Phát hiện này là một trong những nghiên cứu gần đây của hai giáo sư tâm lý học Daniel và Susan Voyer thuộc trường ĐH New Brunswick.
Kết quả trên được đưa ra dựa vào phân tích số liệu từ 369 nghiên cứu, bao gồm điểm số của hơn một triệu nam sinh và nữ sinh đến từ 30 quốc gia khác nhau.
Các chuyên gia đã kết luận rằng, con gái đạt điểm cao hơn con trai trong hầu hết mọi môn học, bao gồm cả những lĩnh vực về khoa học mà lâu nay người ta vẫn tưởng rằng con trai luôn vượt trội con gái.
Một điều nữa mà ít người biết đến, tỉ lệ nhập học đại học cũng có sự chênh lệch về giới tính. Số liệu mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu Pew sử dụng dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ cho biết, trong năm 2012, 71% nữ giới tốt nghiệp trung học tiếp tục học đại học, còn con số này ở nam giới chỉ là 61%.
Trong khi đó vào năm 1994, con số này tương ứng là 63% và 61%. Nói cách khác, tỷ lệ nhập học đại học ở nữ giới đang tăng lên còn với nam giới vẫn không thay đổi. Vậy có phải trường học ưu tiên cho nữ giới và gây khó khăn cho nam giới trong quá trình học không?
Chúng ta cùng bắt đầu đi tìm lời giải từ bậc học mẫu giáo. Tiến sĩ Claire Cameron Ponitz tới từ Trung tâm Nghiên cứu nâng cao về giảng dạy và học tập ở ĐH Virginia đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về việc học tập của trẻ ở bậc mẫu giáo.
Bà nhận ra rằng, những đứa trẻ có biểu hiện tích cực ở một lớp mẫu giáo có khả năng tự điều chỉnh bản thân tốt hơn. Kết luận nhận được khá nhiều sự quan tâm từ các giáo viên và nhà tâm lý học.
Bởi họ cho rằng, điều này liên quan tới những hành vi kỷ luật trong lớp học như giơ tay, xếp hàng, nghe và làm theo hướng dẫn của giáo viên, hạn chế nói tự do.
Những kĩ năng này chính là điều kiện tiên quyết trong định hướng học tập ở hầu hết lớp mẫu giáo nói chung, cũng như là điều cơ bản để thành công trong cuộc sống.
Và kết quả là những cô bé ở lớp mẫu giáo có khả năng tự điều chỉnh tốt hơn nhiều so với những cậu bé. Một vài năm trước, Ponitz và đồng nghiệp của cô kiểm chứng điều này bằng trò chơi “đầu – ngón chân – đầu gối – vai”.
Những trợ lý nghiên cứu đánh giá đứa trẻ dựa trên khả năng làm theo hướng dẫn đúng và không bị mất tập trung bởi những yếu tố bên ngoài.
Ở vài trường hợp, những đứa trẻ sẽ phải chạm vào Vai khi chúng được yêu cầu chạm vào Đầu. Tư duy và nắm được quy tắc “Chạm vào Đầu nghĩa là chạm vào Vai”, phản xạ ngay lập tức không chạm vào Đầu là ví dụ tốt cho khả năng tự điều chỉnh bản thân.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, các cậu bé phát triển chậm hơn một năm so với cô bé trong mọi yếu tố ở khả năng tự điều chỉnh bản thân. Kết thúc lớp mẫu giáo, các bé trai mới bắt đầu đạt được những kĩ năng mà bé gái đã có từ đầu năm.
Những bé gái tiếp tục thể hiện sự vượt trội của mình ở khả năng này khi vào trung học và xa hơn nữa. Trong một nghiên cứu năm 2006, Martin Seligman và Angela Lee Duckworth nhận ra những nữ sinh trung học có khả năng tự giác kỷ luật hơn nhiều so với nam sinh cùng lứa tuổi.
Điều này đóng góp rất nhiều vào điểm số của nữ sinh ở tất cả các môn học. Những cô gái thể hiện khả năng tốt hơn ở việc “đọc hướng dẫn trước khi làm bài”, “chú ý giáo viên giảng hơn là ngồi mơ mộng”, “làm bài tập hơn là xem TV”, “tính kiên nhẫn khi làm những bài tập dài”.
Những nhà khoa học hàng đầu ở ĐH Pennsylvania phát hiện ra rằng, con gái bắt đầu làm bài tập trong ngày sớm hơn và dành gấp đôi thời gian học so với con trai.
Bởi vậy, điểm trung bình của con gái cao hơn ở mọi môn học, bao gồm cả toán cơ bản và nâng cao – môn học vốn là thế mạnh của con trai là điều dễ hiểu.
Tiến sĩ Seligman, Duckworth cho rằng, những em bé gái luôn tự giác và kiên trì, tận tâm với thử thách của mình. Sự tận tâm này thể hiện ở chỗ chăm chỉ ghi bài, chú ý nghe giảng và ghi nhớ tốt hơn trong giờ.
Chính sự yếu kém này đã khiến cho nam sinh gặp bất lợi ở môi trường học tập, không chỉ ở phần tiếp nhận mà còn ở vấn đề sắp xếp kiến thức thu được.
Giáo sư tâm lý Gwen Kenney-Benson ở ĐH Allegheny cho rằng, nữ sinh thành công hơn nam sinh là do có khả năng định hướng tốt hơn – đặt rõ mục tiêu, nỗ lực để thực hiện, gây ấn tượng với người đối diện. Nhưng xu hướng học tập của nam sinh khác với nữ sinh.
Với tâm lý thoải mái, những nam sinh làm bài kiểm tra với tâm lý thoải mái, trái lại – nữ sinh thường cảm thấy áp lực, lo lắng nên thể hiện không tốt, dẫn đến nhiều nhận định sai lầm. Các chuyên gia kết luận rằng: “Những bài kiểm tra tình huống khiến nữ sinh lúng túng còn tinh thần học của nam sinh luôn ở mức không cao”.
Không những thế, việc chấm điểm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả học tập của học sinh. Hầu hết các trường đều có thang điểm về nề nếp học tập (điểm kỹ năng sống) và điểm kiến thức.
Chính vì con trai thường không chăm chỉ, tận tâm nên việc họ nộp bài luận muộn hay thiếu sót, bỏ quên một vài câu hỏi trong bài là thường xuyên. Điều này dẫn đến điểm số trung bình con trai thường thấp hơn.
Tất nhiên, còn nhiều kỹ năng khác được trau dồi trong không chỉ lớp học mà còn ở ngoài đời sống. Tất cả chúng đều sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của nam – nữ sinh. Và theo các chuyên gia, để giải quyết được sự chênh lệch này cần có sự trợ giúp của gia đình và nhà trường. Tuy vậy, có thể nói rằng, nữ sinh học giỏi hơn các nam sinh.
Bài viết thể hiện quan điểm của nhà nghiên cứu Claire Cameron Ponitz trên trang Quartz.