Ngày 19/10, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”.
Theo báo cáo, từ tháng 3/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk xây dựng và triển khai phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, cụ thể là mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”.
Qua 6 tháng triển khai, công an toàn tỉnh có 225 trang Zalo được xác thực với hơn 129.200 lượt người theo dõi; 184/184 xã, phường, thị trấn đưa vào vận hành trang Zalo.
Lực lượng cảnh sát khu vực, công an viên phụ trách địa bàn đã lập 975 nhóm Zalo thôn, buôn, tổ dân phố. Các trang Zalo đã đăng tải 12.095 bài viết, thu hút gần 5 triệu lượt xem.
Qua đó, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 568 tin báo liên quan đến an ninh trật tự; trả lời, hướng dẫn 5.264 lượt câu hỏi liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành công an.
Mô hình đã góp phần kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh (số vụ xâm phạm trật tự xã hội trong 9 tháng qua của năm 2020 giảm 6,58% so với cùng kỳ năm 2019).
Trung tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.T. |
Phát biểu tại hội nghị, trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” tại Đắk Lắk hoạt động khá bài bản, chất lượng, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Ông Tỏ đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai mô hình với nội dung, hình thức phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Ngoài ra, công an tỉnh cần tham mưu hoàn thiện các quy trình, quy định về quản trị hệ thống kết nối, lưu trữ, tiếp nhận, trao đổi thông tin bảo đảm yêu cầu đặt ra về bảo an và bảo mật; kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trang, nhóm trên mạng xã hội có dấu hiệu giả mạo.
Các cá nhân, tổ chức nhận bằng khen của Bộ Công an. Ảnh: V.T. |
Từ hiệu quả mang lại, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị, công an các tỉnh, thành phố nghiên cứu mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” để cân nhắc ứng dụng, vận dụng những điểm tương đồng phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương, sát thực, hiệu quả.
Các cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an cần tham mưu lãnh đạo bộ và chủ trì hướng dẫn công an các địa phương thực hiện công tác bảo mật, an ninh an toàn thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ, quy trình tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm… khi sử dụng mạng xã hội trong công tác phòng chống tội phạm.
Dịp này, Bộ Công an đã trao bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk vì có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, triển khai mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”.