Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cộng đồng chung tay giúp đỡ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Mất việc, thu nhập giảm vì Covid-19, người lao động nghèo cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để vượt qua nỗi lo cơm áo gạo tiền trong giai đoạn khó khăn.

Hoạt động trong lĩnh vực may mặc, xuất nhập khẩu, công ty của chị Tăng Thị Hồng Xuân (công nhân, quê Tiền Giang) khó tránh khỏi tác động tiêu cực từ Covid-19. Sau nhiều tháng cầm cự, công ty buộc ra quyết định tạm hoãn hợp đồng 3 tháng đối với 70% lao động. Đây là một trong những giải pháp cấp bách, giúp công ty giảm bớt gánh nặng chi phí trước thực trạng hàng xuất đi chưa kịp thanh toán, tồn đọng ở kho nhà máy.

Không may mắn, chị Hồng Xuân nằm trong số nhân sự bị cắt giảm. Tuy đồng cảm cùng khó khăn của doanh nghiệp, chị không khỏi buồn bã vì nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai. Nữ công nhân đang là trụ cột chính của gia đình có mẹ già 70 tuổi và 2 con nhỏ đang trong tuổi ăn học. Trong khi đó, chồng chị lại hay đau ốm, dù cố gắng nhưng công việc của anh không mấy ổn định, thu nhập không cao.

Nhiều năm qua, chị Hồng Xuân rời Tiền Giang lên Bình Dương làm công nhân may với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. Dành 2/3 thu nhập để gửi về nhà, số tiền còn lại nữ công nhân thắt lưng buộc bụng, trang trải cuộc sống tại xứ người. Dù cuộc sống vất vả, đôi khi đau ốm, chị vẫn lạc quan, làm việc chăm chỉ, mong đợi mẹ già khỏe mạnh, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Len cung Viet Nam anh 1

Ngôi nhà lụp xụp của chị Hồng Xuân tại Cái Bè, Tiền Giang.

Tuy nhiên, dịch bệnh khiến cuộc sống của chị trở nên vất vả hơn. Thời gian này, chị Hồng Xuân chủ yếu làm thời vụ cho một số cơ sở sản xuất, với 3-4 ngày công/tuần. Chị cho biết mình khó tìm được công việc ổn định vì tuổi đã lớn, sức khỏe không cho phép. Mất đi nguồn thu nhập chính, gia đình chi rơi vào cảnh túng quẫn, gặp không ít khó khăn.

Hiện tại, chị Hồng Xuân cũng như nhiều lao động mất việc chỉ còn cách trông đợi vào sự trợ giúp của cộng đồng. Trước mắt, họ mong mỏi nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để tìm được một công việc ổn định. Đồng thời, mỗi phần quà từ túi gạo đến gói mì đều có ý nghĩa quan trọng, giúp họ vơi đi gánh nặng mưu sinh.

Hiểu được mong đợi này, các nhà hảo tâm, tổ chức nhân ái cùng nhiều doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chức những chương trình thiện nguyện, hỗ trợ vật chất và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người lao động nghèo. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, cả xã hội thực hiện giãn cách, người Việt xa mặt nhưng không cách lòng, cùng nhau đoàn kết lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp.

Những chương trình như ATM gạo, siêu thị 0 đồng, suất cơm miễn phí… trở thành điểm sáng, sưởi ấm cho những mảnh đời thiếu may mắn. Đây có thể chỉ là những phần quà nhỏ nhưng phần nào đã giúp bà con giảm bớt gánh nặng mưu sinh, giữ vững tinh thần lạc quan vượt qua giai đoạn khó khăn.

Len cung Viet Nam anh 2

Tinh thần tương thân tương ái của người Việt được lan tỏa trong thời dịch. Ảnh: Reuters, AFP.

Sau 2 đợt bùng phát, tình hình Covid-19 tại Việt Nam tương đối được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người lao động. Vì thế, thời gian này, tinh thần tương thân tương ái vẫn không ngừng được lan tỏa, nhằm giúp những hoàn cảnh như chị Hồng Xuân sớm ổn định công việc để chăm lo cho gia đình.

Tiếp nối tinh thần ấy, mới đây, Sabeco khởi xướng chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam”, đặt mục tiêu gây quỹ lên đến hàng tỷ đồng để hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid 19 trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Nhờ hướng đến ý nghĩa cao đẹp, dù mới khởi động, chương trình đã nhanh chóng được cộng đồng đón nhận.

Len cung Viet Nam anh 3

Chương trình chạy hứa hẹn quyên góp hàng tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tính đến nay, hơn 100 người chạy tinh tuyển từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã đăng ký chinh phục “Đường chạy di sản” 1.875 km từ Hạ Long đến TP.HCM và “Đường chạy tương lai” 145 km từ TP.HCM về Cần Thơ. Mỗi người chạy sẽ hoàn thành một cung đường cụ thể theo sự sắp xếp của ban tổ chức và gây quỹ thông qua mối liên kết với cộng đồng.

Cùng với đó, các cá nhân, tổ chức có thể tham gia quyên góp thông qua cổng thanh toán của chương trình hoặc tham gia hoạt động chạy ảo - Virtual Run. Đây được xem là điểm sáng tạo của chương trình chạy tiếp sức, vì chỉ cần có smartphone, bất cứ ai cũng có thể đồng hành cùng chương trình, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam” do Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khởi xướng, với mục tiêu kêu gọi cộng đồng chung tay tiếp sức cho những người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19. Dự án cũng là cột mốc đánh dấu 145 năm doanh nghiệp chung vai sát cánh cùng đất nước.

Hoạt động chạy tiếp sức “Lên cùng Việt Nam” chính thức bắt đầu từ 17/10 đến 26/10. Hoạt động quyên góp kéo dài từ 9/9 đến 30/11. Mọi người có thể trực tiếp tham gia gây quỹ bằng cách đăng ký trên website lencungvietnam.sabeco.com.vn. Tổng số tiền quyên góp sẽ được trao đến công nhân lao động Việt Nam trước Tết Nguyên đán 2021.

Giang Hoàng Lam

Bình luận

Bạn có thể quan tâm