17h, cuộc họp báo bắt đầu, do Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì. Chánh văn phòng Hoàng Ngọc Phương – người phát ngôn của Bộ GD&ĐT, Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng và đại diện nhiều cơ quan tham dự.
Mở đầu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia kết thúc tốt đẹp. Tối nay, Bộ GD&ĐT sẽ gửi đáp án đến các trường, cụm thi để thực hiện công tác chấm thi.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu một số kết quả tóm tắt: Kỳ thi chuẩn bị chu đáo vì có sự kết hợp chặt chẽ của Bộ GD&ĐT và các trường, địa phương. Bộ đã ban hành quy chế từ sớm, tập hợp phần mềm, tập huấn kỹ nên ít sai sót. Chỉ có một số sai sót về chứng minh thư nhân dân do dài và liên quan môn thi. Đặc biệt, không có sai sót nhiều về điểm ưu tiên.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm nay, thí sinh thi tại 63 tỉnh, thành phố nên giảm thiểu ách tắc giao thông. Nhiều địa phương cung cấp suất ăn miễn phí cho sĩ tử.
Về công tác tổ chức, Bộ GD&ĐT thành lập 14 đoàn thanh, kiểm tra, nhất là khâu coi thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các thứ trưởng đã kiểm tra tại các địa phương, nhất là vùng khó khăn để kịp thời động viên, chỉ đạo.
Năm nay, 81.153 giám thị được huy động tham gia kỳ thi. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh dự thi cao, trên 99%. Số học sinh bỏ thi chủ yếu là thí sinh tự do.
Kiểm soát chặt khâu chấm thi
Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo chuẩn bị đội ngũ chấm thi. Đến ngày 20/7, tất cả các cụm thi phải chấm xong bài của thí sinh. Yêu cầu đảm bảo kế hoạch chấm thi hết sức khắt khe.
Năm nay, sau khi chấm xong, các trường, địa phương, đại học chủ trì chấm thi gửi kết quả đến Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ công bố kết quả chấm thi tại tất cả các cụm thi, đảm bảo đường truyền ưu tiên thực hiện thông suốt, tránh sự quá tải giống năm ngoái.
Cán bộ chấm thi phải được tập huấn về công tác làm tròn điểm đến hai chữ số, chấm hai vòng độc lập giữa giám thị 1 và giám thị 2. Công tác chấm thi phải được thực hiện tốt, tạo sự công bằng và niềm tin cho xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, kỳ thi năm nay được coi là phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.
"Tâm lý chúng ta vẫn còn nghi ngại vì tính công bằng của năm đầu tiên, nhưng năm nay đã tạo được niềm tin. Sự lo lắng về sự an toàn, nghiêm túc sẽ được xóa bỏ. Chúng ta có đủ điều kiện về cơ sở lý luận thực tiễn để tiếp tục thực hiện kỳ thi trong năm tiếp theo", ông Ga nói.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Ngân Giang. |
Ma trận đề thi nhằm mục đích "hai trong một"
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, công tác ra đề thi được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi. Các cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Họ, nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.
Đề thi đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân loại cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Điều này có thể cải thiện được phổ điểm, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh thuận lợi, nhất là các trường top trên.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh, khi có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ.
Không có chuyện lộ đề thi Ngữ văn
Trước câu hỏi có người tung tin lộ đề thi Ngữ văn trên mạng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã có văn bản trả lời chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Thông tin thất thiệt về lộ đề thi, đề thi sai từng diễn ra từ những năm trước đây, gây nhiễu loạn tinh thần sĩ tử", Thứ trưởng Ga nói.
Ngay sau khi có nguồn tin lan truyền về vấn đề này, Ban chỉ đạo đã có những phương án kịp thời, quyết liệt, nhằm ổn định tâm lý, đảm bảo chất lượng tốt cho việc thí sinh tiếp tục làm bài các môn tiếp theo.
Về câu hỏi đề thi năm nay được đánh giá tốt, Bộ GD&ĐT có dự định triển khai hình thức tương tự trong các năm tiếp theo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Đề thi trong những năm vừa qua có những bước cải tiến mạnh. Hiện nay, không có thí sinh hoang mang, bất ngờ trước cách ra đề của Bộ GD&ĐT. Học sinh chỉ cần học, ôn tập các kiến thức trong SGK.
"Đề thi năm nay được thí sinh đón nhận với tinh thần hào hứng. Việc ra đề thi những năm tiếp theo sẽ hướng theo tinh thần phát huy năng lực của thí sinh. Nếu đổi mới quá nhanh sẽ ảnh hưởng chất lượng làm bài do các em không kịp thích ứng. Mọi thay đổi sẽ được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ lưỡng", Thứ trưởng Ga khẳng định.
Cũng liên quan đề thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng đánh giá: Kỳ thi năm nay đạt được bước phát triển. Năm 2014-2015, khi xây dựng đáp án mở, hướng dẫn chấm có gợi ý một số nội dung mang tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu. Học sinh sáng tạo, không sai mục tiêu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đều được chấm điểm.
Bộ GD&ĐT đã tập huấn chuẩn bị cán bộ giáo viên chấm thi tốt. Năm nay, công tác chấm mở được bảo đảm. Việc ra đề mở cho thí sinh đòi hỏi cán bộ phải chấm theo dạng mở, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.
"Ngoài ra, trong quy chế không nói đến việc thưởng hay trừ điểm cho tính sáng tạo của thí sinh. Đối với một số trường hợp làm bài đặc biệt, chúng tôi sẽ xem xét", ông Trinh nói.
Ông Mai Văn Trinh (bên trái) tại buổi họp báo. Ảnh: Ngân Giang. |
Bài thơ Tiếng Việt trong đề Ngữ văn được trích dẫn chính xác
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về sử dụng ngữ liệu trong bài thơ Tiếng Việt của Nhà thơ Lưu Quang Vũ ở đề Ngữ Văn. Tại sao Bộ GD&ĐT không sử dụng một văn bản thống nhất để tránh gây tranh cãi trong kỳ thi mang quốc gia? Việc học sinh tiếp cận văn bản này có ảnh hưởng kết quả thi? Bộ GD&ĐT có lường trước được sự tranh cãi không?
Ông Mai Văn Trinh trả lời: Quy chế yêu cầu đề thi THPT quốc gia phải đề cập các nội dung chương trình thuộc THPT, chủ yếu lớp 12. "Chúng tôi khẳng định, tất cả đều đã đạt mục tiêu đó. Nguồn ngữ liệu được sử dụng trong đề thi hoàn toàn chính xác, việc tranh luận trong văn học luôn là điều thú vị. Cuốn sách Bộ GD&ĐT đã sử dụng nguồn dữ liệu là Thơ việt Nam 1945-1985. Đây là cuốn sách gốc, dễ dàng tìm thấy ở tất cả các thư viện trên địa bàn Hà Nội".
Liên quan phương án giảm thiểu những rủi ro trong quá trình xét tuyển sau khi có điểm thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng cho biết, giảm thời gian đăng ký xét tuyển trong đợt 1 xuống 10 ngày là sự điều chỉnh có cơ sở thực tiễn.
"Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và chạy thử phần mềm để phục vụ cho việc đăng ký xét tuyển được đơn giản, nhanh nhất. Thí sinh không phải quá hồi hộp trong thời gian chờ đợi xét tuyển, nên căn cứ kết quả tuyển sinh các năm trước để cân nhắc nộp hồ sơ", ông Trinh cho biết.
Gần 900.000 thí sinh dự thi
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.
Theo dữ liệu được chuyển về từ các hội đồng thi, tổng số thí sinh tự thi THPT quốc gia năm 2016 là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015).
Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 286.129, đạt tỷ lệ 32% (năm 2015 là 28%).
Số thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 519.497 em (chiếm 59%), tương đương năm ngoái.
Số thí sinh thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 81.770, đạt 9% (năm 2015 là 13%).
2016 cũng là năm toàn quốc có nhiều hội đồng thi THPT quốc gia nhất, tất cả các tỉnh thành đều có cụm thi. Trong đó, Hội đồng thi đại học là 70, hội đồng thi tốt nghiệp 50.
Kỳ thi năm nay có 1.482 điểm thi trên toàn quốc và có tất cả 31.668 phòng thi. Sau bốn ngày thi, các cụm thi đã đình chỉ hàng trăm thí sinh vi phạm quy chế thi.