Không phải những bàn thắng, trận Pháp gặp Tây Ban Nha (29/3) đánh dấu ngày công nghệ phân tích video lên ngôi. Trọng tài Felix Zwayer sau khi nhờ trợ lý xem lại video chiếu chậm quyết định từ chối bàn thắng rơi vào thế việt vị của tuyển Pháp, sau đó ông công nhận pha lập công của Tây Ban Nha.
Là đội bại trận, đâu đó xuất hiện một sự khó chịu nơi người Pháp, đội quyết định áp dụng công nghệ xem lại video ở trận này. Song những cổ động viên và cầu thủ chấp nhận phán quyết của trọng tài vì tính chính xác cao của công nghệ.
Trận Pháp gặp Tây Ban Nha (29/3) đánh dấu ngày công nghệ phân tích video lên ngôi. Ảnh: Getty Images.
|
HLV Didier Deschamps sau trận đấu nói: "Nếu công nghệ cho phép sửa chữa sai lầm, tại sao chúng ta lại chống lại nó. Dù công nghệ hôm nay chống lại tuyển Pháp, nhưng điều đó tốt cho việc đi tìm công lý trong thể thao".
Trong khi đó, HLV Julen Lopetegui của Tây Ban Nha không hề đưa ra tranh luận nào về phán quyết của trọng tài. "Họ (trọng tài) đã đưa ra hai quyết định công bằng", ông Lopetegui nói.
Công nghệ đang góp phần mang đến sự công bằng cho bóng đá. Những tranh cãi không có hồi kết sẽ nhường chỗ cho phán quyết của công nghệ xem lại video. Ngặt một nỗi, bóng đá càng hiện đại, những cảm xúc hiện hữu sẽ dần trở nên mờ nhạt.
"Công nghệ đang giết chết những cảm xúc của bóng đá. Đó là một nỗi đau vì bạn phải chờ trong giây lát mới có thể ăn mừng bàn thắng", thủ thành Hugo Lloris của tuyển Pháp nói.
Trận Pháp gặp Tây Ban Nha, Antoine Griezmann mở tỷ số, anh đã chạy ra góc sân và ăn mừng cùng đồng đội. Nhưng sau đó, trọng tài sau khi nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ xem lại video quyết định từ chối bàn thắng. Vì tính chất một trận giao hữu, tuyển Pháp không cự cãi trọng tài quyết liệt.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng và rất cần những tình huống va chạm, tranh cãi giống như một thứ gia vị cho món ăn thêm hấp dẫn. Tuy vậy, sự tiến hóa của công nghệ áp dụng vào trận đấu dù làm giảm thiểu tối đa mâu thuẫn trên sân bóng, tuy nhiên lại đang bào mòn cảm xúc trong những trận cầu.
Tính trung thực của những pha chiếu chậm từ công nghệ xem lại video cũng bị đặt dấu hỏi về tính trung thực. Chỉ trọng tài theo dõi được tình huống quay chậm, còn khán giả thì không. Điều này đồng nghĩa khán giả chỉ biết chờ đợi ngôn ngữ cơ thể của trọng tài.
"Điều này khiến trận đấu trở nên dã man, nó có thể làm khán giả mất uy tín", cựu trọng tài Bruno Derrien nói. "Bóng đá là cảm xúc, và cũng bao gồm luôn sự bất công.
Công nghệ video lấy đi nghĩa vụ của trọng tài biên. Nếu tôi là trọng tài biên, tôi sẽ không phất cờ bắt việt vị bởi mọi thứ đã có công nghệ quyết định".
Nói như Hugo Lloris và Bruno Derrien, công nghệ rõ ràng đang giết chết cảm xúc bóng đá và nhiều thứ nữa. Theo thời gian, tranh cãi sẽ biến mất. Khi đó, không ai có thể kêu ca về bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard trong trận Anh thua Đức 1-4 tại World Cup 2010 nữa.
Nhưng đi đôi với đó là sự hoài niệm cũng nhạt dần. Mà bóng đá sẽ thành ra thế nào nếu mất đi cảm xúc?