"Bên cồn sao đám giỗ quài dị. Đám giỗ bình dân nhưng bên cồn thuê gánh hát" là hai câu hát viral trên mạng xã hội sau khi được TikToker Lê Tuấn Khang và mẹ anh thể hiện trong một clip.
Sau khi đoạn video lan truyền, dân mạng đã đua nhau chế tiếp lời bài hát, tạo ra các phiên bản remix, karaoke... Tất cả đều lấy nhạc và chế lại lời ca khúc Vọng Cổ Buồn (tác giả Minh Vy).
Trên TikTok, đã có khoảng 100.000 clip của người dùng sử dụng các âm thanh liên quan đến "Đám giỗ bên cồn", nhiều trong số này thu hút hàng triệu lượt xem.
Ngoài "Đám giỗ bên cồn", nhiều bài hát chế khác cũng lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt trên TikTok, trong thời gian gần đây. Một đoạn nhạc chế lời từ ca khúc Đi giữa trời rực rỡ (nhạc của bộ phim cùng tên do Ngô Lan Hương sáng tác) đã thu hút gần 8 triệu lượt xem trên một kênh TikTok chuyên làm và đăng nhạc chế.
Tương tự, video kết hợp giai điệu của ca khúc Last Christmas (George Michael sáng tác và phát hành lần đầu tiên vào năm 1984) và lời bài hát Pickleball (ca sĩ Đỗ Phú Quí) cũng nhận về 6 triệu lượt xem sau một tuần được đăng tải trên kênh này.
Sự lan truyền nhanh chóng của các clip cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để nhại theo giọng người nổi tiếng hoặc cách viết lời bài hát chế có nội dung châm biếm, chế giễu cá nhân.
Bản chế lời nổi hơn cả bài hát gốc
Không chỉ ở Việt Nam, nhạc chế phổ biến trên toàn thế giới và tất nhiên có lịch sử lâu đời hơn TikTok.
"Weird Al" Yankovic đã xây dựng sự nghiệp của mình bằng clip nhại lại những ca khúc nổi tiếng nhất trong những năm 1980 của các ngôi sao như Michael Jackson. Người đàn ông này nổi tiếng đến mức được mệnh danh là "King of Parody" và thậm chí còn có phim về cuộc đời ông, Weird: The Al Yankovic Story (2022, Daniel Radcliffe đảm nhận vai chính).
Nhiều bản chế lời của Weird Al còn được quan tâm hơn cả bài hát gốc. "Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng có rất nhiều bài hát nhại của ông mà chúng ta muốn nghe hơn là phiên bản gốc. Ai muốn nghe 'I Want It That Way' khi bạn đã có 'Ebay'? 'Like a Surgeon' không phải thú vị hơn nhiều so với 'Like a Virgin' sao?, tờ Dallas Observer từng nhận định.
Phiên bản chế lời của ca khúc "Đi giữa trời rực rỡ" lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Ngô Lan Hương/Facebook. |
Có nhiều lý do khiến những bản nhạc chế thường dễ viral và được yêu thích. Thứ nhất, nhạc chế lấy cảm hứng từ những bản hit nhưng lại đưa thêm các yếu tố hài hước trong ca từ, hình ảnh. Điều này tạo nên cảm giác vừa quen thuộc vừa thú vị cho người nghe.
Lấy ví dụ như Eat It của Weird Al. Ông đã biến Beat It của Michael Jackson thành một bài thánh ca hài hước về ẩm thực, cho chúng ta thấy rằng ngay cả tác phẩm của "Vua nhạc pop" cũng có thể có một khía cạnh nhẹ nhàng hơn.
Thứ hai, viết một bài nhạc chế đòi hỏi nhiều sự sáng tạo hơn mọi người nghĩ. Nó không chỉ là việc thay đổi ca từ, mà còn phải tạo ra được một câu chuyện hoàn toàn mới vẫn phù hợp với nhịp điệu và giai điệu của bài gốc. Điều này đòi hỏi sự dí dỏm sắc sảo và hiểu biết sâu sắc về cả tài liệu nguồn và chủ đề của bài nhại.
Ngoài tiếng cười, các ca khúc chế cũng thường mang tính châm biếm, thể hiện các vấn đề xã hội bằng góc nhìn hài hước.
Cuối cùng, mạng xã hội như TikTok, YouTube đóng vai trò quan trọng trong sự lan truyền của những ca khúc chế. Khi một bản nhại lại gây chú ý, sẽ có thêm hàng trăm, hàng nghìn clip "ăn theo trend" hoặc tạo ra thêm các phiên bản chế lời mới.
Nhiều bản nhạc chế theo ca khúc Pickleball (Đỗ Phú Quí) gây chú ý trên TikTok. |
Điều gây lo sợ
Những bài nhạc chế được tạo ra chủ yếu với mục đích gây cười hoặc châm biếm cũng có mặt đáng lo ngại, nhất là khi có sự tham gia của AI.
Hồi tháng 8, Verknallt in einen Talahon, ca khúc nhại theo nhạc pop schlager của thập niên 60, lọt Top 50 bài hát được nghe nhiều nhất ở Đức - thị trường âm nhạc lớn thứ 4 trên thế giới. Chưa đầy một tháng sau khi phát hành, bài hát đã có 3,5 triệu lượt phát trực tuyến trên Spotify và đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng lan truyền toàn cầu của nền tảng phát trực tuyến này.
Vấn đề là Verknallt in einen Talahon được Josua Waghubinger, (nghệ danh Butterbro) tạo ra hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo với rất nhiều lời lẽ bị cáo buộc miệt thị người nhập cư.
Marie-Luise Goldmann, biên tập viên văn hóa của tờ báo Die Welt, cho biết bài hát này nằm giữa ranh giới nhại lại và phân biệt đối xử.
"Chỉ riêng việc pha trộn văn hóa thanh niên di cư với chủ nghĩa bảo thủ schlager của Đức cũng đủ khiến nhiều người nghe vừa thích thú, vừa khó chịu. 'Talahon' (trong bài hát) không che giấu hình ảnh lạc hậu của anh ta (Butterbro) nhưng vẫn còn phải tranh cãi liệu anh ta có đang tầm thường hóa, tôn vinh hay tấn công hình ảnh đó hay không".
Việc sử dụng AI để nhại theo giọng người nổi tiếng trong các bài nhạc chế gây tranh luận. Ảnh: GA. |
Felicia Aghaye, cây bút của tạp chí âm nhạc Diffus, gọi sự phổ biến của bài hát này là "vấn đề kép" vì "talahon" vốn là một từ lăng mạ những người di cư trong giới trẻ Đức và Áo.
Một số bản nhạc chế lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam không hoàn toàn vô thưởng vô phạt khi có đề cập đến tên của những người nổi tiếng. Nhiều người xem đây là sự trêu đùa hài hước và nhiệt tình hưởng ứng, nhưng cũng có những người đặt đâu hỏi liệu đó có phải là sự công kích cá nhân, bắt nạt tập thể trên mạng xã hội.
Không chỉ dùng tên người nổi tiếng, việc sử dụng AI để nhại theo giọng hát của các ngôi sao trong những bài nhạc chế cũng gây tranh luận. Liệu Taylor Swift, Ariana Grande, Nicki Minaj... có hài lòng khi phong cách, giọng hát đặc trưng của họ được AI mô phỏng trong những bài hát chế gây cười hoặc có hàm ý nhạo báng người khác.
Một ca khúc có phiên bản giọng hát của Tupac Shakur do AI tạo ra đã được tải lên tài khoản Instagram của rapper người Canada Drake hồi tháng 4, nhưng đã biến mất sau khi luật sư của cố rapper này đe dọa khởi kiện.
Cùng thời điểm, nhà sản xuất Ghostwriter đã sử dụng AI để kết hợp giọng của Drake và The Weeknd trong bài hát Heart on My Sleeve. Ca khúc đã đạt được hàng triệu lượt nghe trên TikTok, Spotify, Apple Music, YouTube và các nền tảng phát trực tuyến khác chỉ sau một đêm, nhưng sau đó đã biến mất do yêu cầu gỡ bỏ từ Drake và hãng thu âm của The Weeknd, Universal Music Group.
Chủ sở hữu bản quyền Universal Music Group đã nói với Motherboard rằng các nền tảng có nghĩa vụ gỡ bài hát xuống và đặt câu hỏi về mục đích thực sự của những người sáng tạo sử dụng AI. "Những trường hợp này chứng minh lý do các nền tảng có trách nhiệm pháp lý và đạo đức cơ bản trong việc ngăn chặn chuyện sử dụng dịch vụ của họ theo cách gây hại cho nghệ sĩ. Chúng tôi rất vui mừng khi các đối tác nền tảng của chúng tôi tham gia vào các vấn đề này, vì họ đã nhận ra rằng mình cần phải là một phần của giải pháp", công ty tuyên bố.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.