Bố mẹ khăng khăng cho rằng Mo bị bệnh tâm thần sau khi cãi nhau với họ. Ảnh: SCMP. |
Mo Nan (24 tuổi, nhân vật đã được đổi tên) cho biết anh đã cãi nhau với bố mẹ từ khi còn là học sinh trung học và họ kết luận anh bị bệnh tâm thần.
Theo Huashang News, năm 2017, Mo vào đại học. Anh học giỏi và được các giáo viên khen ngợi vì thường giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, bố mẹ anh vẫn khăng khăng cho rằng con trai bị bệnh tâm thần sau khi cãi nhau với họ và yêu cầu bác sĩ tăng liều thuốc cho anh. Theo Mo, nếu anh chơi trò chơi điện tử, ngủ muộn hoặc trái ý với bố mẹ, họ sẽ khẳng định rằng anh đang có "hành vi bất thường".
Khi anh không muốn nói chuyện với họ, họ cáo buộc "tâm trạng của con xuống thấp", nhưng khi anh xúc động, họ nói rằng anh "quá phấn khích".
"Sai lầm duy nhất của tôi là đã tuân lệnh của họ. Ngay cả sau khi đi học đại học, tôi vẫn làm theo chỉ dẫn của họ và chấp nhận mọi thứ họ đưa cho tôi. Tôi kháng cự quá muộn", Mo nói.
Anh trở nên béo phì và cho biết trí nhớ của mình đã suy giảm do sử dụng thuốc tâm thần trong thời gian dài.
Ngày 28/7/2021, Mo bị bố mẹ "dỗ dành" đến Trung tâm Y tế Tâm thần Tử Bột (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Tại đây, anh được các bác sĩ kê đơn thuốc điều trị. Anh cho biết không bác sĩ nào khám cho anh, chỉ một y tá thông báo anh sẽ phải nhập viện 3 tháng.
"Nhân viên y tế đè tôi lên giường rồi dùng dây trói lại. Họ tiêm và giật điện tôi. Đầu tôi đau như muốn nổ tung", anh nói.
Mo cho biết sau đó, anh đọc hồ sơ bệnh án của mình mới biết bố mẹ đã phóng đại vấn đề sức khỏe tâm thần, khiến các bác sĩ kết luận anh bị bệnh nặng.
Được xuất viện sau 83 ngày, anh cố gắng thuyết phục bố mẹ đi khám sức khỏe tâm thần, hy vọng bác sĩ kết luận họ bị bệnh và mất quyền giám sát anh.
Năm ngoái, bố mẹ Mo được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt tại Trung tâm Y tế Tâm thần tỉnh Sơn Đông.
Tuy nhiên, chẩn đoán từ Bệnh viện Anding Bắc Kinh, một cơ sở tâm thần hàng đầu ở Trung Quốc, cho thấy họ bị trầm cảm, lo âu, song bác sĩ kết luận tình trạng này không thuộc về tâm thần nghiêm trọng.
Theo Luật Sức khỏe Tâm thần của Trung Quốc, việc nhập viện phải tự nguyện. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được phát hiện mắc rối loạn tâm thần nghiêm trọng và đã tự làm hại mình hoặc người khác, bệnh viện có thể giữ họ lại sau khi được sự cho phép của gia đình.
Mo không phải trường hợp đầu tiên bị chẩn đoán và nhập viên sai ở Trung Quốc. Tháng trước, dư luận nước này phẫn nộ khi một phụ nữ 34 tuổi bị giam giữ tại một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Phúc Kiến trong hơn 10 năm. Mặc dù cô đã hồi phục, gia đình vẫn từ chối ký giấy xuất viện.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.