Lý do cơ bản là tuyển sinh “3 chung” các trường công… nhàn, và kiểu gì cũng tuyển đủ sinh viên.
Thí sinh thi tuyển sinh năm 2013. |
“Bài học” từ thí điểm thi riêng
Năm 2013, Bộ cho phép 10 trường khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng. Đó là các trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
10 trường tuyển sinh riêng này với các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ.
Các ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn, riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.
Với cách tuyển sinh này, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển.
Tuy nhiên, đối với các thí sinh tuyển sinh riêng ngành năng khiếu do không thi môn văn theo đề chung nên khi không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã không thể xét tuyển vào các trường thi theo “3 chung” có cùng khối thi.
Cả Bộ GD-ĐT lẫn các trường đã không phổ biến rõ ràng cho thí sinh trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Vì vậy, sau khi có kết quả thi, các thí sinh không trúng tuyển NV1 chỉ có nước chạy loanh quanh tìm cách xét tuyển vào các trường trong nhóm thi riêng với chỉ tiêu xét tuyển ít ỏi.
Trên thực tế, việc trì hoãn tuyển sinh riêng mặc dù được Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh” của một số trường như ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng xuất phát từ e ngại thí sinh không sử dụng được kết quả thi tuyển vào trường để xét tuyển vào trường khác nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh mất các cơ hội “dự phòng” nên sẽ “chê”.
Ông Vũ Minh Giang, nguyên phó giám đốc ĐHQG Hà Nội từng chia sẻ tổ chức một kỳ thi riêng không khó nhưng vấn đề kèm theo việc tổ chức kỳ thi riêng phải được chuẩn bị kỹ. Ông Giang phân tích phương án thi “3 chung” lâu nay có nhiều hạn chế nhưng nó đã trở thành một thói quen là liên thông luân chuyển thí sinh giữa các trường với nhau. Nếu tổ chức kỳ thi riêng thì cơ hội xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 của khoảng 70% thí sinh trượt NV1 vào trường lớn sẽ như thế nào?
Công lập chưa mặn mà
Thí sinh thi tuyển sinh năm 2013. |
Nếu như các trường ngoài công lập vì sự sống chết của chính nhà trường mà phải loay hoay nghĩ phương án tuyển sinh riêng, thì có thể nhìn thấy rằng, các trường công lập không mấy mặn mà với quyền tự chủ.
Vì vậy, đến thời điểm này, ngoài ĐHQG Hà Nội, hiện nay mới chỉ có 1 trường công lập khác công bố có phương án thi riêng vào năm 2014 là ĐHQG TP.HCM.
Ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính, thì khẳng định trường vẫn sẽ theo phương án “3 chung” đến cùng, cũng vì lý do “thí sinh có thể dùng chung kết quả thi, không trúng tuyển trường này còn xét tuyển được vào trường khác”.
PGS. TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết: “Khi Bộ GD-ĐT khuyến khích xây dựng phương án tuyển sinh riêng, Trường ĐH Vinh chúng tôi cũng đã có suy nghĩ, cân nhắc. Tuy nhiên, qua thực tiễn tuyển sinh của trường, chúng tôi thấy rằng kỳ thi ĐH 3 chung rất hiệu quả.
Thí sinh thi tuyển sinh năm 2013. |
Vì lẽ, kỳ thi 3 chung đảm bảo sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề. Đồng thời, tạo ra mặt bằng để chất lượng GD ĐH được nâng lên, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Và, kỳ thi 3 chung hiện đang được xã hội đồng tình. Với những ưu điểm này của kỳ thi 3 chung, chúng tôi không có nhu cầu thay đổi...”.
Ông Khoa cũng cho rằng, Trường ĐH Vinh được Bộ giao tổ chức cụm thi Quốc gia, mỗi kỳ thi như vậy, ĐH Vinh làm lợi cho xã hội từ 70 – 100 tỉ đồng, người nhà và thí sinh không phải ra Hà Nội hay vào TP.HCM để dự thi.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, ngay sau khi Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được ban hành, trường đã thành lập Ban đổi mới căn bản và toàn diện Trường ĐH Vinh để nghiên cứu, từ đó sẽ có những đổi mới kỳ thi tuyển sinh của nhà trường.