Hiện tại, các hội đồng thi bắt đầu chấm thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cụm thi phải chấm xong bài của thí sinh trước 20/7.
Cập nhật dữ liệu chấm thi vào hệ thống trước khi công bố
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho biết: Ngày 5/7, cụm thi số 3 đã hoàn thành việc làm phách. Sáng 6/7, Đại học Thủy lợi bắt đầu chấm thi THPT quốc gia 2016, dự kiến hoàn thiện trước ngày 13/7.
Năm nay, cụm thi số 3 của ĐH Thủy lợi có 12.161 bài thi môn Toán; Ngữ văn: 11.825; Tiếng Anh: 11.338; Địa lý: 4.834; Lịch sử: 1.120.
Số cán bộ chấm thi là: Toán: 66, Văn: 87, Tiếng Anh: 56, Địa lý: 22, Lịch sử: 18.
Đại học Thủy lợi lựa chọn cán bộ chấm thi từ các trường đại học khác và trường phổ thông, ưu tiên những giảng viên năm ngoái đã tham gia công tác chấm thi của trường.
PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, cụm thi này đã làm xong phách bài thi. Trường bắt đầu chấm từ ngày 7/7.
Theo lãnh đạo nhà trường, trường nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của Bộ GD&ĐT chấm thi môn trắc nghiệm. Khoảng 80 cán bộ giảng viên trong trường tham gia chấm môn Toán. Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, nhà trường ký hợp đồng với giáo viên THPT trên địa bàn chấm.
Cán bộ chấm thi được tập huấn tại Đại học Thủy lợi ngày 6/7. Ảnh: Quyên Quyên. |
Năm nay, cụm thi Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng cộng 12.623 thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ đến làm bài các môn đều đạt trên 91% tổng số đăng ký tham dự.
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện có 32 giảng viên tham gia chấm thi, cùng 159 giáo viên THPT ở Hải Dương. Học viện chấm thi từ ngày 8/7, dự kiến công bố điểm trước ngày 20/7.
Theo PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cán bộ chấm thi chủ yếu là giáo viên của các trường THPT ở Đà Nẵng. Các cán bộ chấm thi phải làm việc cả hai ngày cuối tuần để đảm bảo tiến độ.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga chỉ đạo: Các hội đồng tổ chức chấm thi đúng quy chế, đảm bảo quy định, thời gian, sự chính xác và công bằng giữa các hội đồng thi.
Các cụm thi chấm bài xong sẽ phải cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để Bộ GD&ĐT kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu đã được lưu trữ ở hội đồng thi.
Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển về các Sở GD&ĐT ở các địa phương để trường ĐH, CĐ công bố cho thí sinh.
Chấm thi theo hướng mở
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho biết, tất cả phòng chấm thi đều có camera theo dõi. Đặc biệt, khu vực chấm thi trắc nghiệm, camera hoạt động 24/24 giờ. Ngoài ra, các phòng thi còn có công an, cán bộ thanh tra của trường tham gia theo dõi, đảm bảo tính nghiêm túc, chặt chẽ.
Năm nay, Đại học Thủy lợi bổ sung 100 cán bộ của trường thực hiện nhiệm vụ thư ký, chuyên đảm nhiệm việc kiểm tra điểm vênh giữa hai vòng chấm.
Khi có sự chênh lệch về điểm thành phần và điểm tổng, thư ký ghi theo ký hiệu trên phiếu chấm cá nhân, cụ thể những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm (đối với Toán, Văn, Sử, Địa) hoặc 0,2 điểm (đối với tiếng Anh) trở lên.
Nhà trường tránh trường hợp hai giáo viên ở vòng chấm trước tự kiểm tra lại, có thể quy trình không được chặt chẽ.
Tất cả quy trình kiểm tra và sửa vênh giữa hai vòng chấm phải được lưu lại, việc sai lệch sẽ được trao đổi với ban giám hiệu để hoàn thiện dần trong các bài thi tiếp theo.
Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, do đặc thù những môn thi xã hội không có barem chặt chẽ như môn tự nhiên, đề thi mở nên giáo viên cũng phải chấm theo cách mở, tôn trọng quan điểm của học sinh.
Cách chấm các môn thi này phải được trao đổi thường xuyên, đảm bảo sự công bằng, không theo ý tưởng chủ quan của người chấm.
Nhà trường sẽ tăng cường nhắc nhở để cán bộ coi thi đảm bảo sự tập trung, làm việc cẩn thận, không tụ tập, nghỉ ngơi quá lâu.
Liên quan công tác chấm thi, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho rằng, trường luôn chú trọng khâu thảo luận đáp án, nhất là môn Ngữ văn, để thống nhất quan điểm khi chấm hai vòng độc lập.
PGS Đoàn Quang Vinh thông tin, kỳ thi năm ngoái, môn Ngữ văn phải thảo luận đáp án một ngày.
Quán triệt cán bộ chấm thi giữ bí mật
Trước đó, ngày 5/7, Bộ GD&ĐT có công văn về việc tăng cường chỉ đạo công tác chấm thi, công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo đó, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo trực tiếp việc làm phách và bảo đảm an toàn, bảo mật của số phách; tổ chức nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, hướng dẫn chấm, biểu điểm; thực hiện nghiêm túc quy định chấm chung để thống nhất trong chấm thi.
Việc chấm thi phải được thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập và tại hai phòng chấm riêng biệt; thực hiện đúng các quy định về cách ghi điểm và quy điểm; chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo cùng tiến độ chấm của Ban chấm thi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu quán triệt cán bộ chấm thi giữ bí mật, không được cung cấp thông tin về hoạt động của Ban chấm thi và nội dung bài làm của thí sinh, ngoài các báo cáo chính thức của Ban chấm thi; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra.
Việc chấm thi và lên điểm phải hoàn thành trước ngày 20/7.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm là thay đổi về làm tròn 0,25 điểm bài thi trắc nghiệm.
Cụ thể, tổ chấm thi tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm).
Điều này có nghĩa Hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy nếu thí sinh được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm.
Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.