Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Con tôi cần học kỹ năng sinh tồn hơn là lý thuyết suông'

Trong khi ở một số quốc gia tiên tiến, trẻ được học kỹ năng sinh tồn từ sớm, thì ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.

Vụ việc 8 nam sinh chết đuối khi chơi ở bãi cát ven sông Đà, Hòa Bình, vừa qua một lần nữa khiến dư luận đau xót. Trước đó, hồi tháng hai, 9 học sinh Quảng Nam rủ nhau tắm biển khiến 6 em đuối nước tử vong. Tháng 9 năm ngoái, một vụ đuối nước thương tâm khác cướp đi tính mạng của 2 nữ sinh ở Quảng Ngãi.

Các vụ đuối nước, tai nạn xảy ra khiến nhiều người, đặc biệt các bậc phụ huynh không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới, lo lắng cho an toàn của con trẻ.

Ở nhiều nước, đặc biệt những quốc gia đang phát triển, học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng, cũng như chưa được học kỹ năng bảo vệ mình trong tình huống nguy hiểm. Vì vậy, dạy trẻ kỹ năng sinh tồn trong những tình huống cụ thể cũng là chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh ở các quốc gia trên thế giới.

Kỹ năng sinh tồn cứu sống trẻ lúc hiểm nguy

Theo CNN, 2 chị em nhà Carrico sống cùng bố mẹ trong nông trại rộng hơn 32 ha ở Garberville, hạt Humboldt, bang California, Mỹ.

Chiều 1/3, Caroline Carrico (5 tuổi) và Leia Carrico (8 tuổi) dạo chơi quanh nông trại, rồi lạc vào rừng, không tìm thấy đường ra. Ban đầu, Travis Carrico và vợ không hề lo lắng vì con gái thường xuyên chơi đùa bên ngoài. Nhưng khi màn đêm buông xuống mà con chưa về, họ bắt đầu hoảng loạn. Hai ngày tiếp đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời vợ chồng Carrico.

giao duc ky nang tu bao ve cho tre anh 1
Leia và Caroline bị mất nước nhẹ và cảm lạnh sau hai ngày lạc trong rừng. Ảnh: Twitter.

Caroline và Leia đi loanh quanh trong khu rừng cách nhà hơn 2 km. Khi nhận ra mình bị lạc, 2 cô bé quyết định dừng lại, tìm chỗ trú ẩn, tránh bị lạc xa hơn và tin rằng người lớn sẽ tìm thấy mình.

Nhờ kỹ năng học được trước đó, 2 em trú ẩn dưới cành cây lớn, uống nước từ lá cây và dùng áo mưa đắp thay chăn. Việc không di chuyển giúp hai bé tránh đi xa và có thể gặp thêm nguy hiểm.

“Chúng cháu lạnh đến mức tay trắng bệch. Bụng kêu ầm ĩ cả đêm vì đói”, Leia kể. May mắn, 2 cô bé kiên trì chống đỡ được đến lúc cảnh sát tìm ra và đưa trở về an toàn.

Tháng 6/2016, một câu chuyện thần kỳ hơn xảy ra khi cậu bé 7 tuổi người Nhật Bản sống sót sau khi lạc trong rừng 6 ngày. Trên đường trở về từ chuyến đi chơi, bố mẹ Yamato Tanooka bắt cậu bé xuống xe để trừng phạt vì hành vi ném đá lung tung. Ít phút sau, họ quay lại nhưng không thấy con trai ở đó.

Chỉ mặc áo phông và quần jean, Yamato đi bộ trong khu rừng rậm giữa lúc thời tiết 9 độ C. Sau khi không tìm được con, bố mẹ Yamato báo cảnh sát. Cơ quan chức năng huy động đội tìm kiếm gồm 180 người và chó nghiệp vụ. Quá trình tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do rừng rậm rạp tre, khó di chuyển, lại gặp mưa lớn.

Phải đến 6 ngày sau, họ mới tìm thấy cậu bé 7 tuổi, lúc đó đang trú ẩn trong một căn cứ quân sự bỏ hoang. Cậu bé có vài vết thương nhẹ và bị hạ thân nhiệt nhưng không nghiêm trọng.

Sau này, Yamato cho biết em tự tìm đường đến căn cứ quân sự sau khi bị bố mẹ bỏ lại. Căn cứ đó có nệm giúp cậu bé chống chọi giá rét.

Cần chỗ cho trẻ học kỹ năng tự bảo vệ

Trên một diễn đàn về trẻ em, câu chuyện của 3 em nhỏ trên được chia sẻ để minh chứng cho tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn. Không phải chỉ đơn thuần nhờ may mắn mà Caroline, Leia Carrico hay Yamato Tanooka có thể chống chọi hoàn cảnh khắc nghiệt, chờ người lớn đến cứu.

Ít nhất, 3 đứa trẻ biết tìm một nơi trú ẩn và ở yên đó thay vì hoảng loạn mò mẫm xung quanh. Các em cũng biết tìm nguồn nước sạch để duy trì sự sống, chấp nhận đói thay vì kiếm thứ gì đó ăn tạm, bởi không biết liệu chúng có an toàn không.

Đây là những kỹ năng sinh tồn cơ bản mà có thể ở trường không dạy nhưng phụ huynh Mỹ hay Nhật Bản rất chú trọng trong quá trình giáo dục con.

Theo bà Misty Carrico, mẹ của 2 bé gái, các con bà có thể sống sót mà không bị thương khi ở trong rừng, nhờ tham gia khóa học huấn luyện kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã tại một câu lạc bộ ở địa phương. Hiện, cả hai vẫn theo khóa học đó.

Diễn đàn trên dẫn bài viết cho rằng bài học sinh tồn chính là các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân, thích ứng với khó khăn, bất lợi của cuộc sống, thậm chí là trong các tình huống xấu có thể xảy ra. Đó cũng là những kỹ năng sống cơ bản nhất mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng cần được học.

giao duc ky nang tu bao ve cho tre anh 2
Nhiều phụ huynh Mỹ đăng ký cho con theo học các khóa học về kỹ năng sinh tồn để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong tình huống nguy hiểm. Ảnh: Outward Bound.

Nhằm đáp ứng nhu cầu từ phụ huynh, nhiều trường đào tạo kỹ năng sinh tồn được thành lập ở Mỹ. Các bậc cha mẹ cũng không ngại chi số tiền lớn để con học cách tự bảo vệ mình. Ở đó, con họ được học các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho bản thân khi đi lạc hay rơi vào tình huống nguy hiểm.

Tại Nhật Bản, nhiều trẻ được cha mẹ cho đi học cách đối mặt thiên tai và thảm họa thiên nhiên qua các khóa về kỹ năng sinh tồn như phải làm gì khi xảy ra động đất, sử dụng dụng cụ cứu hỏa hay cứu hộ cần thiết, cách cố gắng giữ bình tĩnh khi gặp nạn.

Người Nhật còn lồng ghép rất nhiều bài học sinh tồn cho trẻ em thông qua hoạt động đi dã ngoại như trẻ phải tự mình dựng trại, nhóm lửa, có thể bơi và câu cá dưới sự kiểm soát của giáo viên. Nếu chẳng may bị lạc, các em sẽ biết đâu là nấm độc để tránh, côn trùng nào cắn gây hại để tự xử lý sơ cứu ban đầu.

Nếu như những mô hình rèn luyện trên khá phổ biến ở những nước tiên tiến, thì nó là khát khao của không ít phụ huynh ở các nước còn khó khăn và đang phát triển. Nhiều người có nhu cầu cho con học những kỹ năng thiết thực đó nhưng không tìm thấy trong trường học. 

Ở Việt Nam cũng vậy, số trường học có chương trình hay trường chuyên về đào tạo kỹ năng sinh tồn còn rất ít. Một số trung tâm tư nhân nếu có triển khai khóa học về lĩnh vực này thì chương trình, cơ sở vật chất cũng đơn giản, mức độ sơ khai, chủ yếu chạy theo thương mại. Vì thế, nhiều phụ huynh loay hoay trong việc tìm kiếm cho con môi trường để học cách tự bảo vệ mình.

“Phần lớn trường học hiện chỉ chú trọng kiến thức mà quên mất dạy học sinh bảo vệ sức khỏe, tính mạng mình từ những thứ đơn giản như học bơi hay kỹ năng tự vệ”, chị Ngọc Lan (Hà Nội) nói.

Bà mẹ trẻ này cũng phàn nàn việc các tiết học ở trường thiếu tính ứng dụng cao khi đa số môn học là chạy nhanh, chạy bền hay nhảy cao, chơi cầu lông, đá cầu, bóng rổ. Đương nhiên, những môn này có tác dụng nâng cao sức khỏe nhưng lại chưa đủ để giúp trẻ tự bảo vệ trong tình huống khẩn cấp.

Gia đình chị phải đăng ký cho con học bơi bên ngoài song chỉ có thể tập thường xuyên vào dịp hè nên hiệu quả không lớn.

Cùng suy nghĩ, không ít phụ huynh hy vọng con họ có môi trường chuyên nghiệp với người hướng dẫn có chuyên môn tốt để rèn cho con ý thức cùng kỹ năng tự bảo vệ.

“Cái chúng tôi cần là con được học kỹ năng sinh tồn, tự vệ, thoát hiểm khi đối mặt khó khăn, chứ không chỉ lý thuyết suông trong sách vở hay các môn học thiếu tính ứng dụng”, chị Hà, một phụ huynh, chia sẻ.

Sở GD&ĐT Hòa Bình chỉ đạo ổn định tâm lý sau vụ 8 học sinh chết đuối

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết ông đã cử người xuống hai trường của 8 nam sinh chết đuối để ổn định tâm lý học sinh, giáo viên sau mất mát, đau thương.

Hà Linh

Bạn có thể quan tâm