Theo nguồn tin của Zing, dự kiến từ 13/3 đến 25/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore vận chuyển bất hợp pháp về Việt Nam tiêu thụ, nhằm thu lợi bất chính.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 29 trong số 74 bị cáo, 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.
Con trai trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu "có vai trò đặc biệt lớn"
Đối với nội dung kháng nghị, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng tăng án với 28 bị cáo. Tại phiên sơ thẩm, các bị cáo này bị phạt 3 năm 6 tháng tù, 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và phạt tiền.
Bị cáo Lê Phan Hoàng Anh. Ảnh: Tố Tâm. |
Trong số này bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Phan Thanh Hữu, chủ mưu vụ buôn lậu). VKS cho rằng để thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam, Hữu cùng các đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp nhiều khâu, nhiều người tham gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp để tổ chức hệ thống mạng lưới vận chuyển, tiêu thụ và thanh toán tiền mua bán xăng nhập lậu với quy mô đặc biệt lớn. Bị cáo Hoàng Anh đảm nhận việc thanh toán tiền bán xăng nhập lậu và giúp bị cáo Hữu chuyển khoản thanh toán tiền phí vận chuyển, lợi nhuận bán xăng nhập lậu...
"Vai trò của bị cáo Phan Lê Hoàng Anh rất tích cực, là mắt xích quan trọng thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình mua bán xăng nhập lậu của bị cáo Hữu với giá trị hàng hóa phạm pháp là đặc biệt lớn", kháng nghị nêu và đánh giá hành vi của Hoàng Anh là đặc biệt nghiêm trọng, vai trò đặc biệt lớn, nhưng án sơ thẩm lại xử phạt bị cáo mức án 3 năm 6 tháng tù là quá nhẹ.
Tòa cấp sơ thẩm tuyên dưới khung nhiều bị cáo
Cũng theo kháng nghị, trong 27 bị cáo còn lại bị kháng nghị có Dương Văn Mẫn, Trịnh Xuân Mơ, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Xuân Hà là thuyền trưởng, thuyền phó các tàu Nhật Minh 07-08-09.
VKS đánh giá các bị cáo đã chỉ đạo và cùng các thuyền viên giúp Phan Thanh Hữu vận chuyển xăng lậu rất nhiều lần. Trong đó, bị cáo Mẫn vận chuyển 15 chuyến, bị cáo Hiệp vận chuyển 37 chuyến, bị cáo Mơ vận chuyển 44 chuyến, còn bị cáo Hà vận chuyển 45 chuyến.
Công an thu giữ hơn 100 tỷ đồng khi phá đường dây buôn bán xăng giả. Ảnh: Công an Đồng Nai. |
Trong các lần vận chuyển xăng lậu nêu trên, các bị cáo Mẫn, Hiệp, Mơ còn sử dụng các hồ sơ, hóa đơn, chứng từ khống nhận từ ông Hữu để đối phó với các lực lượng chức năng. Các bị cáo đã chỉ đạo các thuyền viên pha bột màu, dung môi vào lượng xăng nhập lậu.
Theo VKSND Cấp cao, hành vi phạm tội của 4 bị cáo Mẫn, Mơ, Hiệp, Hà chỉ sau bị cáo Hữu và Hoàng Anh. Các bị cáo còn đang bị điều tra trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn... nhưng TAND tỉnh Đồng Nai chỉ tuyên 3 năm tù.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng 28 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù và cùng có tình tiết tăng nặng. Nhưng tòa sơ thẩm lại phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chỉ phạt tiền. Các mức phạt trên bị VKSND Cấp cao đánh giá không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội đã thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về buôn lậu đã và đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay.
Đề nghị tịch thu số tiền góp để buôn lậu xăng
Kết quả điều tra xác định, bị cáo Phan Thanh Hữu và nhóm của bị cáo Đào Ngọc Viễn cùng góp 53,4 tỷ đồng để buôn lậu xăng rồi thống nhất giao cho bị cáo Hữu quản lý để thanh toán tiền mua xăng ở Singapore.
Quá trình vận chuyển xăng nhập lậu về kho Nam Phong để bán, các bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Lê Thanh Trung và Phan Thanh Hữu thống nhất sử dụng chứng từ nhập khẩu của Công ty Tây Nam SWP để xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty Phan Lê Hoàng Anh của bị cáo Hữu với số lượng xăng là 2 triệu lít, nên bị cáo Hữu chuyển 30 tỷ đồng cho bị cáo Trung mượn nhập khẩu xăng về kho Nam Phong rồi bán ra thị trường nhưng không xuất hóa đơn để số lượng xăng lúc nào cũng tồn kho là 2 triệu lít (bị cáo Trung đã chuyển trả cho bị cáo Hữu).
Ngoài ra, nội dung bản án còn thể hiện bị cáo Phan Trung Hiếu và bị cáo Trương Công Tiến góp 4,7 tỷ đồng mua lại xăng nhập lậu từ bị cáo Nguyễn Minh Đức. "Những khoản tiền nêu trên là tiền mà các bị cáo đã sử dụng vào việc phạm tội nên theo quy định phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tung cấp sơ thẩm lại không xem xét, xử lý đối với khoản tiền này là thiếu sót rất nghiêm trọng", kháng nghị nêu.
Bị cáo Phan Thanh Hữu. Ảnh: D.V. |
Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu, Viễn và đồng phạm đã vận chuyển thành công 48 chuyến hàng, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Ngoài ra, cuối năm 2020, Đào Ngọc Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua 2 tàu biển để buôn lậu 5,7 triệu lít xăng giả, trị giá gần 98 tỷ đồng. Nhà chức trách xác định đường dây của Hữu, Viễn và đồng phạm đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…