Ngày nào cũng vậy, mọi người trong cơ quan thường thấy chị Thanh (Hà Nội) tranh thủ giờ nghỉ trưa để vào mạng tìm đọc những bài văn mẫu hay và in về cho cô con gái đang học lớp 6 tham khảo.
Mọi người thắc mắc, chị giải thích: Bây giờ chúng nó lười lắm, cứ nói đến viết văn là bảo khó, không biết diễn đạt thế nào. Môn văn cũng là môn cháu học kém nhất. Mình thì bận nhiều việc nên không thể ngồi nghĩ ý tưởng rồi hướng dẫn con viết được.
Chị cũng cho biết, để con học tốt môn văn chị không tiếc tiền mua rất nhiều sách tham khảo nhưng vẫn chẳng có nhiều tác dụng. Con gái học lớp 6 rồi mà vẫn chưa biết hành văn nên cũng sốt ruột, chưa biết tháo gỡ thế nào?
Đem câu chuyện của chị Thanh đi trao đổi với các phụ huynh khác thì nhận thấy – con gái chị Thanh không phải cá biệt.
Ảnh minh họa. |
Con gái chị Hằng (Hải Phòng) năm nay học lớp 3 nhưng rất sợ học tiếng Việt. Mặc dù đã làm quen với Tập làm văn từ lớp 2 nhưng đến nay con chị vẫn không viết nổi một đoạn văn ngắn 5-7 câu.
Ngoài việc viết theo đúng bài văn mẫu hoặc gợi ý của cô giáo thì con không biết dùng từ ngữ như thế nào. Mỗi khi làm văn con liên tục hỏi mẹ. Bảo con đọc những bài văn mẫu trong sách để tham khảo cách viết thì nó bê nguyên vào vở. Còn chị vốn không có khiếu văn chương và thiếu kiên nhẫn nên cũng “bó tay” với việc dạy con.
Chung cảnh ngộ, chị Quỳnh (Đội Cấn, Hà Nội) cũng cho rằng, bây giờ rất nhiều học sinh không thích học văn, nhất là môn học Tập làm văn khiến bọn trẻ sợ. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ con không có được cảm hứng và yêu thích viết văn thì càng học lên cao, môn văn sẽ luôn là nỗi ám ảnh.
Theo chị, ngoài cô giáo thì bố mẹ cũng có thể giúp con yêu thích và học tốt môn văn ngay từ bé. Như cậu con trai của chị, năm học lớp 2 hầu hết các đoạn văn đều được mẹ mớm lời và gợi ý cụ thể từng câu từng ý nhưng khi lên lớp 3 đã có thể tự làm một bài hoàn chỉnh.
Chị nhận thấy, hạn chế lớn nhất của con là không có vốn từ để diễn đạt, nhiều khi biết từ đó nhưng lại không hiểu hết nghĩa và không biết sử dụng như nào. Trên lớp, cô giáo hướng dẫn viết thế nào thì về nhà con cứ rập khuân theo y hệt. Nếu tả hồ Gươm nhất định phải viết “mặt hồ như một chiếc gương soi khổng lồ”. Viết thư hỏi thăm ông bà ở quê sẽ có câu: Thư đã dài, cháu xin dừng bút ở đây. Hẹn thư sau cháu sẽ viết dài hơn…
Vốn quan tâm đến kết quả học tập của con nên hàng ngày chị đều kèm con học bài rất sát sao.
Tất cả những bài chính tả, trả lời câu hỏi sau các bài đọc, luyện từ - câu, chị đều yêu cầu con làm gọn gàng và thường xuyên kiểm tra lại. Chị cho rằng, việc làm các bài tập này sẽ giúp con tích lũy được vốn từ cần thiết sau mỗi bài học.
Cô giáo hướng dẫn con cách viết văn là cần thiết nhưng cũng tạo thành một khuân mẫu khiến bọn trẻ không dám viết theo ý mình vì sợ sai, sợ không hay.
Cũng vì không thể nhớ hoàn toàn các bài văn mẫu nên khi viết sẽ rối tung các ý, thừa thiếu từ ngữ.
Đọc một đoạn văn con viết nhiều lúc chị không nhịn được cười vì sự thiếu trước, hụt sau, chẳng câu nào được đầy đủ từ ngữ kiểu như: Buổi sáng các bác nông dân đã làm việc, nhưng các bác vẫn mỉm cười.
Để con không sợ viết văn
Chị Quỳnh đã cất công sưu tầm những bài văn mẫu hay nhưng không cho con tự đọc trước. Chị sẽ hướng dẫn, gợi ý con cách triển khai các ý theo yêu cầu của đề bài.
Ví dụ, với đề bài tả về cuộc sống ở nông thôn thì câu mở đầu cần giới thiệu được quê hương của mình hoặc một vùng quê nào đó con đã có dịp đến thăm. Sau khi đã có câu mở đầu, chị gợi ý con nhớ lại những hình ảnh, những câu chuyện đã trải qua ở quê.
Từ những chuyện con nhớ được, chị sẽ hướng dẫn con sắp xếp theo trật tự, rồi viết thành câu hoàn chỉnh. Tất cả sẽ theo đúng như nhưng trải nghiệm mà con đã thực sự có được trong thực tế.
Sau khi con hoàn thành bài văn của mình, chị sẽ cho con đọc thêm bài văn mẫu để có sự so sánh, rút kinh nghiệm trong cách kể chuyện, cách dùng từ. Qua cách học này, chị nhận thấy con có thể nảy sinh rất nhiều ý tưởng, cảm xúc mà chị không thể nghĩ thay được.
Theo chị, việc hướng dẫn, đọc cho con viết sẽ khiến thằng bé rất nhanh quên hoặc chỉ nhớ lõm bõm. Những từ ngữ miêu tả bóng bẩy, giàu hình ảnh trẻ lại càng nhanh quên vì chưa hiểu hết ý nghĩa.
Để con có vốn từ phong phú thì việc đọc nhiều sách báo là rất quan trọng.
Trong khi trẻ con bây giờ chỉ say mê với truyện tranh, phim hoạt hình với những ngôn ngữ giản đơn, khô khan. Để khắc phục tình trạng này, chị luôn yêu cầu con đọc thuộc lòng và hiểu được nội dung những bài văn trong sách giáo khoa. Ngoài việc mua cho con những cuốn truyện tranh yêu thích, chị cũng mua truyện ngắn dành cho thiếu nhi và báo học trò để con đọc.
Việc luyện từ theo chị là rất quan trọng bởi ngôn ngữ nói và viết khác nhau, nhiều khi con nói sao viết vậy. Với những từ con không hiểu chị đều lấy ví dụ cụ thể trong đời sống để minh họa. Không chỉ học trong sách, chị Quỳnh còn chú ý sử dụng những từ ngữ miêu tả giàu hình ảnh trong cuộc sống để con quen với điều đó.
Dần dần, chị cũng khắc phục được hạn chế trong cách sử dụng từ ngữ của con, các bài tập làm văn cũng không còn ngắc ngứ nữa. Quan trọng nhất là con đã không còn sợ viết đoạn văn nữa. Những lời than vãn: Mẹ ơi, con không biết viết đâu, đã thành chuyện quá khứ - Chị vui vẻ cho biết.