Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post đề cập đến vấn đề gia tăng số vụ tự tử ở trẻ vị thành niên tại Hong Kong và chiến dịch ý nghĩa được phát động để góp phần cải thiện tình trạng này.
Ann Pearce là người phụ nữ bản lĩnh. Ba năm trước, cô phải đối mặt với cơn ác mộng kinh khủng nhất. Con trai của cô, Jamie Bruno, học sinh ưu tú của trường quốc tế ở Hong Kong và cũng là một nghệ sĩ đường phố có tiếng, đã tự kết liễu đời mình khi mới 15 tuổi.
Không có cha mẹ nào hoàn toàn vượt qua cú sốc mất con để sống tiếp, nhưng cô Pearce là một trường hợp đặc biệt. Cô đã phát động một chiến dịch chống kỳ thị mang tên Weez Week để tưởng niệm 3 năm ngày mất của con trai mình.
Weez Week được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề sức khỏe tâm thần và để thúc đẩy phòng chống tự tử ở thanh thiếu niên. Giá trị cốt lõi mà chiến dịch này kêu gọi là “nói chuyện, lắng nghe và quan tâm”.
Mục đích của cô Pearce là có thể giúp giảm nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên - điều tàn phá bất kỳ gia đình nào. Bản thân là người hiểu rõ nhất nỗi đau đó, vì sau 3 năm, cô vẫn cảm thấy đau đớn khi nghĩ đến con trai mình.
“Tôi cảm thấy như mình đã chết đi sống lại sau cú sốc đó. Lý do duy nhất tôi nói về những điều này là tôi không muốn có thêm người trẻ nào tự kết liễu cuộc đời mình nữa”, cô Pearce nói.
Không có cha mẹ nào hoàn toàn vượt qua cú sốc mất con để sống tiếp, nhưng cô Pearce là một trường hợp đặc biệt. Ảnh: SCMP. |
Hành động từ sự thấu hiểu
Chiến dịch được khởi xướng bởi Weez Project, một tổ chức được Tony Bruno - chồng cô, thành lập ngay sau khi Jamie qua đời. Tên của tổ chức được đặt theo bút danh mà Jamie ký dưới mỗi tác phẩm nghệ thuật đường phố của cậu bé.
Jamie là thành viên nổi bật của một cộng đồng trực tuyến gồm những người đam mê nghệ thuật đường phố. Những bức tranh tường của cậu ấy vẫn còn hiện diện trên nhiều con phố ở Hong Kong.
Cô Pearce tin rằng nguyên nhân sâu xa đằng sau những vụ tự tử của thanh thiếu niên Hong Kong là sự kỳ thị và cô lập.
“Nhiều người trẻ tuổi không dám mở lòng để chia sẻ với những người xung quanh về việc họ cảm thấy dễ bị tổn thương, yếu đuối hoặc bất an. Thêm vào đó, nhiều gia đình có những người mắc vấn đề sức khỏe tâm thần không thực sự thấu hiểu và đồng cảm”, cô chia sẻ.
Ann Pearce cho biết thêm những người trẻ tuổi đang phải chịu áp lực ngày càng tăng để đáp ứng những kỳ vọng to lớn của trường học, của phụ huynh và chính họ. Nhiều người Hong Kong đang suy nghĩ quá nhiều về những áp lực trong cuộc sống và bị chúng “nhấn chìm”.
Cô Pearce tin rằng nguyên nhân sâu xa đằng sau những vụ tự tử của thanh thiếu niên Hong Kong là sự kỳ thị và cô lập. Ảnh: SCMP. |
“Nói chuyện, lắng nghe và chăm sóc là những điều tưởng như giản đơn nhưng lại rất quan trọng. Các bạn trẻ phải thả lỏng và không để những cảm xúc tiêu cực đó chi phối”, cô Pearce chia sẻ.
Đặc biệt, ở Hong Kong, nhiều gia đình đến nay vẫn coi sức khỏe tâm thần là một điều gì đó cần phải che giấu. Ngay cả cô Pearce cũng thừa nhận rằng trước khi Jamie qua đời, cô không nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Gia đình Bruno tận hưởng một cuộc sống thoải mái tại khu dân cư Pok Fu Lam ở Hong Kong. Ngoài niềm đam mê với nghệ thuật đường phố, Jamie thích chơi bóng đá ở trường và các câu lạc bộ địa phương. Cậu bé còn là một vận động viên trượt tuyết sáng giá.
Thực trạng đáng lo ngại và động thái thờ ơ của chính phủ
Tháng 5/2019, Hội đồng Đánh giá Tử vong Trẻ em của chính phủ Hong Kong công bố một cuộc điều tra về 166 trường hợp tử vong được ghi nhận của thanh niên dưới 18 tuổi từ 2014 đến 2015. Trong đó, 64,5% chết vì nguyên nhân tự nhiên khác, ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết của trẻ em Hong Kong là tự sát.
Theo tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần Mind HK, Hong Kong đang chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Một cuộc khảo sát chung vào năm 2016 của Caritas và Đại học Thành phố Hong Kong cho thấy 40% học sinh ở lớp 7 nguy cơ phát sinh mong muốn tự tử.
Mặc dù vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng, cô Pearce cho biết không có tổ chức hỗ trợ nào được hình thành bởi những bậc cha mẹ đã mất đi con cái hoặc người thân bởi tự sát.
Cô Pearce cảm thấy phẫn nộ về sự thờ ơ của chính phủ. Ảnh: SCMP. |
Trong một cuộc khảo sát năm 2019 về thái độ của công chúng đối với sức khỏe tâm thần, gần 75% người Hong Kong đồng ý rằng những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nên được khuyến khích hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, 40% không sẵn lòng sống gần một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Cô Pearce cho biết các chuyên gia thường đồng ý rằng nguyên nhân tự tử và các yếu tố thúc đẩy một người trẻ tự tước đi mạng sống của họ là vô cùng phức tạp.
Weez Project kêu gọi tăng cường giáo dục về sức khỏe tâm thần và tự tử trong chương trình học bắt buộc của trường. Từ đó, thanh thiếu niên có thể tìm hiểu về bệnh tâm thần và nhận ra các dấu hiệu ở bản thân và bạn bè, điều đó sẽ giúp ích.
Cô Pearce cảm thấy phẫn nộ khi nhiều báo cáo điều tra và các khuyến nghị về sự gia tăng số vụ tử tự ở thanh thiếu niên Hong Kong đã được đưa ra, chính phủ vẫn không có một động thái cụ thể nào để ngăn chặn tình trạng này.
Bất chấp nỗi đau về thể xác và tinh thần, gia đình Bruno vẫn quyết tâm hành động để góp phần ngăn chặn nạn tự tử ở tuổi vị thành niên và tạo ra một di sản tích cực từ câu chuyện của Jamie.