Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà vào giữa trưa nắng. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM), trong bối cảnh thời tiết nắng nóng tăng cao như tại TP.HCM hiện nay, đơn vị này ghi nhận số bệnh nhân bị bệnh hô hấp đến khám và điều trị tăng 15-20% so với cuối năm ngoái.
Trong thời tiết này, nhiều người lớn và trẻ em, đặc biệt là các trẻ nhỏ và những người lớn có hệ miễn dịch yếu, dễ bị các bệnh như sốt siêu vi, sởi, quai bị hay tay chân miệng. Riêng đối với trẻ em, thời tiết nắng nóng có thể dễ khiến các bé bị các bệnh như viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa.
Vì vậy, bác sĩ Vinh khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài giữa trưa nắng. Nếu có việc cấp bách phải ra ngoài, mọi người cần sử dụng các phương tiện bảo hộ (như găng tay, mũ, áo khoác), thoa kem chống nắng để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Trời nắng nóng, cơ thể mất nhiều nước, mọi người cũng nên bổ sung thêm nước. Một số đối tượng như phải làm việc giữa trưa nắng như công nhân, giao hàng... nên uống 2,5-3 lít nước/ngày. Ngoài ra, mọi người có thể mua thêm chất điện giải như oresol để bù nước, bù khoáng cho cơ thể.
Một lưu ý quan trọng không kém cho người dân ở thời điểm này để phòng tránh các bệnh hô hấp là nên tự vệ sinh mũi họng.
"Các sản phẩm vệ sinh mũi họng được bán nhiều tại các nhà thuốc tây. Mọi người có thể tự mua các dung dịch như nước biển sâu để tự rửa mũi ở nhà, nước súc họng để vệ sinh họng mỗi ngày", bác sĩ Vinh lưu ý.
Rửa mũi mỗi ngày là một cách phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ảnh: icloudhospital. |
Nếu cảm nhiễm, người dân không được tự ý mua kháng sinh về uống. Thay vào đó, nên đi khám để bác sĩ chẩn đúng bệnh và cho thuốc đúng liều.
Đối với trẻ em, phụ huynh nên nhớ lịch tiêm của con và cho bé đi tiêm ngừa đúng lịch.
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, trời nắng nóng cũng tạo điều kiện cho các bệnh về rối loạn tiêu hóa phát triển.
Nhiệt độ môi trường tăng cao khiến việc bảo quản thức ăn trong nhiệt độ môi trường trở nên khó khăn. Nhiều nấm mốc có điều kiện thuận lợi phát triển trong đồ ăn hàng ngày, gây ra các bệnh lý về rỗi loạn đường tiêu hóa.
Khi gặp hiện tượng này, người lớn có thể tự mua thuốc điều trị và theo dõi ở nhà. Tuy nhiên, nếu uống thuốc mấy ngày vẫn không khỏi, vẫn còn các hiện tượng nôn ói hay tiêu chảy, đối tượng này cần đến cơ sở y tế để khám bệnh kịp thời.
Riêng đối với trẻ em, bác sĩ Vinh khuyến cáo phụ huynh không nên tự điều trị cho các em. Nếu các triệu chứng tiêu chảy diễn ra trong thời gian dài, trẻ em dễ bị mất nước lẫn mất sức, dẫn đến các bệnh nặng hơn như tiêu chảy nhiễm trùng.
Ngoài ra, trong giai đoạn thời tiết đang ở cuối mùa khô chuyển sang mùa mưa, bác sĩ Vinh cũng lưu ý một căn bệnh khác mọi người có thể dễ gặp phải là viêm mũi dị ứng.
Do vậy, mọi người cần chú ý rửa mũi thường xuyên. Nếu tình trạng viêm mũi trở nặng với các hiện tượng nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi hoặc hắt xì quá nhiều, bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám, điều trị và dùng thuốc kịp thời.
Bên cạnh đó, bác sĩ Vinh cũng đưa ra khuyến cáo cho mọi người trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới khi số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
"Ngày lễ, mọi người thường đi chơi, di chuyển nhiều nơi, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo thông điệp 2K (khẩu trang + khử khuẩn) của Bộ Y tế", bác sĩ Vinh nhắc nhở.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.