Sau 4 năm, vụ án "Phòng chat thứ N" mới đây một lần nữa khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ khi cơ quan cảnh sát bắt giữ thêm 5 nghi phạm, trong đó 2 nghi phạm nam là cựu sinh viên Đại học Quốc gia Seoul (SNU). Những cựu sinh viên này được cho là đã tạo và phát tán nội dung tấn công tình dục liên quan đến các sinh viên nữ trong trường.
Nhưng trong khi tình tiết mới của "Phòng chat thứ N" thu hút sự chú ý lớn từ công chúng, một số người bày tỏ thất vọng khi một vụ quấy rối tình dục khác liên quan đến diễn đàn mạng dành cho phụ nữ, trong đó nạn nhân bị quấy rối là nam giới, lại ít được quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng nạn nhân là nam giới đang bị "phân biệt đối xử ngược".
Vụ việc liên quan đến một cộng đồng trực tuyến dành cho phụ nữ, có hơn 840.000 thành viên - những người bị cáo buộc phát tán trái phép thông tin nhạy cảm của những người đàn ông họ bắt gặp trên ứng dụng hẹn hò, trong đó có cả lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Vụ án liên quan đến cộng đồng dành cho phụ nữ được nhiều người gọi là "Phòng chat thứ N phiên bản nữ". Ảnh: fm.korea. |
Theo thông tin, ngày 27/5, Đơn vị điều tra mạng của Cơ quan cảnh sát thủ đô Seoul đang điều tra sơ bộ về vụ án phỉ báng tình dục liên quan đến cộng đồng trực tuyến dành cho phụ nữ.
Các thành viên nữ trong nhóm này bị cáo buộc đăng các hình ảnh và cả ghi âm bất hợp pháp, bao gồm của trẻ vị thành niên, và đưa ra các bình luận tục tĩu về cơ thể, bộ phận sinh dục của những đàn ông được đề cập.
Nhiều người gọi vụ án này là "Phòng chat thứ N phiên bản nữ". Trên mạng xã hội thậm chí có một meme gọi những người phụ nữ trong cộng đồng này là "Cheonryongin". Qua đó có thể thấy hành vi bất hợp pháp đã tồn tại từ lâu nhưng không bị lên án, cũng không có tờ báo nào đưa tin.
Điều này đã làm dấy lên cáo buộc "phân biệt đối xử ngược" từ nam giới. Họ cho rằng vụ án đang nhận được ít sự quan tâm của dư luận và nỗ lực điều tra yếu hơn so với vụ án "Phòng thứ N của SNU".
Các ý kiến cho rằng vụ án liên quan đến cộng đồng nữ cho thấy phụ nữ cũng có thể là thủ phạm của quấy rối tình dục, nhưng mức độ bảo vệ đối với các nạn nhân nam giới có vẻ yếu hơn.
Bên cạnh đó, một số người cho rằng thủ phạm là nữ sẽ được nhận mức phạt khoan hồng, đồng thời cáo buộc "các nhà báo tránh công khai thông tin bất lợi cho phụ nữ".
Các chuyên gia cho rằng những người liên quan đến vụ án quấy rối tình dục nam giới này cũng sẽ bị nhận hình phạt.
Những hình ảnh, thông tin bị phát tán trong group hầu hết được lấy từ các ứng dụng hẹn hò - nơi nạn nhân nam tự nguyên đăng tải. Tuy nhiên, khi các thành viên trong group dành cho phụ nữ lấy và đăng các hình ảnh kèm thông tin cá nhân của họ, đưa ra bình luận quấy rối thì có thể bị buộc tội phỉ báng.
Những người có liên quan đến phát tán thông tin cá nhân, bình luận quấy rối nam giới trong group có thể nhận hình phạt. Ảnh: 123rf. |
Nếu bất kỳ bức ảnh được chia sẻ nào được xác nhận là được lưu bất hợp pháp và đặc biệt nếu bao gồm hình ảnh khỏa thân của trẻ vị thành niên, mức độ nghiêm trọng của hình phạt có thể tăng lên đáng kể.
Luật sư Jang Yoon-mi lưu ý rằng hành vi trên "có khả năng bị trừng phạt theo Đạo luật Mạng Thông tin và Truyền thông về tội phỉ báng", nhấn mạnh thêm vấn đề này rất đáng bị lên án bất kể giới tính.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng vụ việc ở cộng đồng phụ nữ không thể coi là vụ án "Phòng thứ N". Vụ án "Phòng thứ N" liên quan đến việc sản xuất và phân phối tài liệu bóc lột tình dục trẻ vị thành niên trong một thời gian dài, mức độ nghiêm trọng và mức án là khác nhau đáng kể.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các vấn đề cốt lõi của tội phạm hơn là phân chia tất cả các vụ việc theo giới tính.
Giáo sư Heo Chang-deok thuộc Khoa Xã hội học tại Đại học Yeungnam cho biết: "Khiếm khuyết của logic nhị phân là nó đẩy các cuộc thảo luận quan trọng về phía sau. Trong trường hợp sự cố Phòng thứ N của Đại học Quốc gia Seoul, các cuộc thảo luận nên tập trung vào việc bảo vệ nạn nhân và biện pháp ngăn chặn tái diễn".
Các chuyên gia cho rằng cần thiết phải giải quyết các khía cạnh cơ bản của từng tội phạm, đảm bảo rằng diễn ngôn không bị chệch hướng bởi các lập luận dựa trên giới tính, thay vào đó ưu tiên bảo vệ nạn nhân và các chiến lược phòng ngừa hiệu quả.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.