"Anh trai tôi kết hôn 2 năm, đứa con mới tròn 1 tuổi.
Một buổi chiều, vợ anh nhận được tin nhắn chỉ có ba chữ: Anh xin lỗi.
Sau đó anh nhảy xuống từ tầng 18.
Trước đó, anh không có gì bất thường, chỉ là trở nên lười nhác. Buổi tối thường không ngủ, ban ngày nằm kềnh trên giường không dậy. Không muốn đi làm, thậm chí không ra ngoài.
Sau khi anh qua đời, cả nhà mới tìm thấy rất nhiều giấy tờ bệnh viện, nói anh bị trầm cảm.
'Nào có cái loại bệnh thế này chứ, chẳng phải chỉ là lười nhác thôi sao', cô tôi nói.
'Thanh niên bây giờ không thể chịu khổ, cũng không muốn đi làm. Động một tí là nói áp lực lớn, toàn là vì được nuông chiều từ bé', một người họ hàng đồng tình.
Có ảnh hưởng gì đến những người khác không? Không hề. Lúc còn sống không có được sự thấu hiểu, đến khi chết rồi vẫn không có được.
Người không từng trải qua thì vĩnh viễn không thể hiểu được cảm giác đấy. Chỉ có cha mẹ tôi một đêm bạc đầu và con gái anh mãi mãi chỉ được gặp cha qua những tấm hình".
Đây là câu chuyện được chia sẻ trên nhóm kín của các bệnh nhân và những người có người thân mắc bệnh trầm cảm. Câu chuyện nhỏ như hàng trăm câu chuyện được chia sẻ mỗi ngày, tất cả đều có điểm chung, rằng mọi người đều thấy họ bình thường, khỏe mạnh thế kia sao lại mắc bệnh cơ chứ, chuyện gì mà chẳng trôi qua.
Trước khi tự kết thúc cuộc sống ở tuổi 25, Sulli từng chia sẻ về cảm giác cô đơn, mệt mỏi mình phải chịu đựng mà không được ai lắng nghe. |
Bệnh tâm lý chỉ dành cho kẻ yếu đuối?
"Tôi tên thật là Choi Jin Ri, là người có mặt tối trong cuộc sống. Nhưng khi sống dưới cái tên Sulli, tôi luôn phải giả vờ mình rất hạnh phúc, vui vẻ".
"Tôi đã nói với họ rằng tôi kiệt sức rồi nhưng không một ai lắng nghe".
"Xin hãy thương tôi hơn một chút".
Sau khi ca sĩ, diễn viên Sulli tự kết thúc cuộc sống ở tuổi 25, người ta mới chú ý hơn tới những lời cô từng chia sẻ. Nhưng đó không phải chuyện riêng của người nổi tiếng, của showbiz, mà còn là của rất nhiều người.
Những bệnh nhân chịu đựng tổn thương từ các căn bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực (hưng - trầm cảm) không phải bao giờ cũng nhận về sự chia sẻ, cảm thông khi nói về tình trạng của mình.
Tiến sĩ Robin Goodman - Giám đốc điều hành của tổ chức A Caring Hand - nói rằng mọi người có thể khó hình dung về bệnh trầm cảm nếu họ chưa từng trải qua.
"Nhiều người nghĩ bệnh nhân có thể kiểm soát chứng trầm cảm vì nó chính là tâm trí của họ. Đó là thông tin sai lệch dẫn đến việc hiểu không đúng và thái độ kỳ thị", Goodman nói.
Cũng nhiều trường hợp, người nghe bối rối đến mức không tin có bệnh này tồn tại trên đời.
Một người không nhất thiết từng trải qua bệnh trầm cảm mới có thể giúp đỡ ai đó đang mắc bệnh. Ảnh: The Odyssey Online. |
Trên blog Depressionarmy, tác giả Ros kể trong mắt người xung quanh, cô từng được coi là cô gái dường như chưa bao giờ phải nếm trải nỗi buồn hay đau đớn.
Ros mỉm cười trong những tình huống hầu như ai cũng khóc. Cô lảng tránh những chuyện mà thứ cảm xúc duy nhất cô có thể trưng ra không gì khác ngoài đau khổ.
Đằng sau chiếc mặt nạ vui vẻ, Ros che giấu sự thật cô mắc chứng rối loạn lưỡng cực và phải dùng thuốc triền miên.
Cô sợ nói ra sự thật, sợ phải đối diện với phản ứng không hay từ người xung quanh vì những ám ảnh trong quá khứ.
"Một cô bạn từng nói với tôi rằng: 'Những người mắc bệnh tâm thần là kẻ yếu đuối'. Cô ấy nói ai cũng phải trải qua nỗi đau, nên người mắc bệnh về tâm lý chẳng có lý do gì không vượt qua nổi", Ros kể.
Bạn trai cũ của Ros - là sinh viên y khoa - thậm chí cười nhạo và nói với cô rằng bệnh lý tâm thần không tồn tại, rằng chúng được nghĩ ra để khiến "những kẻ yếu đuối cảm thấy bản thân đáng thương đến thảm hại".
Anh ấy vắng mặt khi cô khóc để có thể ngủ thiếp đi vào những ngày nên hạnh phúc.
Anh ấy không biết Ros còn không chắc mình là ai, vì từ lâu, căn bệnh tâm lý đã xâm chiếm, làm lu mờ tính cách của cô.
"Mọi người không tin khi tôi chia sẻ về căn bệnh tâm thần của mình vì họ không biết về cuộc chiến chống lại ý nghĩ tự tử tôi phải đối mặt hàng ngày". Ảnh: Time. |
Bạn không khác người khi ai đó không tin có bệnh trầm cảm
Theo tiến sĩ Robin Goodman, nếu người mắc bệnh trầm cảm thực sự muốn ai đó thấu hiểu hoặc có thể nói chuyện về nó, trước tiên họ nên nhận ra rằng đó không phải vấn đề cá nhân.
"Khi bạn nói với ai đó không hiểu về bệnh tâm thần, đó là việc của họ, chứ không phải lỗi của bạn", bà Goodman khẳng định.
Chuyên gia này cho rằng thái độ cởi mở có thể hữu ích.
Cụ thể, nếu ai đó nói điều gì không đúng, người bệnh nên thẳng thắn nói: "Những điều như vậy thực sự không hữu ích cho tôi. Bạn chỉ cần nói ủng hộ tôi ngay cả khi không hoàn toàn hiểu về bệnh và hỏi tôi làm thế nào để có thể giúp đỡ".
Tiến sĩ Goodman cũng đề nghị người bệnh chia sẻ cụ thể về các triệu chứng mình gặp phải thay vì nói trầm cảm chung chung.
"Chẳng hạn, bạn có thể nói mình có khoảng thời gian thấy khó khăn mỗi khi rời khỏi giường hoặc cảm thấy mất hứng thú với những điều mình từng rất thích".
Khi cảm thấy người mình chia sẻ không thể giúp đỡ, bệnh nhân nên tìm đến đối tượng khác thay vì thu mình lại. Ảnh: Medium. |
Khi cảm thấy người mình chia sẻ không thể giúp, bệnh nhân nên tìm đến đối tượng khác.
Với những ai không tin rằng bệnh trầm cảm tồn tại, tiến sĩ Goodman khuyên người bệnh tin tưởng vào cảm nhận của mình và đáp trả: "Đó không phải điều tôi trải qua. Bác sĩ của tôi cũng không hề nói vậy. Thật đáng tiếc khi bạn nghĩ thế".
Sự hỗ trợ dành cho người mắc bệnh trầm cảm có thể đến từ bất cứ ai không nhất thiết hiểu hết về bệnh, mà chỉ cần sẵn lòng giúp đỡ.
Nên im lặng thay vì an ủi "không sao đâu"
Từng Chia sẻ với Zing.vn, PGS-TS Đặng Hoàng Minh - chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội - cho biết ở các nước, tỷ lệ trầm cảm khoảng từ 20-25% ở nữ giới và 7-12% ở nam giới.
Điều này đồng nghĩa trong số 4-5 phụ nữ xung quanh chúng ta, có một người mắc chứng trầm cảm.
Hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp bệnh nhân nói: "Tôi bị trầm cảm" và người xung quanh thường bảo họ bị tâm thần hay có gây nguy hiểm cho người khác không?
Chính thái độ e dè, có định kiến khiến người trầm cảm càng thu mình lại, cảm thấy không được công nhận và bị tách khỏi cộng đồng.
"Bởi vậy, việc đầu tiên mọi người nên làm là hiểu về trầm cảm, không cần quá sâu, nhưng đủ để chia sẻ với người bệnh”, bà Minh nói.
Khi nhận thấy ai đó xung quanh có biểu hiện trầm cảm, chúng ta không nên nói với họ: “Cố lên” hay “Không sao đâu”. Ảnh: Exeter. |
Theo PGS-TS Đặng Hoàng Minh, khi nhận thấy ai đó xung quanh có biểu hiện trầm cảm, chúng ta không nên nói với họ: “Cố lên” hay “Không sao đâu”. Bởi bản thân không ở vị trí của người bệnh, chúng ta không đánh giá được những gì họ đang chịu đựng ra sao.
“Những lời khuyên như vậy chỉ khiến người trầm cảm nghĩ cảm xúc của mình có vấn đề, khác với đám đông nên họ càng rút lui, không muốn chia sẻ với mọi người”, bà Minh nói.
Vậy người trầm cảm cần gì? Câu trả lời là: “Được ai đó lắng nghe, ghi nhận cảm xúc và sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ chuyên gia, bác sĩ tâm lý”, theo PGS-TS Đặng Hoàng Minh.
Trong bài viết đăng trên blog Coffeejitters, tác giả khuyên mọi người khi muốn an ủi ai đó đang buồn, hãy mở lời: “Tôi chưa từng trải qua chuyện như vậy nên không hiểu cảm giác của bạn”.
Sau đó, tiếp tục cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi mở như “Cho tôi biết thêm nhé?, “Chuyện diễn ra từ khi nào?”... rồi tập trung lắng nghe nhiều hơn nói ra.
"Điều quan trọng là nên chú ý đến phản ứng của người đang buồn. Nếu họ dường như muốn tham gia cuộc trò chuyện, bạn có thể tiếp tục. Còn không, sự im lặng đôi lúc là tất cả chúng ta cần”, tác giả nói.