Sau khi Zing.vn đăng bài ‘Danh hiệu học sinh khen từng mặt’ khiến phụ huynh đau đầu, nhiều bạn đọc chia sẻ những câu chuyện dở khóc, cười. Trong đó, những danh hiệu như “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, “Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học” hay “Có tinh thần tương thân tương ái”... khiến không ít phụ huynh hoang mang vì không biết thành tích của con họ đang ở mức nào.
Độc giả Phạm Hạnh cho biết, cuối học kỳ vừa rồi, con chị thi được 9,5 điểm môn Toán và Tiếng Việt. Cuối năm, cô bé nhận giấy khen với danh hiệu “Hoàn thành tốt nội dung môn Toán và Tiếng Việt”. Kết quả này khiến gia đình hoang mang. Chị tưởng con gái không hoàn thành các môn khác nên hỏi cô giáo và nhận lại câu trả lời chưa thỏa đáng.
“Tôi rất bức xúc và gọi điện hỏi, cô nói là theo Thông tư 30 còn phải căn cứ phẩm chất và năng lực. Tôi hỏi cụ thể là gì thì cô giáo nói gồm nhiều thứ”, chị Phạm Hạnh cho biết.
Theo nữ phụ huynh, cách khen thưởng của giáo viên và nhà trường không công bằng, phần lớn còn dựa vào chỉ tiêu từ trên giao xuống để bình xét.
Loạn giấy khen nên "mất giá"
Nhiều phụ huynh cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 30, hầu hết học sinh đều được nhận giấy khen. Giáo viên cũng phải suy nghĩ ra đủ loại danh hiệu để khen thưởng học sinh, thậm chí cả những em chưa đạt thành tích tốt, vì “quan điểm chung là không chê em nào”.
Như trường hợp lớp con gái chị Phạm Hạnh, 48/54 học sinh nhận danh hiệu “Học sinh toàn diện”.
“Con tôi học lớp 1, lớp có 40 em, thì 39 em được khen. 29 em Hoàn thành xuất sắc, 10 em Hoàn thành. Còn một em chắc không thể khen nổi nên cô giáo tặng quyển vở động viên!”, độc giả tên Phương viết.
Tình trạng phần lớn học sinh trong lớp nhận giấy khen, một số em thậm chí nhận vài loại giấy khen không còn hiếm kể từ khi việc xếp loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu bị hủy bỏ.
Trước tình trạng giấy khen, danh hiệu khen thưởng tràn lan, nhiều người nhận định, hiện tại, giấy khen dùng để phát chứ không phải trao tặng.
Bạn đọc Tường Vy bình luận: “Thời đại công nghệ tiên tiến nên ai cũng giỏi, cũng được khen thưởng? Còn đâu thời được nhận giấy khen là niềm hạnh phúc, tự hào rất lớn? Nhớ ngày xưa được giấy khen tối về ôm quà với giấy khen để ngủ luôn; ra đường gặp bà con làng xóm cũng rất hãnh diện trả lời con được nhận giấy khen và có quà!”.
Nhiều người cảm thấy, giấy khen nhiều, danh hiệu đa dạng nhưng không còn “chất” như trước. Việc khen thưởng tràn lan làm mất đi giá trị đích thực của giấy khen.
Các phụ huynh thì chia sẻ, con nhận giấy khen, họ rất vui nhưng khi biết hầu hết học sinh trong lớp cũng được khen với đủ loại danh hiệu thì lại sững sờ, hụt hẫng, cảm thấy, "khen cho có".
Những tờ giấy khen phát tràn lan khiến học sinh không còn biết trân trọng, phụ huynh hụt hẫng. Ảnh: Chúng tôi là giáo viên tiểu học.
|
Một số người suy nghĩ tiêu cực hơn cho rằng, việc in giấy khen không mấy tốn kém nên trường tiếc gì mà không cho mỗi em một cái để các em vui, phụ huynh hài lòng, giáo viên đỡ khó xử.
Ngoài ra, thay vì mang tính khích lệ tinh thần học tập, việc lấy giấy khen quá dễ cũng khiến học sinh mất động lực phấn đấu.
“Khen tùm lum như vậy khiến các cháu tưởng mình đã tốt, giỏi và mất mục tiêu phấn đấu”, độc giả Ngọc Tuân nhận xét.
Một số phụ huynh chỉ căn cứ danh hiệu con nhận được mà không bỏ thời gian tìm hiểu lực học thực sự của con. Thấy giáo viên nhận xét “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “giỏi toàn diện”, họ mặc định là con đã tốt và vô tư đi khoe với bạn bè. Không ít người phải ngỡ ngàng khi thực tế không như những gì được ghi trong giấy khen.
Bên cạnh đó, với việc khen thưởng tràn lan như hiện nay, học sinh cầm giấy khen nhưng không trân trọng nó, phụ huynh thấy con được thưởng mà không thể vui mừng, hãnh diện.
Giáo viên cũng nhiều áp lực
Trước tình trạng loạn khen thưởng, không ít độc giả chỉ trích giáo viên khi đưa ra những danh hiệu khó hiểu, ngô nghê. Ngược lại, một số bạn đọc tỏ ra thông cảm với nhà trường.
Trước hết, giáo viên chịu áp lực từ phía phụ huynh. Nhiều người không hài lòng vì con họ không nhận được giấy khen, trong khi các bạn cùng lớp đều có. Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn thích so sánh con mình với con nhà người ta và luôn muốn con “có cái gì đó để khoe với thiên hạ”.
Nhiều bạn đọc cho rằng, giáo viên chịu một phần trách nhiệm trước tình trạng loạn giấy khen nhưng họ chỉ thực hiện theo Thông tư 30 với nguyên tắc “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của họ sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng”.
“Đừng đổ lỗi cho giáo viên nhà trường. Khi chưa có công văn về việc làm giấy khen, nhận xét như thế nào, mỗi trường hiểu sao làm vậy nên mới dẫn đến tình trạng này”, độc giả Đăng Khoa bình luận.