Gần 3 năm trước, Wu Zhimin, một người cha đến từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), tìm đến dịch vụ mai mối của Chen Junhong với mong muốn tìm vợ cho con trai mình, theo SCMP.
“Bạn bè và người thân đã giới thiệu một số đối tượng kết hôn cho con trai tôi. Thế nhưng, những cô gái này đều yêu cầu gia đình tôi phải mua sẵn ôtô và nhà riêng. Chúng tôi không đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng điều đó”, ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Hà Bắc.
Sau đó, Chen gợi ý rằng có thể giới thiệu một cô dâu nước ngoài cho con trai ông Wu.
Ông Wu Zhimin mong muốn tìm vợ cho con trai. Ảnh: Đài truyền hình Hà Bắc. |
Ngày 8/10/2019, ông Wu ký hợp đồng với công ty mai mối của Chen. Bên cung cấp dịch vụ cam kết sẽ hỗ trợ con trai ông Wu tìm vợ với mức phí 150.000 NDT (22.200 USD) và yêu cầu gia đình đặt cọc trước 30.000 NDT (4.446 USD).
Theo hợp đồng, trong trường hợp không thể tiến tới hôn nhân vì cô dâu không đồng ý, công ty sẽ hoàn trả tiền cọc. Tuy nhiên, nếu vì chú rể không đồng ý, công ty sẽ khấu trừ một số chi phí và hoàn trả số dư còn lại.
Ông Wu đã thanh toán tiền đặt cọc, sau đó tiếp tục chi thêm 40.000 NDT và 75.000 NDT. Tổng số tiền ông đưa cho bên dịch vụ mai mối lên tới 145.000 NDT (21.500 USD). Trong đó, ông phải đi vay hơn 120.000 NDT.
Tháng 11/2019, người mai mối đưa Wu Yue, con trai của ông Wu, đến Indonesia và gặp gỡ những người phụ nữ địa phương. Trong số đó, anh tìm được người mình thích và khẳng định đôi bên nảy sinh tình cảm.
Wu Yue và người phụ nữ Indonesia anh dự định kết hôn. Ảnh: Weibo. |
“Chúng tôi gặp nhau 3-4 lần, nhưng tôi chưa bao giờ được đến nhà cô ấy vì người mai mối không cho phép”, anh kể lại.
Sau khi người phụ nữ đồng ý kết hôn với Wu Yue, gia đình anh đã chuẩn bị của hồi môn cho cô dâu tương lai, gồm một bộ lắc tay, bông tai và vòng cổ đều bằng vàng.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm trôi qua, cô dâu chưa từng xuất hiện. Trong khi đó, gia đình trang hoàng nhà cửa, sẵn sàng cho đám cưới.
“Người mai mối nói rằng cô dâu không thể đến Trung Quốc vì đại dịch và anh ta có thể hoàn trả 20.000 NDT cho gia đình. Khi ấy, chúng tôi nghĩ rằng mình có thể đã bị lừa”, ông Wu kể lại.
Về phần mình, Chen cố gắng giải thích tình hình, khẳng định rằng anh từng giới thiệu thành công hàng chục người vợ cho đàn ông Trung Quốc, và chỉ thất bại “7 hoặc 8 lần”. Hiện cảnh sát địa phương mở cuộc điều tra về vụ việc, xác định xem liệu nó có vi phạm điều luật nào hay không.
Đáng chú ý, gia đình Wu không phải trường hợp hiếm hoi bị lừa, theo SCMP. Năm 2020, một người đàn ông ở tỉnh Phúc Kiến trả hơn 80.000 NDT (11.900 USD) để kết hôn với một cô dâu nước ngoài. 3 ngày sau, cô bỏ trốn và kết hôn với người đàn ông khác.
Năm 2018, cảnh sát Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) dành 9 tháng để triệt phá đường dây lừa đảo kết hôn xuyên biên giới, liên quan đến 15 người và hơn 1,2 triệu NDT (178.000 USD).
Ba thập kỉ chịu ảnh hưởng bởi chính sách một con được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mất cân bằng giới tính trầm trọng ở nhiều làng quê Trung Quốc.
Theo thông tin được công bố vào tháng 5/2021, cuộc khảo sát dân số kéo dài một thập kỷ cho thấy nước này có khoảng 35 triệu đàn ông "dư thừa" - đây là số nam giới độc thân chênh lệch với số nữ giới chưa lập gia đình.
Trong đó có 17,52 triệu nam giới độc thân thuộc độ tuổi "có thể kết hôn" (từ 20 đến 40 tuổi). Những người đàn ông này có khả năng không thể cưới vợ do chênh lệch giới tính quá lớn tại đất nước tỷ dân, theo News Week.
Làn sóng những người đàn ông “thiếu phụ nữ” đang ngày một trở nên rõ rệt tại quốc gia tỷ dân.