Nước chiếm 60-70% cơ thể, rất cần thiết đối với sức khỏe con người. Thiếu nước ảnh hưởng đến hoạt động sống, phản ứng, quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Bên cạnh đó, nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.
Trẻ em thiếu nước có thể bị suy giảm tuần hoàn, táo bón, thậm chí tử vong trong trường hợp mắc tiêu chảy cấp.
Trẻ em cần uống bao nhiêu nước/ngày?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Cẩm Trinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ, trẻ dưới 6 tháng không cần bổ sung thêm nước nếu bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột công thức pha đúng theo tỉ lệ hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu bé ra nhiều mồ hôi khi bị còi xương hoặc đi ngoài táo bón, phụ huynh cũng có thể cho con uống thêm 100-200 ml nước/ngày.
Nhu cầu nước mỗi ngày ở trẻ 6-12 tháng tuổi là 100 ml/kg (kể cả sữa). Như vậy, nếu nặng 8 kg, bé cần 800 ml nước/ngày. Trong trường hợp trẻ đã uống được 600 ml sữa, bố mẹ cần bổ sung 200 ml/ngày dưới dạng nước đun sôi để nguội hoặc nước quả tươi, nước rau luộc…
Trẻ 6-12 tháng tuổi phải được bổ sung nước theo công thức 100 ml/kg. Ảnh: Pexels. |
Đối với trẻ trên một tuổi, công thức tính lượng nước cần thiết được tính như sau:
Lượng nước uống (ml) = 1000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ - 10)
Theo đó, cứ 10 kg cân nặng, bé cần một lít nước mỗi ngày (kể cả sữa). Nếu con nặng trên 10 kg, phụ huynh bổ sung nước theo công thức 50 ml tương ứng với một kg.
Ví dụ, trẻ nặng 13 kg cần 1.000 ml + (3 x 50 ml) = 1.150 ml. Nếu bé uống được 500 ml sữa, số nước cần bổ sung là 650 ml.
Trẻ từ 10 tuổi trở lên cần bổ sung lượng nước uống hàng ngày bằng lượng nước người lớn tiêu thụ là 2-2,5 l/ngày.
Loại nước tốt cho sức khỏe của trẻ
Theo bác sĩ Trinh, nước uống hàng ngày cho trẻ có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước súp...
Nước ép trái cây tươi (cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo…) khi uống không nên cho thêm đường. Loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Các loại nước ép từ rau củ (củ đậu, bí xanh, nước rau má…) rất tốt cho cơ thể, nhất là đối trẻ bị béo phì. Các bé uống loại nước này vừa không sợ bị tăng cân, giúp giải nhiệt, nhất là trong những ngày hè nóng bức.
Sữa đậu nành không đường là nước uống bổ dưỡng, vừa cung cấp nước, canxi và các chất dinh dưỡng khác cho trẻ. Nước rau luộc cũng rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.
Bác sĩ Trinh cho biết loại nước uống tốt nhất cho con người là nước sạch tự nhiên có trong rau quả, nước băng tan hoặc nước sạch nhân tạo. Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày. Nếu uống nước đóng chai, mọi người phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.
Loại nước hạn chế cho trẻ uống
Theo bác sĩ Trinh, người lớn nên hạn chế cho trẻ uống nước khoáng, nước ngọt có gas, các loại nước uống công nghiệp hay nước tăng lực.
Nước khoáng là nước uống có chứa các chất khoáng như natri, kali, canxi, magie… Các loại nước khoáng do chứa thêm chất khoáng phải được dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không được sử dụng bừa bãi, nhất là trẻ nhỏ.
Dù chứa nhiều chất khoáng, nước khoáng được khuyến cáo không nên tiêu thụ trực tiếp hoặc dùng để pha sữa cho trẻ. Ảnh: Pexels. |
Phụ huynh không nên sử dụng các loại nước khoáng có chứa hàm lượng khoáng cao để pha sữa cho con vì chức năng thận của bé còn yếu, không đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể. Những chất khoáng dư thừa này tích tụ lâu ngày lại trong cơ thể trẻ có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù cơ thể...
Trẻ em cũng không nên được cho uống các loại nước ngọt có gas. Loại thức uống này có thể gây thừa cân béo phì hoặc đầy bụng biếng ăn ở các bé.
Các loại nước ép quả công nghiệp, trà sữa chứa nhiều đường, ít chất khoáng và vitamin, không tốt cho sức khỏe. Trẻ nếu được cho uống nhiều loại thức uống này có thể dẫn đến thừa cân - béo phì.
Ngoài ra, bác sĩ Trinh cũng khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không được cho con uống các loại nước tăng lực hay cà phê.
Cách uống nước đúng dành cho trẻ nhỏ
Trẻ nên được cho uống nước trước bữa ăn 30 phút và sau bữa ăn 30 phút. Nếu bé uống nước trước khi ăn 15 phút và ngay sau khi ăn, nước sẽ hòa loãng dịch vị dạ dày và tống xuống ruột gây nên hiện tượng khó tiêu.
Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cho trẻ vừa ăn vừa uống do con có thể bị khó tiêu do loãng dịch vị cũng như thức ăn nhai chưa kỹ.
Lượng nước hàng ngày nạp vào cơ thể bé nên được chia nhỏ thành nhiều lần. Mỗi lần, trẻ nên uống từ từ từng ngụm nhỏ để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào máu làm nhanh hết khát.
Ngoài ra, trẻ không nên được cho uống nước quá lạnh. Trong trạng thái lạnh, các phân tử nước tích hợp lại với nhau khó thấm qua ruột. Ở trường hợp này, trẻ có uống nhiều nước vẫn không hết khát do không hấp thu được nước quá lạnh. Tốt nhất, người lớn chỉ nên cho bé uống nước nguội hoặc hơi lạnh khoảng 15-20 độ C.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.