Diệp Lê đăng bài xin lỗi Tuấn Khang vào tối 1/12. |
Tối 1/12, 3 TikToker Diệp Lê, Gon Pink và Dương Quốc Mỹ đồng loạt đăng bài xin lỗi TikToker Lê Tuấn Khang và khán giả.
Trước đó, ngày 28/11, Khiết Đan, người có 3,9 triệu người theo dõi trên TikTok, cũng chia sẻ lời xin lỗi lên trang cá nhân.
Những bài đăng xuất hiện sau khi 4 TikToker này bị chỉ trích dữ dội vì được cho có lời lẽ "cà khịa", "đá đểu" Lê Tuấn Khang và người theo dõi "chàng trai chăn vịt". Không chỉ bỏ theo dõi, khán giả còn dọa sẽ tẩy chay mọi nhãn hàng, livestream hợp tác với những người có sức ảnh hưởng này.
Chuyện gì đã xảy ra?
Ồn ào bắt nguồn từ một sự cố tại sự kiện TikTok Awards Việt Nam 2024 với chủ đề "The icons of tomorrow, today - Dấu ấn hiện tại tạo cảm hứng tương lai" vào tối 23/11.
Cụ thể, người được xướng tên chiến thắng ở hạng mục Entertainment Creator Of The Year (Nhà sáng tạo nội dung giải trí của năm) là Lê Tuấn Khang. Tuy nhiên, khi Tuấn Khang bước lên sân khấu nhận giải, MC Hoàng Oanh lại đọc tên cũng như nói về thành tích của Khiết Đan. Màn hình LED của chương trình cũng chiếu hình ảnh và thông tin của Khiết Đan.
Sự cố khiến fan của hai TikToker tranh cãi. Dân mạng cũng bàn tán, so sánh độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng của Tuấn Khang và Khiết Đan.
Khiết Đan và Lê Tuấn Khang là hai cái tên gây bàn tán sau sự cố tại lễ trao giải của TikTok. |
Trong khi Tuấn Khang vẫn im lặng sau sự cố, ngày 27/11, Khiết Đan đăng clip quay cùng hội bạn TikToker gồm Diệp Lê, Gon Pink và Dương Quốc Mỹ. Các TikToker này nói: "3-4 năm nay lướt TikTok không biết Khiết Đan là ai". Diệp Lê thậm chí nhắc đến tên Tuấn Khang: "Chị biết Lê Tuấn Khang thôi à. Qua vụ đó mới biết Khiết Đan đó".
Nhiều người cho rằng những lời lẽ này nhằm "khịa" Tuấn Khang và những người hâm mộ anh chàng. Hội bạn TikToker bị chỉ trích dữ dội, bị so sánh với những nhân vật xấu tính trong bộ phim Mean Girl (2004).
Dương Quốc Mỹ và Gon Pink bị chỉ trích sau khi xuất hiện trong clip gây tranh cãi của Khiết Đan. |
Sau khi nhận nhiều bình luận lên án, Khiết Đan nhanh chóng xóa clip. Tuy vậy, làn sóng chỉ trích vẫn lan rộng, buộc TikToker này phải lên tiếng xin lỗi Tuấn Khang và khán giả trên trang cá nhân. Anh khẳng định giữa mình và Tuấn Khang không có hiềm khích nên chỉ muốn làm clip hài hước chứ không có ý "khịa" người khác.
Vụ lùm xùm cũng khiến nhóm bạn TikToker mất nhiều người theo dõi và "tick xanh" trên nền tảng. Các nhãn hàng hợp tác với những TikToker này cũng bị đe dọa tẩy chay. Trong phiên livestream hôm 29/11 của Diệp Lê, khán giả tràn vào thả "phẫn nộ" cũng như yêu cầu cô xin lỗi.
Đến ngày 1/12, Diệp Lê, Gon Pink, Dương Quốc Mỹ lần lượt đăng bài xin lỗi. Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích vẫn chưa dừng lại vì nhiều người cho rằng các TikToker này chỉ xin lỗi vì sợ bị tẩy chay, ảnh hưởng công việc.
Ngược lại, sau sự cố tại lễ trao giải, Lê Tuấn Khang trở thành cái tên được quan tâm, tìm kiếm. Lượng follower của anh chàng đang tăng chóng mặt và hiện vượt mốc 10 triệu. Các clip trên kênh TikTok của anh cũng tăng lượt xem đột biến, một trong số đó đạt hơn 100 triệu view chỉ sau 15 giờ đăng tải.
"Cỗ máy chém" trên TikTok
Làn sóng chỉ trích các TikToker là một phần của văn hóa tẩy chay rộng lớn. Ở mỗi thời kỳ, văn hóa tẩy chay lại có những đặc điểm riêng biệt. Vào những năm 1880, "boycott" xuất hiện và thường được dịch là "tẩy chay". Nhưng khi mạng xã hội phát triển vào những năm 2010, mọi người thường nhắc đến "cancel culture" khi nói về làn sóng bài trừ một nhân vật nào đó.
Nếu boycott thường hiểu hiện bằng không mua, biểu tình chống đối thì cancel cuture thường là tách một người ra khỏi kết nối của họ với cộng đồng.
Nhưng cancel culture cũng đã là chuyện của năm ngoái. Những nhân vật nổi tiếng trên TikTok có hành vi và phát ngôn sai trái đang bị cộng đồng trực tuyến xử phạt nặng hơn với khái niệm mới được gọi là "digitine".
Haley Kalil gây phẫn nộ vì một clip tại Met Gala. |
Digitine (viết tắt của "digital guillotine") là hình thức tẩy chay cực đoan hơn, được mệnh danh là "cỗ máy chém" trên TikTok, bao gồm việc chặn mọi nguồn sống của một nhân vật có ảnh hưởng, từ những người nổi tiếng đến những người sáng tạo nội dung.
Digitine do một TikToker tên Rae đặt ra vào đầu năm nay. Và người đầu tiên bị "kết án" là người mẫu/người có sức ảnh hưởng Haley Kalil.
Một đoạn video ghi lại cảnh Kalil nhép câu hát khét tiếng "Let them eat cake" được cho là của Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, trong khi mặc một chiếc váy hoa lấy cảm hứng từ thế kỷ 18 lúc đưa tin về Met Gala cho E! hồi tháng 5 đã bị chỉ trích nặng nề.
Đoạn clip lan truyền của Kalil bị chỉ trích là không phù hợp trong bối cảnh xung đột căng thẳng Israel-Hamas. TikToker này sau đó đăng bài xin lỗi dài vì đã chọn "một âm thanh mà các bạn có thể cảm thấy có bản chất ác ý".
Trong nền kinh tế sáng tạo, nơi sự tương tác đồng nghĩa với tiền bạc, động thái chặn người có ảnh hưởng nhằm mục đích tác động đến thu nhập của người đó là hành động tẩy chay rõ ràng, cơ bản nhất. "Chúng ta đã trao cho họ mọi thứ. Đã đến lúc lấy lại nó", Rae tuyên bố.
Kalil đã mất gần 4 triệu người theo dõi trên TikTok chỉ trong vài ngày.
Phó giáo sư Paromita Pain - giảng viên tại Đại học Nevada, Reno (Mỹ) - nói với The New York Post: "Điều chắc chắn đáng ăn mừng vào thời điểm này là mọi người đang sử dụng những cơ chế mới để lên tiếng, phản đối và trong quá trình đó, duy trì các nguyên tắc cộng đồng".
Mặc dù không chắc liệu phong trào được một số người gọi là "chiến dịch chặn đứng" này có tạo ra tác động lớn hay không, bà Pain nói thêm rằng xu hướng này ít nhiều cũng "cho chúng ta thấy sức mạnh của người dùng mạng xã hội và cách họ có thể trở thành động lực cho sự thay đổi tích cực".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.