Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi nói mình trầm cảm, bạn bè khuyên: Mày sống đừng ích kỷ'

Khi người mắc bệnh trầm cảm tìm kiếm sự giúp đỡ, đa số câu trả lời họ nhận được thiếu sự cảm thông hoặc người trả lời không biết nên nói gì để tránh khiến tình hình trầm trọng hơn.

Zing.vn trích dịch bài viết từ Channel News Asia, đề cập đến những vấn đề mà người mắc bệnh trầm cảm gặp phải khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân.

Mặt khác, nhiều người lại lo lắng không biết nên nói gì với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý vì "sợ sẽ nói sai khiến căn bệnh trầm trọng hơn".

Ba tuần sau khi phát hiện mắc bệnh trầm cảm, Clement (27 tuổi) được mọi người xung quanh khuyên phải tự tìm cách vượt qua nó.

Biết Rachel (26 tuổi) mắc chứng rối loạn tâm thần, bạn bè kêu cô đừng ích kỷ, "hãy nghĩ về những đứa trẻ chết ở châu Phi".

Tỉnh lại sau một lần cố tự sát, Nawira Baig (27 tuổi) bị mọi người chỉ trích không biết trân trọng cuộc sống. Không ai biết người phụ nữ này đã sống chung với chứng rối loạn lưỡng cực và bị những cơn trầm cảm hành hạ trong 10 năm qua.

Những lời nói tưởng chừng vô hại với người có sức khỏe tâm thần yếu như Clement, Rachel hay Baig chỉ khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn, đặc biệt khi xuất phát từ gia đình và bạn bè thân thiết.

“Những người muốn kết thúc cuộc sống thường không thể chịu đựng thêm nỗi đau về tinh thần. Họ không tìm ra lối thoát, cũng như không có sự giúp đỡ nào thiết thực từ xung quanh - khi đa số không hiểu được nỗi đau mà các bệnh nhân đang gánh chịu”, Baig chia sẻ.

benh tram cam anh 1
Những lời nói tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến tình trạng của bệnh nhân trầm trọng hơn. Ảnh: Talk Space.

Một nghiên cứu được Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore (IMH) công bố vào tháng 12/2018 cho thấy người trong độ tuổi từ 18 đến 34 có nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần cao nhất, gồm rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm, lạm dụng rượu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Trong nhiều năm, nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức sức khỏe tâm thần đã tập trung thay đổi sự kỳ thị của xã hội và nỗ lực cải thiện nhận thức cộng đồng.

Theo các chuyên gia và các nhà quan sát, tại Singapore, thái độ của người dân đối với bệnh tâm lý và kiến thức của họ đã cải thiện rất nhiều so với một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, các nỗ lực này cần phải bao gồm thêm việc học cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp khi nói chuyện với người trong trạng thái kiệt quệ nặng nề về tinh thần.

benh tram cam anh 2
Nhiều người cảm thấy lo lắng khi lựa chọn từ ngữ nói chuyện với những bệnh nhân. Ảnh: Rockie Nolan.

“Tại sao chúng ta không tập trung vào việc giữ gìn sức khỏe tâm lý thay vì chỉ tập trung chữa trị bệnh trầm cảm”, bà Porsche Poh, Giám đốc điều hành của Silver Ribbon, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề sức khỏe tâm thần, nói.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ ở đảo quốc sư tử chia sẻ rằng họ không biết phải làm gì khi thấy bạn bè hay chính bản thân mình gặp rắc rối về mặt cảm xúc.

Khi một người bạn tâm sự với Dai Zhuxuan (20 tuổi) rằng mình bị trầm cảm, cô không biết nên nói gì để anh ấy cảm thấy tốt hơn.

“Tôi rất sợ có thể nói sai điều gì đó. Tôi cố nói rằng nó không tệ như anh ấy nghĩ, mọi thứ sẽ ổn thôi. Nhưng dường như nó không thực sự có ích”, cô bộc bạch.

Học cách giúp đỡ đúng cách

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đồng ý sự kỳ thị với người mắc chứng bệnh tâm lý đã giảm bớt, bằng chứng là việc phục hồi ngày càng tăng, xã hội quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe tâm lý, đồng thời số lượng người trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ cũng tăng lên.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người chưa được trang bị kiến thức để hỗ trợ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

benh tram cam anh 3
Sự hỗ trợ đúng cách của bạn bè sẽ giúp đỡ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất nhiều. Ảnh: Wix.

Bốn năm trước, khi còn là sinh viên đại học, Rachel bắt đầu xuất hiện những ảo giác - một triệu chứng của rối loạn tâm thần, cô tâm sự với người bạn thân của mình.

“Phản ứng của bạn ấy thật tệ: ‘Rachel à, bạn đừng có làm trò như vậy nữa?’”, Rachel kể lại.

Trên thực tế, cô chỉ cần được đối xử ân cần như những người bình thường.

Trong thời gian Baig nhập viện, những người bạn tới thăm đã tặng bánh chocolate và sơn móng tay cho cô.

“Đối với họ, tôi vẫn là chính mình. Điều đó không bao giờ thay đổi. Họ không đối xử với tôi khác biệt hoặc coi tôi thật mong manh”, cô nói.

“Chỉ cần những điều nhỏ nhặt thôi”, Cheryl (21 tuổi) - người mắc chứng rối loạn lo âu từ khi 13 tuổi chia sẻ.

“Ví dụ như cố gắng điều hòa hơi thở của tôi khi tôi bị một cơn lo âu tấn công, đi cùng tôi đến một cuộc hẹn tư vấn hoặc chỉ đơn giản là ngồi cùng trong khi tôi khóc. Những điều nhỏ bé này tiếp thêm sức mạnh khi tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa”.

benh tram cam anh 4
Hãy lắng nghe những câu chuyện của họ và chia sẻ như những người bạn bình thường. Ảnh: Emerald Psychiatry.

Theo khảo sát, nhiều người đồng ý rằng chương trình giáo dục toàn diện về sức khỏe tâm thần nên được đưa vào các trường học nhằm hỗ trợ tốt hơn cho những người mắc bệnh và giúp xã hội có cái nhìn khác về điều này.

Chương trình giảng dạy có thể bao gồm các kỹ năng xã hội - cách giao tiếp và làm thế nào để chia sẻ với nhau.

“Thật khó để biết làm điều gì đúng đắn nếu không được hướng dẫn”, chia sẻ từ Gabriel Ong (17 tuổi) - một học sinh có người bạn mắc bệnh trầm cảm.

“Họ lo lắng chương trình giáo dục này sẽ khiến các học sinh đua nhau tự tử. Nhưng hãy đối mặt với sự thật rằng, trên mạng xã hội đã đầy rẫy những thông tin về các vụ bạo lực và tự tử. Vậy tại sao không hướng dẫn các em tiếp cận đúng cách trong trường học?", bà Lek chia sẻ.

'Nào có cái bệnh trầm cảm chứ, chẳng phải chỉ là lười nhác thôi sao?'

"Thanh niên bây giờ không thể chịu khổ, cũng không muốn đi làm. Động một tí là nói áp lực lớn, toàn là vì được nuông chiều từ bé".




Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm