Vài ngày trước, báo chí đưa tin ba cô gái lần lượt bị cưỡng hiếp bởi một thiếu gia nhà giàu bằng cách dụ dỗ lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Đến nơi hoang vắng, họ bị khống chế, cưỡng hiếp ngay trên ôtô. Sau đó, thủ phạm ép các thiếu nữ chụp ảnh khỏa thân để uy hiếp tinh thần, không cho tố cáo.
Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình truy tố. Thế nhưng, ba nạn nhân nếu tham gia các diễn đàn dành cho giới trẻ hẳn sẽ rất đau lòng và suy sụp khi bị "ném đá" là "chơi bời, con gái mà đi chơi đêm, tính tình dễ dãi, ăn mặc hở hang, mời gọi".
Đặc biệt, không ít lời buộc tội lại đến từ những người mang giới tính nữ.
Con gái có xu hướng giải tỏa bức xúc lên chính những người cùng giới tính với mình? |
Con gái góp phần làm khổ con gái
Năm 2010, cả xã hội rùng mình vì vụ án giết người man rợ của sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa - sinh viên Đại học Ngoại thương danh tiếng. Nạn nhân là người yêu cũ của Nghĩa. Dù cả hai đều có người yêu mới, cô gái vẫn đến nơi hẹn gặp, phát sinh quan hệ, để rồi bị hạ sát.
Còn bạn gái mới của Nghĩa chắc hẳn không bao giờ quên được cảm giác người mình yêu có qua lại với tình cũ ngay tại phòng của mình, rồi ra tay giết chết cô ấy trong căn nhà mình đang sống. Một vụ án, nhưng có hai nạn nhân là con gái.
Trên mạng xã hội hàng ngày, đầy rẫy những video quay cảnh thiếu nữ đánh ghen bằng hình thức dã man như lột đồ, cạo đầu, bôi ớt vào vùng kín... Không ít cô gái trước khi "hỏi tội" nạn nhân đã thông báo lên Facebook địa điểm, người tham gia, công khai ảnh, đặc điểm của "đối thủ" để kêu gọi sự ủng hộ.
Các vụ đánh ghen diễn ra giữa phụ nữ trung niên, các cô gái, đến cả nữ sinh còn đeo khăn quàng đỏ. Trong khi đó, nhân vật chính là người đàn ông lại ít khi bị nhắc đến.
Trong tháng 5 vừa qua, hàng chục vụ bạo lực học đường diễn ra với người tham gia chủ yếu là con gái. Một nữ sinh cấp 2 tại Phú Yên bị ba cô gái khác liên tục tát, đánh, đạp ngã xuống đất vì nghi ngờ xấu nói trên Facebook.
Ở Lạng Sơn, một cô bé học lớp 9 bị bạn bắt quỳ gối giữa đường, chửi bới và tát liên tiếp vào mặt với lý do "để bị tán tỉnh". Một nhóm nữ sinh Đồng Nai vây đánh dã man bạn học chỉ vì "đi dép giống mình". Hay một cô gái cùng bạn trai đánh đập và chửi bới bạn gái cùng lớp do "ngờ bị nói xấu".
Mới vài ngày trước, nhiều bậc cha mẹ không khỏi bàng hoàng khi biết sự việc cô giáo đánh học sinh nữ sưng mắt, tím mặt bởi viết sai, học chậm.
Tháng 4, người dân thành phố Thái Nguyên đã chứng kiến sự việc bé gái bị mẹ nuôi đánh đập dã man, nhiều lần nhập viện do "thầy bói phán không hợp tuổi"...
Tại sao phái đẹp không biết bảo vệ lẫn nhau?
Một người mẹ bực tức nơi công sở, sẵn sàng nổi cáu, buông những lời mạt sát, mắng chửi con gái mình. Một cô giáo trong phút nóng giận, sẵn sàng giơ tay đánh đến sưng mặt, thâm tím tay chân học trò.
Những cô học trò đang khoác trên mình chiếc áo dài, sẵn sàng lao vào đánh tới tấp, tát chảy máu mũi, đạp liên tiếp người bạn cùng lớp.
Phái đẹp thời nay đang bối xấu hình ảnh của chính mình. |
Nicky Chan thắc mắc: Từ bao giờ, con gái trở thành nơi giải tỏa bức xúc của chính những người con gái khác? Phải chăng, con gái chỉ giỏi làm khổ nhau?
Nguyễn Minh Hương cho biết: "Thời đi học, việc các bạn nữ nói xấu, chê bai, bình luận to nhỏ sau lưng nhau là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều sự việc bạo lực diễn ra giữa các nữ sinh do chính phái nữ xúi giục, 'đổ thêm dầu vào lửa'. Vì sao phái đẹp không biết yêu thương lấy nhau?".
Minh Hương nói thêm, một cô gái từng bị bạo hành hay chứng kiến bạo hành trong quá khứ, có thể sẽ coi việc "thượng cẳng chân, hạ cẳng chân" là bình thường. Sau đó, người đó sẽ lại dùng cách mạt sát, đánh chửi người khác để giải tỏa cơn cáu giận.
Nguyễn Trần Thu Trà (21 tuổi, sinh viên Đại học Kinh doanh Công nghệ) chia sẻ, phái đẹp thường để ý lẫn nhau hơn là các chàng trai.
"Con gái có thể chê bai mọi thứ, một hình xăm, một mái tóc nhuộm, một gương mặt trang điểm kỹ, một bộ quần áo lạ mắt. Chỉ những thứ đơn giản thôi cũng dễ dàng trở thành lý do bị một bạn nữ khác để ý tới và xì xầm to nhỏ".
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Điệp cho biết, việc phái nữ soi xét phái nữ một phần do định kiến giới. "Người ta quen với việc con trai được phép làm những việc phá cách, cá tính. Còn con gái được hy vọng sẽ hiền thục, dịu dàng, dễ thương", TS nói.
Vị tiến sĩ đưa ví dụ, trong một gia đinh, người đàn ông hết giờ làm, cùng bạn bè la cà trong quán bia đến tối mịt mới về. Tại những quán bia như thế, có rất ít phụ nữ. Ở gia đình, người ta cũng thường dạy con trai phải mạnh mẽ, con gái thì phải biết nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa...
Cùng đi học, nhưng con trai được hướng tới học vị cao, nghiên cứu lâu dài. Còn nữ sinh bị gò bó vì "con gái học cao dễ ế".
Trong các quảng cáo trên truyền hình: Người vợ nhờ có gia vị mà nấu được món ăn ngon, người chồng đi làm về, com-lê cà vạt, nếm thử rồi khen vợ đảm, gia đình thật ấm cúng. Cũng lại người vợ, nhờ có bột giặt tốt mà nhàn hơn trong công việc giặt giũ, giúp cho quần áo của cả nhà sạch sẽ thơm tho…
"Sau đó, chính những người phụ nữ đó lại dạy con gái, cháu gái, học sinh nữ của mình về trách nhiệm và khác biệt giữa con gái - con trai. Dần dần, phái đẹp không chấp nhận người cùng giới tính có điều gì khác mình. Họ trở nên soi xét, đánh giá lên những người con gái khác, vô tình làm sự bất bình đẳng giới trở nên rõ ràng hơn.
Thậm chí, trong một vài trường hợp, phụ nữ áp dụng bạo lực lên nhau vì có định kiến đây là phái yếu, dễ bắt nạt, dễ phục tùng hơn.
Rõ ràng những ứng xử bất bình đẳng kiểu này hoàn toàn không phải do thiên chức hay sinh lý của phụ nữ khác với nam giới, mà hoàn toàn là do định kiến xã hội gây ra", TS Điệp cho biết thêm.
Đã đến lúc, các cô gái phải biết bảo vệ lẫn nhau. Cùng là phái đẹp, nếu không biết yêu thương nhau, phải chờ đến bao giờ đây?