Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Công nghệ Giáo dục dạy học sinh Thực nghiệm sống là chính mình'

Thế hệ học trò cũ của trường Thực nghiệm cho rằng Công nghệ Giáo dục đã giúp họ học từ phương pháp phân biệt âm và chữ đến cách sống là chính mình, tích cực.

GS Hồ Ngọc Đại nói về Công nghệ Giáo dục và đánh vần 'tròn, vuông' GS Hồ Ngọc Đại giải thích việc phân biệt rõ âm và vần trong dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1. Ông cũng khẳng định chương trình Công nghệ Giáo dục sẽ thay thế cách dạy cũ.

S

áng 8/9, chị Trần Lan Hương, huấn luyện viên về sức khỏe và dinh dưỡng, lên chuyến bay sớm từ TP.HCM ra Hà Nội.

Hôm đó, thầy giáo của chị là GS Hồ Ngọc Đại tham dự chương trình đối thoại sau những ồn ào về Công nghệ Giáo dục và cách đánh vần "tròn, vuông, tam giác".

Không mang học trò ra thí nghiệm

Căn phòng nơi buổi đối thoại diễn ra chật cứng khán giả, có giới trí thức, phóng viên và cả học trò cũ của GS Hồ Ngọc Đại. Chị Hương thu hút sự chú ý vì là người duy nhất kéo theo hành lý xuất hiện trong phòng.

Chị kể một tuần qua, trước phản ứng “lên đồng” của không ít cư dân mạng, cựu học sinh trường Thực nghiệm này hoang mang, không hiểu tại sao cộng đồng lại phản ứng đầy cảm tính như vậy, khi chưa nắm hết thông tin. Nhưng rồi chị nhận ra 40 năm qua, phương pháp của trường không ít lần vấp phải cản trở. Họ đã quen với điều đó.

GS Ho Ngoc Dai anh 1
Học trò thế hệ đầu về gặp GS Hồ Ngọc Đại nhân ngày ông trao đổi về Công nghệ Giáo dục ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Sương.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hương Giang (công tác tại Đại sứ quán Ba Lan) lại chọn cách... làm ngơ trước phản ứng quá khích, chỉ sẵn lòng giải đáp cho những ai thực sự muốn tìm hiểu Công nghệ Giáo dục là gì và học sinh được học gì tại trường Thực nghiệm.

Người này nói 40 năm qua, chị thấy may mắn vì theo học tại đây. Với chị, nó không chỉ là việc đánh vần, học chữ, mà còn là phương pháp lấy học sinh làm trung tâm.

Chị Giang kể lớp mình có 30 học sinh, mỗi môn một giáo viên. Thầy cô biết rõ từng người, coi học trò ngang hàng, bình đẳng, quan tâm sát sao từng chi tiết, chủ động giảm bài khi thấy trò không khỏe. Ở đó, các chị được tôn trọng sự khác biệt, không ai chê bai, cười nhạo khi nói gì sai.

“Đó là điểm đầu tiên tôi cảm nhận được mình khác với học sinh trường bên ngoài. 6, 7 tuổi, chúng tôi đã được tôn trọng. Điểm này theo chúng tôi đến suốt cuộc đời. Thầy cô gieo những hạt mầm tốt đẹp như thế nào, cũng chỉ chúng tôi mới cảm nhận hết”, chị Giang tâm sự.

Với chị, 8 năm học tại Thực nghiệm là quãng thời gian đẹp nhất. Sau đó, khi học lên cấp 3 tại trường Amsterdam (Hà Nội), ban đầu, chị sốc với văn hóa điểm số, ganh đua. Sau một năm học chuyên Nga, chị chuyển sang theo học khối A và thi đạt điểm cao, giành học bổng du học. Người phụ nữ này nói trường Thực nghiệm đã dạy chị thích nghi tốt với môi trường.

Chị không đánh giá hết phương pháp giáo dục tại đây đóng góp bao nhiêu phần trăm vào cuộc sống hiện tại. Chị chỉ vào những người bạn cùng mình đến dự buổi tọa đàm và bảo điều quý giá nhất là sau 40 năm, họ vẫn thân thiết, hiểu và chia sẻ với nhau.

“Vì 40 năm trước, thầy Đại và trường Thực nghiệm dạy chúng tôi sống chân tình, hồn nhiên, nhìn đời hiền hòa và yêu thương, không cần danh vọng cao sang, chỉ cần hạnh phúc. Chúng tôi học sống giản dị chứ không đánh đổi tâm mình để theo đuổi tiền tài, danh vọng”, chị tự hào nói về trường cũ.

Anh Nguyễn Khương Trang (công tác tại Bộ Ngoại giao) đánh giá cao phương pháp dạy đánh vần, học chữ theo Công nghệ Giáo dục. Anh cho rằng cách học này mang lại quy chuẩn về ngữ âm, đánh vần, có lợi cho quá trình học tập ngôn ngữ sau này.

Về những phản ứng của cộng đồng mạng, anh hy vọng mọi người tìm hiểu kỹ, đặt mình vào đứa bé để hiểu, chứ với người lớn đánh vần đơn giản, cách nào cũng được.

Người này cũng không đồng tình với những công kích cho rằng GS Hồ Ngọc Đại lấy trẻ làm thí nghiệm phương pháp mới. “Thực nghiệm không phải là thí nghiệm. Với tất cả tình yêu thương dành cho học trò, làm sao thầy mang học sinh ra thí nghiệm, không thể nào có chuyện đó”, anh Trang khẳng định.

GS Ho Ngoc Dai anh 2
Anh Trang đánh giá cao phương pháp phân biệt âm - chữ và cách đánh vần theo Công nghệ Giáo dục. Ảnh: QQ.

Dạy học trò sống là chính mình

Anh Trang nói thêm nếu xét về mục tiêu sống, anh tự nhận thấy các bạn học của mình đều thành công nhờ ngấm triết lý mà GS Hồ Ngọc Đại truyền đạt. Thầy dạy họ không học để làm "ông này bà nọ", kiếm nhiều tiền, mà dạy sống là chính mình, có ích cho xã hội.

Sau 40 năm, đây không phải lần đầu tiên anh gặp lại thầy giáo cũ nhưng hẳn là lần đặc biệt nhất. Thầy trò gặp nhau giữa tâm bão chỉ trích Công nghệ Giáo dục. Anh cùng bạn bè đến để động viên thầy. Những học trò khóa 1 và 2 trường Thực nghiệm cũng bày tỏ sự tin tưởng vững chắc vào người thầy năm xưa.

“Chúng tôi tin ở trí tuệ, đạo đức của thầy. Hàng chục năm cống hiến, thầy đã bạc trắng mái đầu nhưng vẫn hồn nhiên, hồn hậu đến thế”, anh Khương Trang chia sẻ cảm xúc sau buổi nói chuyện của GS Hồ Ngọc Đại.

Học với thầy Đại, kỳ 1 lớp 1, học sinh chỉ học vuông, tròn, tam giác nhưng đọc vanh vách hàng loạt ca dao tục ngữ. Lớn hơn chút nữa, những cô cậu học trò ấy được thỏa sức tưởng tượng qua những đề Văn, Toán mang tính sáng tạo.

Công nghệ Giáo dục đâu chỉ có cách đánh vần mà nhiều người cho là khó hiểu hay hình vuông, tròn, tam giác khiến cộng đồng mạng tự suy diễn sẽ được dùng thay thế cho chữ viết trong tương lai.

Thầy coi trọng cá nhân mỗi người, tôn trọng và hướng tới nền giáo dục giúp học trò được là chính mình, không cần so với ai, noi theo ai, vì quan niệm “người lớn lấy mình làm chuẩn để cư xử với trẻ em tàn bạo lắm”. Thầy dạy trò sống thật, tạo ra sự thật thực sự chứ không phải sự thật trong tưởng tượng, mơ ước.

Những học sinh cũ cho rằng GS Đại dặn mỗi giáo viên phải chịu thua học trò, lắng nghe các em thì mới dạy được, vì “trẻ con làm gì cũng có cái lý của trẻ”. Giáo viên phải căn cứ cái lý đó chứ không phải lý do họ đặt ra.

Việc học trở nên tự nhiên và nhẹ nhàng như hít thở. Lứa học trò ấy cũng không cần ôn tập nhiều vì thầy quý trọng từng thời điểm trong đời của trẻ, ý thức được mỗi khoảnh khắc mất đi là mất tuyệt đối.

Như lời GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ ôn tập tức là làm một việc hai hoặc nhiều lần, trong khi thầy cô có trách nhiệm tận dụng hết từng giây đến trường của trẻ.

GS Ho Ngoc Dai anh 3
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về triết lý giáo dục cũng như Công nghệ Giáo dục. Ảnh: Nguyễn Sương.

GS Hồ Ngọc Đại cũng nhấn mạnh trẻ 6 tuổi biết nói, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn và 9 tuổi nói hay. Học sinh viết sai là do giáo viên dạy không tốt. Đây cũng là một trong những điểm khiến cựu học sinh trường Thực nghiệm kính phục ông nhất - tôn trọng năng lực và nét riêng của mỗi cá nhân.

Thầy cô biết khen học sinh kịp thời, hạn chế chê và không chê các em trước tập thể. Giáo viên cũng không ép trò làm việc họ không thích mà dùng những điều tích cực trong cuộc sống để dạy.

Trong buổi trao đổi, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ với ông, mở trường Thực nghiệm là có trách nhiệm nhất với đất nước. Ông chỉ cần một học sinh nên người là yên tâm và giờ ông có hàng nghìn học trò như thế.

Anh Trang, chị Giang hay chị Hương là ba trong số đó. Nhìn lại 40 năm qua, chị Lan Hương tin tưởng Công nghệ Giáo dục là phương pháp tốt. Chị hy vọng mọi người hiểu rõ để có thêm lựa chọn.

Cùng suy nghĩ, anh Khương Trang mong muốn những điều tốt đẹp mình từng học tập sẽ được nhân rộng. Anh khá tiếc nuối vì công tác phải chuyển nơi ở khiến con không thể học đủ 8 năm tại trường Thực nghiệm. Trong khi đó, hai con của chị Giang đều trưởng thành từ mái trường này.

GS Hồ Ngọc Đại: 'Bố mẹ đừng áp đặt khuôn mẫu lên con' GS Hồ Ngọc Đại quan niệm nền giáo dục mới phải chú trọng cá nhân mỗi học sinh. Người lớn, đặc biệt là bố mẹ, không nên can thiệp, áp đặt mà để con tự do phát triển.

300 năm và câu chuyện đánh vần 'tròn, vuông, tam giác'

Theo GS Hồ Ngọc Đại, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, được làm giáo trình cho sinh viên ĐH Tổng hợp Lômônôxốp năm 1977.

GS Hồ Ngọc Đại: 'Nhiều người lấy câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi'

GS Hồ Ngọc Đại cho hay dư luận phê phán ông nhưng trường Thực nghiệm vẫn dạy và học tốt, chương trình Công nghệ Giáo dục sẽ tồn tại mãi.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm