Trần Ngọc Bích tại tòa. Ảnh: T.Thanh. |
Đối đáp với bà Bích, bị cáo Quyết khai nhận, chắc chắn Giám đốc Tân Hiệp Phát phải biết Phạm Công Danh. Bởi lẽ, mọi giao dịch của bà Bích với VNCB đều có sự thỏa thuận với Danh.
Tại tòa, bà Bích trình bày, ngày 21/6/2013 có vay khoản tiền 3.100 tỷ đồng của VNCB, thế chấp bằng nhiều sổ tiết kiệm. Việc mượn tiền này mục đích ban đầu là phục vụ hoạt động kinh doanh của gia đình, nhưng sau đó bà đã cho Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, đã ra nước ngoài) mượn lại toàn bộ 3.100 tỷ đồng với lãi suất 1,5%.
Ngày 21/8/2013, sau khi Trang trả tiền, bà Bích đã mang đến trả lại 3.160 tỷ đồng cho VNCB, trong đó gồm tiền gốc và 60 tỷ lãi phát sinh. Cùng hôm đó, bà Bích tiếp tục vay 3.100 tỷ đồng từ VNCB và gửi lại cho chính ngân hàng này.
Trong khi đó, Hoàng Đình Quyết cho rằng, bà Bích đã khai không đúng sự thật. Theo lời bị cáo, khoản tiền 3.100 tỷ bà Bích vay ngày 21/8/2013 là để trả cho cùng số tiền bà này vay 2 tháng trước, chứ không phải là trả nợ rồi mới vay tiếp. Việc này có sự thỏa thuận giữa 2 bên rồi mới tiến hành giao dịch.
Bị cáo Quyết cho biết thêm, ngoài bà Bích thì một số nhân viên trong Công ty Tân Hiệp Phát cũng xác định cầm cố 6 sổ tiết kiệm cho VNCB để vay 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Bích nói rằng, 6 sổ tiết kiệm đó là tiền riêng của nhân viên và bà chưa bao giờ ký vay khoản tiền 300 tỷ đồng.
Cáo trạng thể hiện, thông qua nhân vật có tên Trang Phố Núi, sau này là Hoàng Đình Quyết, bà Bích đã nhiều lần giao dịch vay, gửi tiền với Trustbank (tiền thân của VNCB).
Đến tháng 6/2013, các giao dịch này đã được tất toán, nhưng bà Bích vẫn còn 124 sổ tiết kiệm, trị giá 5.190 tỷ đồng tại VNCB. Tuy nhiên, vào tháng 8/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ tiền của bà Bích sang tài khoản của ông ta tại VNCB. Việc chuyển tiền này không có sự đồng ý và chữ ký hợp lệ của chủ tài khoản là bà Bích.
Giữa tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.
Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.
Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.
Theo cáo trạng hơn 220 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.