Ngay sau kỳ thi THPT quốc gia, các cụm thi tại TP HCM đã bắt đầu công tác chấm thi. Các trường đại học phụ trách cụm thi các tỉnh vận chuyển bài thi về TP HCM chấm với sự hộ tống, bảo vệ của công an các tỉnh.
Năm nay, ngoài giảng viên, nhiều trường ĐH phải mời thêm giáo viên THPT đang dạy tại TP HCM, Đồng Nai và các tỉnh chấm thi. Có trường chuyển bài cho các trường đại học bạn chấm.
Khẩn trương chấm thi
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, nhà trường bắt tay ngay vào làm phách bài thi trong chiều 1/7.
Ngày 7/7, 25 giảng viên, 120 giáo viên các trường THPT chấm thi môn Toán, 60 giáo viên THPT chấm thi môn Văn và 20 giảng viên cùng 80 giáo viên chấm thi phần tự luận môn Tiếng Anh. Các môn trắc nghiệm được chấm tại trường bằng máy. Dự kiến, khâu chấm thi hoàn tất trước 20/7.
Thí sinh rạng rỡ sau môn thi Vật lý chiều 2/7 tại điểm thi ĐH khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: Phước Tuần |
TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), cho hay, bắt đầu từ hôm nay, 5/7, trường sẽ làm phách và chấm thi ngay. Các môn tự luận do giảng viên ĐH, giáo viên THPT tại TP HCM chấm thi. Môn Văn do giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) đảm nhiệm, đổi lại trường nhận chấm môn Toán cho cụm thi Nhân văn.
Năm nay trường huy động 134 cán bộ chấm thi, trong đó 121 giáo viên THPT ở TP HCM.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), trường đã phối hợp Sở GD&ĐT TP HCM huy động tối đa lực lượng chấm thi và dự kiến ngày 18/7 sẽ xong.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM, cho biết, kết thúc từng môn, bài thi được vận chuyển về hội đồng trung tâm của Phân hiệu ĐH Nông lâm TP HCM ở Gia Lai. Sau đó, toàn bộ bài thi được chuyển từ Gia Lai về TP HCM trong ngày 5/7. Kế hoạch chấm thi của trường là từ ngày 9/7 đến 18/7.
Năm nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM làm phách tại Phan Thiết (Bình Thuận), sau đó vận chuyển bài thi vào TP HCM chấm. Ngoài giảng viên của trường, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mời thêm giáo viên THPT tại Đồng Nai và các quận 9, Thủ Đức tham gia chấm thi. Trường sẽ chấm từ ngày 6/7 và dự kiến hoàn thành trong 19/7.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM sẽ làm phách vào ngày 5/7, từ ngày 7 đến 15/7 sẽ chấm bài thi.
Lực lượng công an các tỉnh có nhiệm vụ áp tải, bảo vệ bài thi về đến các điểm chấm an toàn.
Thí sinh được 4,995 điểm mới được làm tròn 5
Năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết thay đổi phương thức làm tròn điểm và quy định chặt hơn trong công tác chấm phúc khảo bài thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tất cả hội đồng thi trên cả nước phải có trách nhiệm công bố kết quả thi cho thí sinh.
Một trong những điểm đáng chú ý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 là Bộ GD&ĐT thay đổi về làm tròn 0,25 điểm bài thi trắc nghiệm.
Cụ thể, tổ chấm thi quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm).
Thí sinh ngủ gục trước giờ thi môn Toán tại điểm thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: Phước Tuần |
Điều này có nghĩa hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy, nếu thí sinh được 4,99 cũng không được làm tròn thành 5, chỉ trường hợp 4,995 trở lên mới được làm tròn điểm.
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, các hội đồng chấm thi phải siết chặt quy định về chấm phúc khảo. So với dự thảo, thông tư sửa đổi chính thức đã bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn về kết quả chấm phúc khảo.
Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
Các cụm thi chấm bài xong sẽ phải cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để Bộ GD&ĐT kiểm tra, đối chiếu dữ liệu đã được lưu trữ ở hội đồng thi. Sau đó, Bộ GD&ĐT chuyển về các Sở GD&ĐT ở địa phương để các trường ĐH, CĐ công bố cho thí sinh.
Năm nay, các địa phương có thể không công bố điểm thi đồng nhất, mà tỉnh có trước, tỉnh sau.
Trong chuyến kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại các điểm thi ở TP HCM, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý các trường ĐH chủ trì cụm thi việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng mạng để đảm bảo công bố kết quả thi không bị nghẽn mạng. Bên cạnh đó, ông Ga cảnh báo các trường tình trạng ảo trong xét tuyển.
“Các trường phía Nam đều xét tuyển độc lập, không có nhóm xét tuyển chung nên cần tính toán kỹ tránh vượt chỉ tiêu. Để hỗ trợ các trường bớt tình trạng ảo, năm nay không quy định điểm đợt sau cao hơn đợt trước.
Nếu đợt đầu không tuyển đủ các trường có quyền gọi tiếp các đợt tiếp theo đến khi đủ chỉ tiêu. Các trường không được gọi gấp đôi chỉ tiêu trong một đợt, nếu thí sinh nhập học hết sẽ vượt chỉ tiêu. Năm nay, Bộ GD&ĐT kiểm soát rất chặt về chỉ tiêu” - ông Ga nhấn mạnh.