Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con rể đòi bố vợ 200 triệu đồng khi ly hôn

Gạt nước mắt về cuộc hôn nhân tan vỡ, chị Hương tiếp tục hầu tòa để gắng bảo vệ bố đẻ trước “món nợ” của chồng cũ.

Hơn một năm trước, chị Hương (39 tuổi, ở Hà Nội) ra tòa theo đơn ly hôn đơn phương của chồng là anh Phúc (40 tuổi). Gạt nước mắt về cuộc hôn nhân tan vỡ, một ngày trung tuần tháng 8, người phụ nữ tuổi trung niên tiếp tục đứng trước công đường để bảo vệ quyền lợi của bố đẻ.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của ông Thành (70 tuổi) – người được xác định với vai trò là có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ ly hôn năm 2013 của vợ chồng Hương. Dù là nguyên đơn của vụ kiện nhưng anh Phúc vắng mặt và cũng không ủy quyền cho ai đến tham dự.

Không có bên đối đáp nên phiên tòa diễn ra chóng vánh. Chị Hương ngồi lặng lẽ với vị luật sư đại diện cho ông Thành tại tòa.

Theo lời trình bày, cuộc hôn nhân của vợ chồng Hương kéo hơn 10 năm. Họ có hai con (7 và 9 tuổi).

Tổ ấm của cặp đôi (vợ là công an khối hậu cần, chồng là thuyền viên) từng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Chừng đó năm chung sống, chị Hương đã gắng sức vun vén, xây đắp để chồng yên tâm công tác.

Giọng chua xót lẫn nuối tiếc, người phụ nữ tuổi trung niên kể, ngày phát hiện anh Phúc có quan hệ ngoài luồng rồi về nhà đánh đập vợ, con, chị vẫn nén nỗi đau tìm cách níu kéo.

"Tôi không nhờ ai can thiệp cũng vì tính sĩ diện không muốn ai biết chuyện gia đình tôi tan nát như nào. Đến khi anh đánh tôi trước mặt bố vợ thì mọi chuyện không thể giấu kín được nữa”, chị Hương nói.

Người phụ nữ bảo, chị đã phải sống khắc khoải với niềm hy vọng mong manh sau chuyến đi tàu viễn dương, anh sẽ suy nghĩ lại. Nào ngờ ngày chuyến tàu cập bến cũng là lúc anh Phúc kịp thảo lá đơn ly hôn đơn phương và đâm đơn kiện lên cơ quan vợ.

Điều khiến chị đau lòng nhất là tại phiên sơ thẩm xét xử ly hôn, anh Phúc nằng nặc đòi bố vợ phải trả lại nửa số tiền 400 triệu đồng đưa vào năm 2012. Lý do là thời điểm đó, anh Phúc mượn tiền của anh trai để mang sang cho ông Thành mượn đáo hạn ngân hàng.

TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên ông Thành phải có nghĩa vụ trả lại cho con rể 200 triệu đồng. Cho rằng bản án trên không khách quan, vi phạm tố tụng và gây bức xúc, ông lão đã kháng án lên tòa cấp phúc thẩm.

Bênh vực bố đẻ, chị Hương trình bày năm 2012, vợ chồng chị mang 400 triệu đồng nhưng ông Thành không lấy. Số tiền này được chị mang về để nuôi con nhỏ.  

“Bố từng giúp đỡ chúng tôi quá nhiều. Còn anh ta viện đủ lý không đưa tiền, khi thì nói do tiền đi tàu không minh bạch không gửi qua tài khoản cho tôi. Tôi phải giữ tiền đó để nuôi con”, chị Hương nói.

Người phụ nữ này cũng khai thêm khoản vay ngân hàng là do chị gái đứng tên, không phải ông Thành. Bác bỏ lời khai trên, tòa cung cấp bản giao kèo hai vợ chồng chị Hương viết trước khi phiên xử sơ thẩm diễn ra. Trong đó ghi nội dung hai người đồng ý giữ lại số tiền 400 triệu đồng do chồng là anh Phúc vay cho gia đình bố vợ với thỏa thuận cho 2 cháu sau này.

Chị Hương bức xúc: “Toàn bộ chữ viết trong bản giao kèo là của anh Phúc. Lúc đó anh ta dí dao khống chế bắt ký vào đó. Tòa có thể nhìn thấy chữ ký của tôi run rẩy”. Tuy nhiên, chị này không đưa ra được bằng chứng cụ thể và chỉ có lá đơn xác nhận của tổ dân phố về vụ việc trên.

TAND TP Hà Nội nhận định trong hồ sơ thể hiện có việc hai vợ chồng chị Hương mang số tiền 400 triệu đồng đưa cho ông Thành để trả nợ ngân hàng. Mặc dù tại tòa ông Thành không nhận cầm số tiền trên nhưng lại không đưa ra được tài liệu chứng minh.

Sau giờ nghị án, tòa tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận đơn ly hôn và giao hai con chung cho chị Hương nuôi dưỡng; mỗi tháng anh Phúc phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 5 triệu đồng. Còn phía ông Thành phải hoàn trả cho anh Phúc, chị Hương mỗi người 200 triệu đồng.

Khi bản án đưa ra, dáng người phụ nữ tuổi trung niên lững thững giữa sân tòa với nét u buồn trên gương mặt.

*Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm