Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con trẻ và tấm gương méo mó

Mỗi ngày đón con từ trường mầm non, tôi đều nhìn một lượt xem con có vết trầy xước nào không vì biết tay chân cháu vụng về, chạy giỡn lại hay vấp té.

Một ngày tám tiếng rời xa con là tôi chỉ mong điện thoại mình đừng rung lên với số điện thoại gọi đến từ trường của con. Bởi đọc báo hay lên mạng, tôi rất sợ bắt gặp những dòng tin về tai nạn mà nạn nhân là con trẻ.

Nào chuyện một học sinh tiểu học phải chết thảm khi bị cái tủ trong lớp đè trúng. Nào chuyện mấy em nhỏ học mẫu giáo bị phỏng nước sôi do đùa nghịch trong lúc các cô bảo mẫu đẩy xe thức ăn đi ngang qua.

Trẻ con vốn hiếu động và hồn nhiên, không thể lường hết những hiểm nguy có thể đổ ập xuống mình bất cứ lúc nào khi lỡ sẩy chân, sẩy tay. Và nỗi lo của tôi là nỗi lo của một người mẹ bình thường cũng như bao bà mẹ ông cha khác.

Vậy mà chiều 19/4, lúc lướt qua một số trang báo mạng, nhìn thấy hàng loạt tấm ảnh và đoạn video các ông cha bà mẹ thay nhau ẵm con leo qua hàng rào sắt của công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) để vào tắm... miễn phí (do công viên tạm đóng cửa vì quá tải), tôi không khỏi điếng người. Không ít người lớn đã xem thường những thanh sắt nhọn tua tủa đang chĩa thẳng vào con trẻ mà cố tình ẵm chúng leo rào. Nếu chẳng may họ sẩy chân, sẩy tay.

Thật khủng khiếp, tôi chẳng dám hình dung tiếp. Rồi chưa kể nếu leo rào thành công thì bao nguy cơ sức khỏe khác cũng có thể phát sinh do tắm táp chung dòng nước giữa biển người nghìn nghịt đó.

Những ông cha bà mẹ ấy không biết sợ chăng? Hay họ cũng như tôi, cũng lo lắng khi ngày ngày chở con đi học trên chiếc xe máy giữa dòng xe nườm nượp? Cũng thắc thỏm mỗi khi con đau, con sốt?

Vậy điều gì khiến họ dũng cảm thế?

Vì họ không đủ tiền mua vé trong những dịp khác? Vì con họ đòi nằng nặc phải được vào công viên nước? Tôi không thể lý giải.

Song điều tôi lo sợ hơn khi nhìn vào những cọc nhọn vô tri ấy chính là hành động cố gắng vượt qua hàng rào để được vào công viên chơi nước miễn phí.

Phải chăng cái hàng rào hữu hình ấy không đáng sợ bằng việc người ta bất chấp tất cả - cả an nguy sinh mạng của con mình - để vượt qua điều họ bị cấm làm?

Họ sẽ dạy gì cho con mình khi đang cố sức đạp đổ cái hàng rào vô hình là lòng tự trọng?

Con cái là tấm gương trong trẻo, cha mẹ muốn tạo ra hình ảnh tốt đẹp trong gương thì chính cha mẹ phải là hình ảnh tốt đẹp đó. Còn không, đó chỉ là những lời dạy lý thuyết nếu chiếc gương soi phải đón nhận những hình ảnh méo mó từ đời thực.

Có một người bạn nói với tôi rằng, “đôi lúc cần cảm ơn những sự kiện như vỡ trận ở công viên nước Hồ Tây để chúng ta có dẫn chứng mà dạy con, răn mình”.

Ngẫm cũng đúng, song tôi không mong phải giẫm chân lên hòn than đang cháy đỏ để biết sức nóng của lửa, để cảm nhận cái đau của sự bỏng rát. Cũng như không cần thêm những cái tin tai nạn ở trẻ do sự bất cẩn của người lớn để các bậc làm cha làm mẹ thêm trân quý con cái.

Rất may là những đứa trẻ được cha mẹ bồng bế qua hàng rào hôm 19/4 ở công viên nước Hồ Tây đã an toàn. Nhưng giá mà cha mẹ là người tạo ra duyên may ấy.

'Đừng chấp nhận sự miễn phí, dù chỉ là cái kẹo'

TS Vũ Thu Hương quan niệm, đồ miễn phí là thứ sẽ tiêu đi danh dự của mình nhiều nhất. Còn nhà văn Hoàng Anh Tú dạy con, trên đời không có gì là đồ khuyến mãi.

 

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150421/con-tre-va-tam-guong-meo-mo/736646.html

Theo Trần Thanh/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm