Ngày 19/4, sau khi Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) tạm đóng cửa vì quá tải, hàng trăm thanh niên, phụ huynh, trẻ em đã mạo hiểm trèo rào vào tắm miễn phí. Điều này gây nên cảnh hỗn loạn chưa từng có.
Hình ảnh những ông bố, bà mẹ bế con qua hàng rào sắt, phía trên nhiều cọc nhọn, phía dưới là đám đông chen lấn khiến nhiều người bất ngờ và suy ngẫm.
Hình ảnh bố bế con qua hàng rào sắt nhọn ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn. |
Liều với mạng sống của trẻ
Sau khi Công viên nước thông báo đóng cửa vì quá tải, theo lẽ thường số khách còn lại sẽ ra về. Nhưng rất nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm mọi cách vào, thậm chí là bế con… vượt rào. Nhìn cảnh tượng xấu xí này, nhiều người đặt câu hỏi, giá vé hơn 100.000 đồng có đáng giá bằng việc coi thường sức khỏe, mạng sống của trẻ?
TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại: “Họ nghĩ rằng đã đến nơi mà không vào được phía trong là lãng phí. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích hiện tại mà không nghĩ xa thêm 15 phút sau, đứa trẻ có thể bị va chạm, đau, ngã. Cả gia đình sẽ sử dụng nguồn nước mất vệ sinh do người quá tải".
TS Vũ Thu Hương: "Trẻ sẽ nghĩ rằng, khi người ta cho đồ miễn phí thì dù trù dập nhau cũng cố mà tranh giành". |
TS Vũ Thu Hương cho rằng, hành động bố bế con qua hàng rào sắt là phản giáo dục. Sức khỏe, danh dự và cuộc sống của đứa trẻ bị xâm phạm chỉ vì sự kiện miễn phí diễn ra trong một ngày. Trẻ nhỏ được ví như tờ giấy trắng, những hành vi không đúng mực của bố mẹ sẽ góp phần tạo suy nghĩ không tốt cho con.
“Thứ nhất, trẻ sẽ nghĩ rằng, khi người ta cho đồ miễn phí thì dù trù dập nhau cũng cố mà tranh giành. Thứ hai, lợi ích trước mắt quan trọng hơn mạng sống của mình và người thân. Thứ ba, danh dự là điều phù phiếm và không nhất thiết phải có. Trẻ sẽ nghĩ, một mảnh lợi ích dù bé tí ti cũng sẽ lao vào cướp giật”, TS Hương nêu ra 3 điều gây hại cho trẻ.
Dạy con về đồ miễn phí
Trước đó, những hình ảnh như chen lấn, cướp áp mưa, chen lấn ăn buffet, shushi… lặp lại mỗi khi các sự kiện miễn phí được diễn ra. Qua những câu chuyện này, việc giáo dục con trẻ được đặt câu hỏi.
Nhà văn Hoàng Anh Tú (biệt danh Chánh Văn) đã chia sẻ quan điểm cá nhân trong bài viết Hãy học cách trả phí với những thứ miễn phí ở đời xung quanh câu chuyện Công viên nước. Bài học anh gửi đến con đó là, trong cuộc đời không có gì là miễn phí. Hãy học cách trả phí trước, nếu không sẽ phải trả giá.
Mỗi buổi sớm đến trường, anh đều tâm sự cùng hai cô con gái: “Trên đời không có gì miễn phí, kể cả khí trời các con cũng phải mua bằng việc bảo vệ môi trường. Sự yêu thương và chăm sóc của cha mẹ, các con đều phải trả phí bằng sự trân trọng, gìn giữ gia đình và đừng bán sự xấu hổ lên cha mẹ mai này”.
Anh áp dụng lời dạy của mình vào cuộc đối thoại cùng bé My: “Nếu ai đó trả con 10 triệu đồng (bằng 10 lần số tiền tiết kiệm vất vả của con) và muốn được thơm vào má của con thì con đồng ý không?”. Cố bé hét lên: “Không. Không bao giờ. 100 triệu cũng không”.
Rồi anh kể cho con nghe về giá trị con người: “Có người vì dăm ba triệu đồng sẵn sàng bán rẻ danh dự, lòng tự trọng là bởi họ ít học, không có nhiều lựa chọn. Những cán bộ công chức sẵn sàng để sếp sỉ nhục để giữ vị trí công việc. Những người đánh đổi thời gian với gia đình để cày cuốc kiếm tiền sinh tồn là bởi khi còn trẻ đã lười biếng. Đừng đổ tại số phận không cho mình cơ hội. Hãy nỗ lực để tạo ra những cơ hội cho mình bằng lòng khát khao của bản thân, tha thiết học hỏi và đừng bỏ cuộc”.
Từ đó, anh gửi đến con những bài học sâu sắc: “Chúng ta có thể cho đi hoàn toàn miễn phí lòng tốt, nụ cười, sự quan tâm hay kể cả đồ chơi, tiền bạc. Chúng ta không cần quan tâm đến việc chúng ta được gì. Nhưng chúng ta đừng chấp nhận sự miễn phí, dù chỉ là một cái kẹo".
Anh nhấn mạnh, người cho có thể miễn phí nhưng người nhận hãy trả phí bằng lời cảm ơn và những quy định được đặt ra.
Trong quan điểm về giáo dục con cái, TS Vũ Thu Hương chia sẻ: “Tôi luôn nói với con, không có gì quan trọng hơn sức khỏe và danh dự của chính mình. Đồ miễn phí được phát ra chắc chắn vì nguyên nhân nào đó. Đồ miễn phí là thứ sẽ tiêu đi danh dự của chính mình nhiều nhất”.
Nữ giảng viên nhắc lại câu tục ngữ "Có làm thì mới có ăn" luôn quen thuộc và cần thiết với mỗi người Việt.