Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Chương - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải - khi trao đổi về Quy chế tuyển sinh năm 2018 Bộ GD&ĐT mới công bố.
Không có thay đổi nhiều trong quy chế mới
- Ông nghĩ sao về một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
- Quy chế tuyển sinh năm 2018 đã ban hành một số quy định có tính chất bổ sung so với quy chế tuyển sinh năm 2017, nên về cơ bản không có sự thay đổi nhiều.
Cụ thể như giảm điểm ưu tiên khu vực; về vấn đề này chúng ta thấy trong những năm qua, về kinh tế xã hội giữa các khu vực không có sự chênh lệch nhiều, điều kiện đào tạo như cơ sở vật chất và đội ngũ đã tương đồng, từ những năm thi 3 chung trước đây và gần đây là thi THPT quốc gia lấy điểm xét tuyển sinh đại học, kết quả của các khu vực so với KV3 có kết quả tốt hơn, nên việc điều chỉnh giảm xuống còn chênh lệch 0,25 điểm là hợp lý.
Về bổ sung đối tượng tuyển thẳng cũng là tạo điều kiện để các học sinh có kết quả học tập tốt trong quá trình học THPT được ưu tiên hơn để được học ở bậc đại học, tạo điều kiện cho các bạn học sinh phấn đấu ngay trong quá trình học.
Đối với việc làm tròn đến 2 chữ số thập phân, nhằm đảm bảo cho chính xác hơn giúp cho việc xét tuyển đảm bảo công bằng và chính xác. Ví dụ như điểm khu vực trước đây là 0,5 thì đến nay là 2 chữ số 0,25 vì vậy có sự khác nhau khi cộng điểm khu vực và các loại điểm khác.
Trong đề án tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường phải công bố kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp ra trường trong 2 khóa gần nhất, để đánh giá sức hút của xã hội đối với các ngành nghề, tạo điều kiện cho người học phân tích lựa chọn ngành nghề mình ưa thích và phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Như vậy, chúng ta thấy, năm nay Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh kịp thời khắc phục những hạn chế của năm trước, đồng thời tạo ra sự ổn định trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia, để các em yên tâm trong việc học và thi.
Ông Nguyễn Thanh Chương - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải. |
- Ông có lo lắng việc không quy định ngưỡng điểm sàn sẽ dẫn đến các trường tuyển sinh kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học?
- Việc không quy định mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Các trường đại học hiện nay cũng đã đều làm rõ chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, nên các trường cũng phải đảm bảo yêu cầu của chuẩn đầu vào.
Vì vậy, tôi cũng không lo lắng lắm về chất lượng, vì giả sử có trường lấy đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung của các trường thì sẽ nhận được sự đánh giá của xã hội và đương nhiên khi mà thấp quá sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra.
Đối với ĐH Giao thông Vận tải, chúng tôi sẽ luôn hướng tới phương án tuyển như mọi năm là điểm trúng tuyển phải lớn hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung, một số ngành sẽ chọn phương án tuyển sinh chất lượng cao.
Tạo công bằng hơn trong xét tuyển
- Ngược lại, đầu vào các trường sư phạm năm nay lại được thắt chặt hơn mọi năm. Ông có nghĩ điều này là hợp lý khi mọi năm tuyển sinh sư phạm vốn đã gặp khó khăn? Đây có phải là cách làm tốt để có được người giỏi vào học sư phạm?
- Đối với ngành sư phạm, đây là ngành đặc thù của nền giáo dục, chất lượng giáo dục phải được đánh giá từ các bậc học phổ thông. Vì vậy, nếu lựa chọn được những người giỏi được trở thành đội ngũ giáo viên sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục tốt. Vì vậy cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này, để có những học sinh học giỏi, có chất lượng học ngành sư phạm.
- Ông có lưu ý gì với thí sinh trước những điểm mới tuyển sinh năm nay?
- Như tôi đã nói ở trên, về việc thực hiện Quy chế tuyển sinh năm 2018 cơ bản như năm 2017, có một số điểm tạo điều kiện để học sinh phấn đấu và tạo công bằng hơn trong xét tuyển đại học.
"Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn cần xem chi tiết về đề án tuyển sinh của các trường sẽ chính thức công bố từ ngày 20/2/2018. Cuối cùng là dù quy chế của các năm có khác nhau nhưng các bạn đã có sự cố gắng phấn đấu trong học tập và có sự lựa chọn cho mình một cách đúng nhất, tôi nghĩ bạn sẽ thành công".
Ông Nguyễn Thanh Chương
Các em cần lưu ý, trước hết về ôn thi cần quan tâm trong kết cấu của đề thi bao gồm kiến thức lớp 12 và một phần kiến thức lớp 11 (khoảng 20%) và đã được công bố.
Về đăng ký các ngành nghề các bạn cần lưu ý nên tập trung vào những ngành nghề mà mình yêu thích, nên sắp xếp theo cấp độ, từ đó các bạn đối chiếu với năng lực học tập của mình (các kết quả thi thử, kiểm tra) để từ đó có sự lựa chọn cho phù hợp.
Mong muốn trên khả năng của mình bạn nên xếp ưu tiên 1 (để mình còn phấn đấu), tiếp đến là nguyện vọng phù hợp với khả năng và tiếp đến là các ngành thấp hơn.
- Cuối cùng, ông có thể chia sẻ những điểm mới, những điểm đáng lưu ý trong tuyển sinh vào ĐH Giao thông Vận tải năm nay?
- ĐH Giao thông Vận tải năm 2018 có một số điểm mới đó là bổ sung thêm 4 ngành mới đó là ngành Quản lý xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật Nhiệt và Toán ứng dụng. Tổng chỉ tiêu năm 2018 là 5.050 sinh viên, được tổ chức tuyển sinh tại Hà Nội (GHA) là 3.550 sinh viên và tại Phân hiệu TP.HCM là 1.500 sinh viên.
Về tổ hợp xét tuyển như các năm qua là tổ hợp A0 (Toán, Lý, Hóa); A1 (Toán, Lý, Anh) năm nay nhà trường bổ sung tổ hợp D7 (Toán, Hóa, Anh). Đây cũng là cơ hội để các em khối Tự nhiên có sự lựa chọn.