Công chúa Leonor của Hoàng gia Tây Ban Nha. |
Những tài khoản giả mạo này, một số được tạo bằng các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) tiên tiến, có hàng trăm nghìn người theo dõi, tự giới thiệu mình là công chúa cung cấp viện trợ tài chính, theo El País.
Trò lừa đảo hứa hẹn hỗ trợ tiền bạc đáng kể cho bất kỳ ai yêu cầu. Tuy nhiên, để nhận được khoản hỗ trợ này, nạn nhân được yêu cầu trả một "khoản phí nhỏ", thường lên tới vài trăm USD. Sau khoản phí ban đầu, kẻ lừa đảo yêu cầu thêm phí, gây áp lực cho nạn nhân cho đến khi họ hết sạch tiền. Cuối cùng, thủ phạm biến mất mà không cung cấp số tiền đã hứa.
Thủ đoạn tinh vi
"Tôi không chỉ mất tiền mà còn mắc một khoản nợ khổng lồ. Tôi đã nuôi hy vọng, và tất cả những gì tôi nhận được là nợ nần", Juana Cobo, 39 tuổi, nói qua điện thoại từ Nebaj ở Guatemala.
"Họ gửi cho tôi một tin nhắn trên TikTok nói rằng người đang nói chuyện với tôi là Công chúa Leonor, rằng tôi đã trúng 100.000 USD, nhưng tôi phải trả thuế 2.200 quetzales (khoảng 250 USD) để lấy số tiền đó. Tôi đã nghĩ nó là sự thật", Cobo kể.
Khi Cobo thực hiện khoản thanh toán đầu tiên, "Leonor" giả mạo đã yêu cầu thêm tiền - 1.000 quetzales (khoảng 130 USD) - để trang trải cho khoản "phí luật sư" được cho là của công chúa. Ngay sau đó, cô được thông báo rằng đã có sự hiểu lầm với khoản thanh toán đó và được yêu cầu gửi thêm 1.500 quetzales (195 USD).
Những yêu cầu như vậy tiếp tục với các lý do mới. Đến khi Cobo nhận ra đây là một vụ lừa đảo, cô đã trả tổng cộng 5.800 quetzales (khoảng 735 USD).
"Khi tôi nói với chúng rằng chúng là kẻ lừa đảo, tất cả đã biến mất. Chúng chặn tôi và tôi không bao giờ nghe tin gì từ đó nữa", cô nhớ lại. Mặc dù bị mất tiền, Cobo đã chọn không nộp đơn khiếu nại. "Điều đó sẽ chẳng có ích gì. Nếu chúng ở một quốc gia khác, thì có ích gì chứ?", cô than thở.
Hàng chục tài khoản giả danh Công chúa Leonor trên TikTok. |
Trò lừa đảo này là phiên bản cập nhật của lừa đảo thư hoặc thừa kế khét tiếng ở Nigeria, chỉ được khuếch đại bởi thuật toán mạnh mẽ của TikTok. Nhiều tài khoản "Princess Leonor" giả mạo này mời người dùng để lại bình luận giải thích lý do họ cần trợ giúp tài chính hoặc cung cấp thông tin liên lạc. Một số tài khoản hung hăng và rõ ràng hơn, trực tiếp yêu cầu số tài khoản ngân hàng để "gửi tiền hỗ trợ".
Thuật toán của TikTok ưu tiên các bài đăng có mức độ tương tác cao, nghĩa là các video từ những tài khoản giả mạo này - nhiều video có hàng nghìn bình luận - đạt được phạm vi tiếp cận lớn, một số video vượt quá 1 triệu lượt xem.
Trong vài tuần qua, El País đã theo dõi nhiều hồ sơ Leonor giả để hiểu rõ cách chúng hoạt động. Sau khi nạn nhân tiềm năng để lại bình luận, những kẻ lừa đảo sẽ bắt đầu liên lạc qua tin nhắn riêng tư và yêu cầu số điện thoại. Một số tài khoản thậm chí còn bao gồm liên kết trong tiểu sử TikTok của chúng để hướng dẫn người dùng đến tài khoản WhatsApp.
Sau khi liên lạc được, trò lừa đảo sẽ tiến triển thông qua các cuộc gọi điện thoại. Nếu kẻ lừa đảo là nam, hắn thường đóng giả làm luật sư của Công chúa Leonor; nếu là nữ, cô ta sẽ đóng giả chính công chúa.
Trong những cuộc gọi này, kẻ lừa đảo hứa sẽ gửi một khoản tiền lớn - đôi khi lên tới hơn 100.000 USD. Tuy nhiên, chúng tuyên bố rằng người nhận trước tiên phải thanh toán để trang trải "khoản tiền gửi để ký séc" hoặc "thuế". Những khoản thanh toán này thường dao động từ 100 đến 200 USD và phải được gửi đến nhiều tài khoản Western Union khác nhau. Tất cả các số điện thoại mà El País theo dõi và các tài khoản mà nạn nhân được hướng dẫn gửi tiền đều có trụ sở tại Cộng hòa Dominica.
Những kẻ lừa thúc giục việc gửi tiền càng nhanh càng tốt để ngăn nạn nhân nhận ra rằng họ đang bị lừa. Nếu có sự chậm trễ, những kẻ lừa đảo sẽ trở nên kiên trì và hung hăng. Trong một bản ghi âm WhatsApp, kẻ lừa đảo - giả làm luật sư của Công chúa Leonor - gây áp lực cho nạn nhân tiềm năng, đe dọa sẽ đưa "tờ séc" cho người khác nếu khoản thanh toán không được thực hiện kịp thời.
Người dễ bị tổn thương
Trong một biến thể phức tạp hơn của trò lừa đảo này, những kẻ thực hiện đã ngụy trang kế hoạch của chúng thành một cuộc thi đơn giản và kỳ lạ. Một Công chúa Leonor giả - được tạo ra bằng các công cụ AI để bắt chước chuyển động và giọng nói của cô - thách thức người dùng dừng một hình ảnh chuyển động ở một vị trí cụ thể để đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Một tài khoản TikTok quảng cáo phiên bản lừa đảo này đã thu hút được sự chú ý đáng kể, có hơn 410.000 người theo dõi.
El País đã liên hệ với TikTok Tây Ban Nha để báo cáo vụ lừa đảo. Sau khi xem xét, TikTok đã xóa một số tài khoản vì vi phạm nguyên tắc cộng đồng. Tuy nhiên, những tài khoản giả khác vẫn hoạt động.
El País cũng đã thông báo cho Hoàng gia Tây Ban Nha, nhưng họ từ chối bình luận về vấn đề này. Hoàng gia không duy trì bất kỳ sự hiện diện chính thức nào trên TikTok - một lỗ hổng mà những kẻ lừa đảo khai thác bằng cách thêm "tick xanh" vào ảnh đại diện của họ, tự giới thiệu mình là tài khoản đã xác minh.
Những kẻ lừa đảo tự nhận là Công chúa Leonor để lừa đảo những người gặp khó khăn, dễ bị tổn thương. |
Phân tích về hàng chục tài khoản gian lận này cho thấy những kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm vào những người cao tuổi - nhiều người tuyên bố chỉ cung cấp hỗ trợ cho những người trên 60 tuổi - đặc biệt là ở Mỹ Latinh và những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Đó là trường hợp của Juana Cobo, một phụ nữ Guatemala đang chăm sóc hai đứa con. "Tôi chẳng có gì cả. Tôi là trẻ mồ côi và thậm chí còn không có nhà riêng. Tôi muốn có tiền để sống tiếp", cô nói.
Cobo cho biết cô thậm chí còn không có đủ số tiền mà bọn lừa đảo yêu cầu. "Tôi đã phải vay mượn từ một người họ hàng. Bây giờ tôi không biết làm sao để trả lại cho họ". Tổng số tiền cô đã trả gần gấp đôi mức lương tối thiểu ở Guatemala.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.