Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Con ở lại ăn trưa, cô gửi tiền rồi, đừng lo!’

Gần 10 năm qua, thương học trò nghèo luôn vươn lên trong học tập, các thầy cô tại trường THPT Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM, đã quyên góp tiền chăm lo bữa cơm cho các em.

11h30, tiếng chuông reng báo hiệu hết giờ học buổi sáng. Tại một căn phòng nhỏ, cơm canh, đồ ăn thơm ngon đã được chuẩn bị sẵn dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các em xếp hàng trật tự rồi lần lượt đưa những tấm phiếu đã được phát sẵn cho cô phục vụ để nhận phần ăn trưa miễn phí.

“Nhiều hôm em phải nhịn đói đến trường”

Bê phần ăn trên tay, Nguyễn Cường Đạt, học sinh lớp 10A1, bày tỏ: “Nhờ có những bữa cơm như thế này, em không còn phải xin mẹ tiền ăn nữa. 20.000 đồng đối với nhiều người là khoản tiền rất nhỏ nhưng với em đó là khoản tiền không dễ dàng có được”.

Nhà em ở cách xa trường. Để đi học, em phải đạp xe đến gửi ở chợ rồi đi xe buýt tới trường. Nhà chỉ có hai chị em. Khi em học hết tiểu học thì cha bỏ mẹ. Mọi gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ. Giờ đây mẹ đã lớn tuổi, chị em đi làm công nhân, dù đã lập gia đình nhưng chị vẫn phải lo lắng cho cả nhà.

“Hồi học cấp 2, nhà xa em phải ở lại trường. Nhiều hôm em đã nhịn đói vì không có tiền để ăn trưa. Lên lớp 10, em cũng phải ở lại trường. Có nhiều hôm không có tiền, em cố gắng đi về nhưng kiệt sức”, nói đến đây, giọng em run run, đôi mắt ướt lệ.

“Từ khi nhận được những phiếu ăn này, em không còn phải lo lắng về việc trưa nay sẽ ăn gì. Em muốn gửi lời cám ơn tới các thầy cô đã quan tâm đến em. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này khi thành đạt sẽ quay lại trường tiếp tục thực hiện chương trình ý nghĩa” - Đạt nói thêm.

Sau giờ ăn, Đạt lại cùng bạn bè ngồi tranh thủ ôn bài trước khi bước vào tiết học buổi chiều.

Cùng suy nghĩ, Trần Hải, học sinh lớp 11A10, chia sẻ: “Từ khi nhận được những phiếu ăn miễn phí từ thầy cô, em thấy rất vui. Nó chỉ là một bữa trưa nhưng trong đó chan chứa tình thương của mọi người dành cho em. Em tự hứa phải sống và học thật tốt để xứng đáng với tấm lòng mà cô thầy đã dành cho em”.

Hải cho biết em sinh ra trong gia đình làm nông. Nhà có bốn anh chị em nhưng chỉ có mình em còn đi học. Cuộc sống khó khăn, cha mẹ không có việc làm ổn định nên lo cho em ăn học là cả vấn đề. “Từ khi có được những suất ăn này, cha mẹ em cũng đỡ được một phần chi phí” - Hải tâm sự.

thay co quyen gop tien cham lo bua com cho hoc sinh anh 1
Các em học sinh nhận những phần ăn miễn phí từ chương trình Bữa cơm tình thương. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Giáo viên và phụ huynh cùng chung tay

Người đưa ra ý tưởng thực hiện chương trình Bữa cơm tình thương chính là cô Võ Thị Mỹ Phượng, giáo viên Văn của trường.

Cô Phượng cho biết học sinh trong trường đa số có cha mẹ làm nông, làm công nhân, có em cha mẹ ly hôn, nhiều gia đình ở trọ nên cuộc sống khá khó khăn. Là giáo viên chủ nhiệm nên cô luôn gắn bó với học trò và biết rõ hoàn cảnh của mỗi em. Cô đặc biệt chú ý đến gia cảnh của em Ngọc Lợi.

Cha mẹ Lợi ly hôn từ nhỏ, một mình mẹ phải đi làm thuê nuôi ba chị em. Nhà cách trường 10 cây số nên mỗi ngày em phải đạp xe từ nhà đến trường. Nhiều hôm để ý, cô thấy dù trời nắng chói chang nhưng trưa em vẫn đạp xe về nhà rồi đầu giờ chiều quay lại trường.

“Thấy em mồ hôi nhễ nhại, tôi hỏi: “Sao con lại chạy về giữa trời nắng gay gắt như thế?”. Em nói phải chạy về nhà ăn cơm vì mỗi ngày mẹ chỉ cho đúng 2.000 đồng để gửi xe. Tôi bảo: “Học xong con cứ ở lại trường nghỉ ngơi. Cô sẽ nhờ căn tin nấu cơm cho con. Cô sẽ gửi tiền ăn cho họ nên con đừng lo nhé. Con ở lại ăn uống nghỉ ngơi mới có sức để học bài” - cô Phượng nhớ lại.

Sau đó cô Phượng trình bày sự việc cũng như ý định của mình lên chi bộ và ban giám hiệu nhà trường. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa và thiết thực nên ban giám hiệu đồng ý, nhờ các thầy cô chủ nhiệm rà soát các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để mọi người cùng hỗ trợ cho các em. Bữa cơm tình thương ra đời từ đó.

Vào đầu năm học, các giáo viên chủ nhiệm sẽ tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, sau đó đề xuất cho trường. Đầu tuần tổ giám thị sẽ phát phiếu ăn cho các em. Hiện có 30 học sinh tham dự chương trình và chương trình đang mở rộng ra ở các khối lớp. 

Cũng theo cô Phương, nhờ có chương trình, nhiều học sinh đã được giúp đỡ. “Tôi còn nhớ có em nhà gần trường, cha bị liệt nằm một chỗ nên cứ buổi trưa em phải chạy về chăm sóc, nấu ăn cho cha. Từ khi Bữa ăn tình thương ra đời, em đã nhận phần ăn đó rồi mang về nhà chia sẻ cùng cha mình”.

“Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi thực hiện và duy trì được chương trình cho tới ngày hôm nay chính là việc giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục việc học” - cô Phương nói.

Ông Lê Phú Hải, Phó hiệu trưởng trường THPT Đa Phước, chia sẻ thêm chương trình này xuất phát từ thời hiệu trưởng tiền nhiệm. Nhận thấy đây là một chương trình nhân văn nên nhà trường khuyến khích các thầy cô tiếp tục phát huy. Ngoài sự quyên góp từ thầy cô, chương trình còn nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh.

“Khi mới thực hiện, biết các em sẽ không tránh khỏi mặc cảm khi nhận những phần cơm này nên nhà trường đã tổ chức một cuộc trò chuyện thân mật. Sau buổi nói chuyện, các em đều hiểu được đó là tình cảm mà mọi người dành cho nên đều vui vẻ nhận những suất ăn” - ông Hải nói.

Cựu học sinh chung tay với chương trình

Chương trình đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cựu học sinh sau khi ra trường. Có em gặp tôi thổ lộ: “Đã nhiều năm trôi qua nhưng cô và trường vẫn dành tình cảm của mình đối với các em đặc biệt sâu sắc. Vì thế, khi đã có công ăn việc làm ổn định, em muốn được đồng hành với trường để tiếp thêm sức mạnh cho các em. Nghe những câu nói đó tôi lại cảm thấy việc làm của mình đầy ý nghĩa”, cô Võ Thị Mỹ Phượng chia sẻ.

Tạm dừng ăn bán trú ở trường có 130 trẻ nhập viện

Sau vụ 130 trẻ của trường Mầm non Tư thực Vườn Mặt Trời (phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, việc ăn bán trú tạm dừng cho đến khi có kết luận.

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/con-o-lai-an-trua-co-gui-tien-roi-dung-lo-879668.html

Theo Nguyễn Quyên / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm