Sau hành trình gian nan, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ và anh Tạ Ngọc Thắng (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã có được đứa con đầu đời. Bé Ốc - con của anh chị - là trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất được cứu sống ở Việt Nam đến thời điểm này. Bé chào đời ở tuần thai 26 với cân nặng 480 gram.
Hành trình gian nan
Chị Huệ chia sẻ vợ chồng chị được xác định hiếm muộn, khó có con. Năm 2018, anh chị từng xuống Hà Nội để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng kết quả thất bại. Số tiền 70 triệu đồng gom góp nhiều năm cũng tan biến.
“Hết tiền, chúng tôi về quê làm lại từ đầu chứ quyết không bỏ cuộc. Đầu năm 2020, vợ chồng tôi lại vay mượn đi thụ tinh một lần nữa. Chúng tôi đổi sang một bệnh viện tư để thực hiện và may mắn đã mỉm cười”, chị Huệ kể. Niềm vui nhân đôi khi chị Huệ mang song thai.
Tuy nhiên, trong thai kỳ, chị bị dọa sẩy, phải theo dõi ở viện. Để tiết kiệm chi phí, thai phụ bàn với chồng về Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc theo dõi.
Đến tuần thai thứ 18, chị Huệ lại xuất hiện dấu hiệu sinh non. Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc làm mọi biện pháp để giữ lại thai nhi trong bụng. Nhưng đến tuần thai thứ 24, chị sinh non một thai. Bé mất ngay sau đó vì quá nhẹ cân, non tháng.
“Bác sĩ nói khó giữ được thai còn lại đến cuối thai kỳ. Nhưng cố gắng giữ con trong bụng càng lâu càng có nhiều cơ hội. Khi đó, tôi nén nỗi đau để giữ lại giọt máu còn lại”, chị Huệ nghẹn lòng kể.
Bé Ốc và mẹ điều trị bằng phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC. |
Khi thai bước sang tuần thứ 26, chị Huệ lên cơn sốt cao, các bác sĩ túc trực 24/24 ở bên. Khi thấy tình trạng nguy cấp, bác sĩ quyết định mổ bắt thai. “Khi vào mổ, các bác sĩ khoa Sơ sinh đứng chờ sẵn để đưa con tôi đi. Cuộc mổ diễn ra chỉ khoảng 3 phút, con tôi nhỏ yếu không cất được tiếng khóc chào đời và được chuyển khoa ngay lập tức. Tôi chẳng kịp nhìn con”, chị Huệ nhớ lại.
Sau đó, em bé tiếp tục được chuyển xuống BV Nhi Trung ương (Hà Nội) chăm sóc. Chị Huệ ở lại viện điều trị 10 ngày sau mới xuất viện. Dù vết mổ vẫn còn rất đau, chị đi thẳng xuống Hà Nội để gặp con. Giây phút hai mẹ con gặp nhau, chị đã khóc rất nhiều. Người mẹ này chưa bao giờ nghĩ con mình lại nhỏ đến vậy.
“Con tôi chỉ nhỏ như chiếc bánh mỳ, lọt thỏm vào lòng bàn tay. Nhìn con, tôi thương như đứt từng khúc ruột, tôi tự trách mình làm mẹ mà chẳng thể giữ được con lâu trong bụng”, chị Huệ chia sẻ.
Chị kể những tháng đầu ở viện, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc con. Do vết mổ chị còn đau, chồng hàng ngày vào viện ủ ấm cho con (phương pháp Kangaroo). Chị kể nhiều hôm anh ấp con trong lồng ngực 18 tiếng, nhịn đi vệ sinh, chỉ mong truyền được hơi ấm cho bé.
Sau 4 tháng chăm sóc ở viện, bé Ốc đã được xuất viện về nhà trong vòng tay cha mẹ. Giờ đây, khi ôm con trong vòng tay, nước mắt chị Huệ vẫn trực trào khi nghĩ về những gì hai vợ chồng đã trải qua để có được hạnh phúc như ngày hôm nay.
Ca hiếm gặp
Chia sẻ về trường hợp này, thạc sĩ, bác sĩ Tô Văn Vũ, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, cho hay sản phụ Huệ có thể sinh một bé đồng thời giữ được thai còn lại trong bụng do 2 trẻ không chung buồng ối và bánh rau.
“Tỷ lệ này là hiếm gặp. Đặc biệt, sinh non tháng mà vẫn cứu sống được càng hiếm gặp hơn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp. Ngay cả bệnh viện tuyến cuối về sản khoa cũng chỉ mới có 1-2 trường hợp như vậy”, bác sĩ An cho hay.
Bé Ốc khỏe mạnh trở về trong vòng tay cha mẹ. Ảnh: NVCC. |
Theo bác sĩ An, trước đây, việc dừng thai kỳ được chỉ định khi bà bầu mất một trong song thai. Bởi việc giữ lại sẽ ảnh hưởng người mẹ. Thai phụ có thể phải cắt tử cung, mất khả năng sinh con hoặc nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Với trường hợp này, ngoài chuyên môn, trình độ bác sĩ và sự trợ giúp của những loại thuốc tốt nhất, vấn đề tâm lý cũng được chú trọng.
“Một người mẹ vừa sinh con, rồi mất con, vừa phải cố gắng giữ lại một thai trong bụng là điều rất ít xảy ra và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Bởi vậy, khi điều trị giữ thai cho bệnh nhân, chúng tôi luôn túc trực ở bên, an ủi động viên, thậm chí là quan tâm hơn cả người thân của chính mình để bệnh nhân an tâm tĩnh dưỡng”, bác sĩ An chia sẻ.
Với thai nhi còn lại, vấn đề lớn nhất là nhiễm trùng. Nếu không kiểm soát được vấn đề này, tính mạng cả mẹ và thai đều nguy hiểm. Vì thế, các bác sĩ phải liên tục theo dõi. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ phải xử lý ngay.
Bác sĩ An cho rằng với những bà bầu mang song thai, việc theo dõi trong suốt quá trình rất quan trọng. Khi có dấu hiệu bất thường, họ cần đến bệnh viện ngay để được can thiệp và xử lý kịp thời, tuyệt đối không chủ quan.